Thứ Ba, 24/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 7/9/2009 22:42'(GMT+7)

Khán đài, những mảng màu sáng - tối...

Chảo lửa Lạch Tray

Chảo lửa Lạch Tray

Quậy như fan đất Cảng

V.League 2009 là mùa giải của những kỷ lục từ khán đài. Đây là mùa bóng có lượng khán giả đến sân đông nhất trong lịch sử giải đấu. Với 1.890.500 lượt khán giả vào sân sau 26 vòng đấu, V.League 2009 dễ dàng phá sâu kỷ lục 1 năm trước đó đến hơn 500.000 lượt người, tức tăng gấp 3 lần, một con số ấn tượng trong lịch sử giải đấu. Trong đó, sân Lạch Tray xếp đầu bảng khi chiếm non nửa số trận có lượng CĐV trên 20.000 người của mùa bóng 2009.

Nếu có cuộc bình chọn, danh hiệu sân bóng “hot” nhất trong năm chắc chắn không thể thoát khỏi đất Hải Phòng. Họ sở hữu lượng khán giả trung bình cao nhất, rực lửa nhất. Không một ai, khán giả hay đội bóng nào có thể quên được ấn tượng về những khán đài rực lửa, với hàng vạn người đồng thanh, những thanh đập, trống, chiêng... đủ làm đau tim những kẻ yếu bóng vía. Sức nóng ấy trên sân Lạch Tray quả thật là thiên đường và luôn là giấc mơ của bóng đá Việt Nam.

Nhưng, chỉ tiếc là một bộ phận không ít CĐV Hải Phòng không chịu hài lòng ở mức độ ấy. Ngoài việc vào sân cổ động, thì rủi thay, họ còn muốn... “quậy”, và dường như việc “quậy” đã trở thành căn bệnh của nhóm người này. Ai cũng biết fan bóng đá phía Bắc nổi tiếng về độ “máu” với một loạt địa danh thuộc diện “đến dễ khó về” như sân Vinh, Thiên Trường, Thanh Hóa... Nhưng mùa này, tất cả đều bị lép vế, mà nói theo kiểu được “thống nhất” trong giới bóng đá là: Nhắc về độ “quậy”, đất Cảng xếp Nhì, song chẳng ai dám xếp Nhất!

Cái danh không mấy tự hào ấy chẳng phải tự nhiên mà có. Nó là hệ quả của bao sự cố, từ đốt pháo sáng, ném vật cứng xuống sân, vào cả... trọng tài, đến ẩu đả hành hung CĐV đội bạn, khiến BTC đã phải 4 lần ra án phạt. “Trình” quậy của họ “vô đối” đến mức sau khi đã phạt XM.HP thi đấu không khán giả trên sân nhà, BTC giải phải đưa ra cái án phạt “vô tiền khoáng hậu”: Cấm CĐV XM.HP đến các sân khách vô thời hạn.

Cái gì cũng có giới hạn của nó, BTC giải sau rất nhiều lần nương tay đã không còn kiên nhẫn. Phía CLB cũng thế, để rồi phải đưa ra cái án xóa tên Hội CĐV XM.HP sau sự cố ở trận đấu cuối mùa.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu như thế đã là đủ để Lạch Tray trở nên “lành” hơn?
E rằng, khó có câu trả lời, bởi ai cũng rõ trong vấn đề này, mấu chốt không nằm ở cái đơn vị vừa bị trảm.

Lành, lạnh hay nhạt fan phía Nam!

Tôi đã từng có mặt ở hầu hết các sân như Gò Đậu, Long An, Thống Nhất hay Cao Lãnh… Có một thực tế dễ nhận thấy là trong khi các sân phía Bắc sôi sục là thế, thì ở phía Nam, các khán đài hiền lành hơn nhiều, thậm chí trái ngược đến mức “lạnh”. Rất nhiều lần, nếu không phải vì lượng CĐV áp đảo, thì không ai có thể phân biệt đâu mới là CĐV đội chủ nhà, bởi chỉ cần một nhóm khoảng 100 CĐV đội khách như của SLNA, XM.HP, Thanh Hóa… cũng có thể khiến hơn chục ngàn khán giả sân Long An, Gò Đậu… “tắt điện”.

Nhiều người diễn giải bằng lý do CĐV miền Nam lành hơn, lành như chính con người họ. Nhưng thực tế không chỉ như thế, bởi họ cũng từng cho mình chẳng lành chút nào, như cách CĐV CLB TP.HCM đánh 2 fan SLNA vì cái tội “hỗn” trên sân Thống Nhất, hay vụ ẩu đả tại Cao Lãnh sau trận đấu giữa CS.ĐT và XM.HP kết thúc là một ví dụ.

Có một thực tế, CĐV phía Nam “nhạt” hơn ngoài Bắc. Cái “nhạt” ấy đến từ độ máu trong cổ động, hình thức cổ động đến... cách uy hiếp đối thủ. Trong văn hóa bóng đá của mình, CĐV phía Nam ra sân là chỉ để xem vào dịp cuối tuần, chứ không phải là cổ động, hoặc đôi khi là muốn cổ động nhưng chẳng biết nên cổ động thế nào cho hay. Do vậy, quy mô, cung cách, hay những trang thiết bị và độ nhiệt trong việc cổ động tại các sân phía Bắc vẫn nổi trội…

Thế nhưng, để bóng đá phát triển một cách tự nhiên, không bị kìm hãm bởi những trở lực đến từ “cầu thủ thứ 12”, người ta vẫn chọn các khán đài phía Nam, cho dù cách cổ động của họ đôi khi không mang lại khí thế cho các cầu thủ dưới sân./.

Theo Báo Bóng Đá

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất