Thứ Bảy, 21/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Tư, 6/11/2024 8:0'(GMT+7)

Quảng Bình tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai cực đoan

Mưa lũ gây ngập lụt sâu ở huyện Lê Thuỷ, tỉnh Quảng Bình

Mưa lũ gây ngập lụt sâu ở huyện Lê Thuỷ, tỉnh Quảng Bình

Các hộ gia đình ở nhà gỗ nên lưu ý đảm bảo lối thoát khi cửa chính có thể bị ngập; tốt nhất nên liên lạc với nhà hàng xóm có nhà hai tầng hoặc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương để được hướng dẫn đến nơi trú ẩn an toàn. Các nhóm cứu hộ tự phát cần thận trọng khi di chuyển vào khu dân cư để tránh gây sóng lớn làm sập tường nhà dân, và nên tuân theo hướng dẫn của chính quyền.

Trận lụt lớn vừa qua là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự cần thiết của chuẩn bị phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Những lớp bùn dày đến 40 cm, các xã chìm sâu trong nước, cùng những thiệt hại to lớn là động lực thúc đẩy người dân và chính quyền xây dựng một hệ thống ứng phó vững mạnh và linh hoạt hơn, sẵn sàng đối diện với các thách thức từ thiên nhiên.

Trong ba ngày cuối tháng 10/2024, lượng mưa lớn tại các xã biên giới như Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy cùng mưa to ở khu vực đồng bằng đã gây ngập lụt toàn bộ huyện Lệ Thủy. Đặc biệt, nhiều xã trung du và ven đô như Trường Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy cũng chìm sâu trong nước, có nơi ngập đến 1,5m, gây bất ngờ và khó khăn cho người dân trong việc bảo vệ tài sản, dẫn đến nhiều thiệt hại về phương tiện và vật nuôi.

Thiệt hại nặng nề được ghi nhận tại các xã như An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, với bùn lầy dày 30cm phủ kín mọi nơi từ nhà cửa đến trường học, công trình công cộng, gây khó khăn trong công tác phục hồi sau lũ. Nước từ dòng Kiến Giang mang theo bùn đất, rác thải từ núi rừng đã đổ xuống đồng bằng, khiến nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị cuốn trôi, mất kế sinh nhai.

Mặc dù chính quyền và các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và triển khai các phương án phòng chống lũ, nhưng trận lụt này đã cho thấy rõ sự khó lường của thời tiết hiện nay. Bão Trà My có biến đổi nhanh chóng về hướng đi và cường độ, đặt ra những thách thức mới cho công tác phòng chống thiên tai trong tương lai.

Người dân Lệ Thủy, dù đã quen với cảnh lũ lụt hàng năm, nay phải đối diện với một thực tế mới khi thời gian và chi phí phục hồi sau lũ trở nên kéo dài và tốn kém hơn. Lũ lụt hiện nay gây thiệt hại nghiêm trọng hơn về cơ sở hạ tầng, nhà cửa, và trang trại chăn nuôi, đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài. Các cấp chính quyền đã chỉ đạo kịp thời việc sơ tán dân và triển khai biện pháp ứng phó nhanh, song vẫn có những hạn chế trước sức mạnh tự nhiên. Cùng với các hoạt động cứu trợ, chính quyền địa phương cũng tổ chức họp khẩn để đánh giá lại phương án phòng chống lũ, đề xuất nâng cấp hệ thống cảnh báo và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường khả năng ứng phó.

Để khắc phục nhanh hậu quả bão số 6 và mưa lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị tiếp tục triển khai đồng bộ công tác ứng phó với mưa lũ, ngập theo phương châm "4 tại chỗ".

Đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình thiên tai, tập trung một số nhiệm vụ cấp bách gồm: UBND các huyện, thị, đặc biệt là huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới nắm chắc tình hình, nhu cầu, chủ động, kịp thời hỗ, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, trong đó lưu ý đời sống đồng bào dân tộc vùng thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đến nơi an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn khi lưu thông ở những vùng còn ngập lụt, cử lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn...

Tiến Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất