Trung tâm giám định ADN được Chính phủ ưu tiên đầu tư, theo tiêu chuẩn
khoa học, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ mới, bảo đảm khả năng
phân tích 4.000 hài cốt liệt sĩ/năm.
Chiều 25/7, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học
và Công nghệ Việt Nam) tổ chức lễ khai trương Trung tâm giám định ADN.
Phó Thủ tướng
Chính phủ Vũ Đức Đam dự và cắt băng khánh thành. Cùng dự, có các đồng
chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và
Xã hội; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Phan Xuân Dũng,
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội; Châu Văn
Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Trung tâm giám định ADN được Chính phủ ưu tiên đầu tư, theo tiêu
chuẩn khoa học, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ mới, bảo đảm khả
năng phân tích 4.000 hài cốt liệt sĩ/năm. Trung tâm gồm có: Tổ hợp 10
phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân; các
phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển; khu vực lưu trữ mẫu;
khu vực kiểm định/kiểm chuẩn; hệ thống server và hệ thống văn phòng,
trên diện tích 750m2 tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế,
phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Trung tâm được trang bị các thiết
bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định
ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới...
Để chuẩn bị đi hoạt động, Viện Công nghệ sinh học đã cử sáu cán bộ
giám định đi đào tạo tại Tổ chức Quốc tế tìm kiếm người mất tích (ICMP)
tại Liên bang Bosnia và Herzegovina, và các phòng thí nghiệm tại Hamburg
- Đức. Toàn bộ các cán bộ tham gia công tác giám định đã được tham gia
các chương trình đào tạo kéo dài trong hai năm do các chuyên gia đầu
ngành về di truyền hình sự của Hoa Kỳ tới Việt Nam giảng dạy.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện
Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, Viện Công nghệ sinh học
là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công quy trình công nghệ
phân tích ADN hài cốt liệt sĩ và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn
vị giám định khác. Việc ra đời Trung tâm là nhằm triển khai thực hiện
nhiệm vụ của Đề án "Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin" đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày
14/1/2013.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn có nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện
các phương pháp ứng dụng công nghệ gien trong xác định quan hệ huyết
thống; xác định các đột biến gien và đánh giá rối loạn biểu hiện gien
liên quan đến bệnh lý; tham gia đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công
nghệ có trình độ cao về công nghệ gien và sinh học phân tử; hợp tác quốc
tế về công nghệ gien.
Đây là Trung tâm giám định ADN đầu tiên tại Việt
Nam đạt tiêu chuẩn tương đương các Trung tâm giám định ADN tại các nước
phát triển trên thế giới. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần hiệu
quả vào việc giám định hài cốt liệt sĩ, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của
nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.
PGS. TS. Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Giám
đốc Trung tâm giám định ADN cho biết, toàn bộ tổ hợp phòng thí nghiệm đi
vào hoạt động từ tháng 7/2019 và sẽ được nâng lên quy mô nhân sự và số
lượng mẫu phân tích vào năm 2020. Nguồn mẫu giám định được tiếp nhận từ
Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Là đơn vị có thế
mạnh về nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong những năm tới, ngoài
việc thực hiện công tác giám định ADN thường xuyên, Trung tâm hướng tới
các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ dựa
trên thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới nhằm bắt kịp trình độ
giám định ADN tại các nước tiên tiến.
Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách
chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương
cổ, trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di
truyền hình sự và di truyền cá thể./.
Hà Linh (nhandan.com.vn)