Trong những năm qua, hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.
Tận dụng tiềm năng
Với đường bờ biển dài trên 3.260 km, tài nguyên hải sản của vùng biển
nước ta được đánh giá là rất phong phú và đa dạng, với hơn 2.000 loài
sinh vật biển, đảm bảo trữ lượng khai thác hằng năm gần 2 triệu tấn.
Cùng với đó, các điều kiện thủy văn và hệ thống sông ngòi, kênh rạch,
đầm phá, ao hồ dày đặc tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển
nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Thực tế cho thấy, những năm qua ngành thủy sản đã phấn đấu phát triển từ
một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi
nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao
nhất trong khối nông, lâm, thủy sản, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho
đất nước.
Ở lĩnh vực khai thác, theo thống kê, sản lượng đánh bắt hải sản ven bờ
và xa bờ tăng bình quân 5%/năm với hàng triệu tấn hải sản và hàng triệu
phương tiện đánh bắt các loại... Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm
2016 ước đạt 3,1 triệu tấn; 11 tháng năm 2017 đạt trên 3 triệu tấn.
Tính hết năm 2016, cả nước có gần 110.000 tàu cá, trong đó có trên 2.800
tàu dịch vụ hậu cần; trên 31.000 tàu khai thác có công suất từ 90CV trở
lên...
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh mẽ, tăng nhanh cả diện
tích nuôi trồng lẫn sản lượng. Năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản
cả nước đạt trên 3,5 triệu tấn; năm 2016 đạt trên 3,6 triệu tấn và 11
tháng năm 2017 đạt trên 3,4 triệu tấn, góp phần đáng kể vào chuyển đổi
mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển, tạo việc làm, xóa đói giảm
nghèo cho người dân ven biển, đồng thời góp phần quan trọng trong việc
nâng cao sản lượng, giá trị xuất khẩu.
Đáng chú ý nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ
mức thấp 550 triệu USD năm 1995, đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ
qua từng năm với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm và đã đạt 7,8 tỷ
USD năm 2014. Năm 2015, tuy gặp khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn
đạt khoảng 6,7 tỷ USD; năm 2016 đạt 7,05 tỷ USD và 11 tháng năm 2017 đạt
khoảng 7,5 tỷ USD.
Quá trình tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua đã đưa Việt
Nam trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới,
giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu. Việt Nam hiện xuất
khẩu thủy sản tới hơn 150 thị trường, trong đó có những thị trường chủ
lực là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thời gian tới, việc Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định kinh
tế sẽ mang lại cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ
những ưu đãi về thuế quan; đồng thời, tạo động lực giúp doanh nghiệp
trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất, nâng
cao giá trị gia tăng...
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh của nhiều khu
vực nhưng việc phát triển kinh tế ven biển vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên phải kể đến là cơ sở hạ tầng và phương tiện đầu tư cho khai
thác. Hiện nay, dù có khá nhiều cảng cá trên cả nước, nhưng hầu hết các
cảng cá đều thô sơ, chưa được nâng cấp và mở rộng; rất nhiều cảng chưa
có khả năng tiếp nhận những tàu lớn. Bên cạnh đó, hệ thống tàu khai thác
còn lạc hậu, chỉ có khoảng trên 31.000 tàu cá có công suất trên 90CV,
số lượng tàu vỏ thép cũng không nhiều...
Kế đến là khó khăn trong lĩnh vực nuôi trồng: tình trạng sản xuất phân
tán còn phổ biến; trình độ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng còn hạn chế;
chất lượng con giống chưa cao. Thêm vào đó là diện tích mặt nước ngọt,
lợ đưa vào nuôi trồng đã đến mức giới hạn, xuất hiện dấu hiệu thoái hóa,
xuống cấp ở một số vùng nuôi...
Ngoài ra, công nghiệp chế biến thủy sản kém phát triển cũng là yếu tố
ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề khai thác biển. Hiện cả nước có trên 600
cơ sở chế biến thuỷ sản có quy mô công nghiệp đăng ký sản xuất kinh
doanh xuất khẩu.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy đều có tỷ trọng cơ giới hóa, tự động hóa
trong sản xuất chưa cao, dẫn tới chi phí sản xuất tăng, giá thành sản
phẩm cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp... Ngoài ra, còn có số lượng
lớn cơ sở chế biến quy mô nhỏ hộ gia đình, chế biến mặt hàng truyền
thống. Số nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản ra đời nhiều dẫn đến tình
trạng thiếu hụt về nguyên liệu sản xuất...
Để phát triển bền vững, ngành thủy sản Việt Nam cần đưa ra những giải
pháp thiết thực cụ thể, trong đó, yếu tố quan trọng là nhanh chóng cải
thiện hạ tầng và phương tiện khai thác; cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới
về nuôi trồng; đồng thời tăng cường cơ giớ hóa, tự động hóa trong khâu
chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Xây dựng 6 trung tâm phát nghề cá lớn
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020,
tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 6 Trung tâm phát nghề cá lớn (tại
Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang và Cần Thơ)
nhằm tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt khai thác xa bờ,
gắn với các ngư trường trọng điểm. Mỗi trung tâm gắn với mỗi ngư trường
trọng điểm, gắn với lợi ích kinh tế-xã hội, tài nguyên, nguồn nguyên
liệu, hạ tầng kỹ thuật; làm đầu mối sản xuất, thương mại, dịch vụ hậu
cần nghề cá để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Cảng cá động lực là các cảng cá loại I, gồm cầu cảng chuyên dụng cho
khai thác, tổng hợp, cảng quốc tế, nhà tập kết, phân loại sản phẩm, khu
mặt nước, luồng, nhà quản lý, khu dịch vụ… khu nước ngọt, xăng dầu, khu
phí thế quan, dịch vụ thương mại.
Cùng với đó là các khu chức năng đặc thù, như: chế biến thủy sản, sửa
chữa, sản xuất ngư cụ, vật liệu vỏ, thiết bị hàng hải, khu neo đậu trú
tránh trú bão, trung tâm đăng kiểm nghề cá, kiểm ngư, cứu hộ, cứu nạn.
Các cơ sở chuyên ngành, đào tạo, nghiên cứu, tài chính, ngân hàng, trung
tâm hội chợ triển lãm.
Việc hình thành trung tâm nghề cá sẽ góp công lớn, là đầu tàu kéo ngành
thủy sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn, tốc độ tăng
trưởng cao, bền vững hơn./.
Minh Duyên (TTXVN)