Việc sử dụng các loại phân bón hóa học,
thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nhằm mục đích bảo vệ, tăng năng suất cây
trồng nhưng, đã gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái;
môi trường bị ô nhiễm, suy thoái gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Sản xuất NNHC với mục tiêu bảo đảm hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo
ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu
quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ cho đất. Ðặc biệt, an toàn
vệ sinh thực phẩm đang là tiêu chí hàng đầu của phần lớn người tiêu dùng
trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng các hóa chất độc
hại...
Vì thế, người tiêu dùng đang dần có xu hướng thay đổi thói quen
quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe so với
trước đây. Trong khi đó, những tác động của biến đổi khí hậu đang có
những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đối với ngành nông nghiệp, cho nên việc
sản xuất nông nghiệp theo mô hình NNHC với việc luân canh các loại cây
trồng, không sử dụng các hóa chất độc hại, phân bón hóa học, thuốc bảo
vệ thực vật; canh tác đúng cách, đúng thời điểm để bảo đảm dinh dưỡng và
sự cân bằng của đất làm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và bảo
đảm cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức tài
nguyên… là xu thế tất yếu.
Theo các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cả nước
hiện có 33 tỉnh, thành phố triển khai sản xuất NNHC với ưu điểm là tránh
hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu,
các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia
trong thức ăn gia súc.
Tại huyện Bát Xát (Lào Cai) nơi có nhiều vùng
tiểu khí hậu thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) đối
với các giống cây trồng, từ đó tạo điều kiện nhân rộng mô hình sản xuất
thành vùng hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và ưu tiên
NNHC. Huyện đã có chính sách phù hợp thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng
dụng KHCN để liên kết sản xuất với người dân. Cùng với đó, công tác đào
tạo nghề, tập huấn được quan tâm triển khai thực hiện cho nên từng bước
nâng cao trình độ lao động nông thôn để áp dụng tiến bộ KHCN trong sản
xuất.
Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
huyện Bát Xát chia sẻ: Lấy mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng
bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cho nên huyện ưu tiên hoàn
toàn cho sản xuất NNHC, nhất là đã áp dụng được các tiến bộ về công
nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất với một số giống: nấm hương, chuối
cấy mô, lai tạo giống lúa mới... để cung ứng phục vụ sản xuất. Hiện nay,
toàn huyện có 674 ha diện tích sản xuất có ứng dụng công nghệ cao được
bảo đảm tiêu chí của UBND tỉnh Lào Cai. Qua việc áp dụng những mô hình
sản xuất mới, chuyển giao công nghệ đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ
cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời
sống cho người nông dân.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Ðịa lý nhân văn (Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam), NNHC ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu phát
triển dưới dạng các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoặc hộ gia
đình.
Ðể phát triển NNHC mang tính bền vững, đồng thời bảo đảm năng suất
và chất lượng sản phẩm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về KHCN. Sớm
có nghiên cứu, đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các
doanh nghiệp hiện nay để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù
hợp cho phát triển NNHC. Ở đó, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất NNHC cần
được đẩy mạnh hơn nữa. Như việc sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ
thống phun nước tự động, cảm biến tự động… sẽ giúp giảm một cách đáng kể
ảnh hưởng của thời tiết và giảm chi phí nhân công, từ đó bảo đảm hiệu
quả kinh tế cũng như năng suất các sản phẩm NNHC.
Mặt khác, tăng cường
trao đổi kinh nghiệm, học tập, đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức
quốc tế, các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển để tìm ra giải pháp
phù hợp cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nền NNHC nói riêng. Có
cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và
ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm NNHC; các mặt hàng
thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu
cơ. Ði liền với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất,
các doanh nghiệp và người tiêu dùng…/.
Ninh Cơ (nhandan.com.vn)