Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 6/3/2009 16:53'(GMT+7)

Khẳng định thương hiệu bằng sự tôn vinh chính xác kịp thời và tính minh bạch

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hà Thái- Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hoá (TT&VH), Trưởng Ban Tổ chức giải Âm nhạc Cống hiến 2008:

Thưa ông, năm 2008 hoạt động của nhạc Việt có nhiều khó khăn. Vậy tiêu chí của giải thưởng Âm nhạc Cống hiến có gì khác so với những năm trước và những điểm mới của giải là gì?

Tiêu chí của giải thưởng vẫn như thế. Vì ngay từ đầu chúng tôi xác nhận giải này là giải cống hiến của những người hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc. Ở đây tôi chỉ muốn nói thêm là có một số người chưa hiểu rõ chữ cống hiến. Họ cứ nghĩ rằng những người hoạt động nhiều là có cống hiến. Chúng tôi muốn nói rõ lại rằng: cống hiến ở đây là người nghệ sĩ phải có những thành quả về mặt nghệ thuật, có đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc. Những đóng góp đó phải nó có tiếng vang trong công chúng. Từ lần trao giải đầu tiên đến nay thì chúng tôi vẫn duy trì đúng tiêu chí đó.

Thưa ông, nhìn lại những gương mặt đã được giải thưởng âm nhạc cống hiến trong 3 năm qua, những gương mặt ca sĩ như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà hoặc Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang tiếp tục có những nỗ lực trên con đường âm nhạc và là những gương mặt nổi trội trong đời sống âm nhạc hiện nay. Xin ông có thể cho biết là giải thưởng đã khuyến khích họ nỗ lực nhiều hơn nữa trong lao động nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn nữa cho công chúng như thế nào?

Tôi nghĩ giải thưởng Âm nhạc Cống hiến sau một thời gian hoạt động đang dần khẳng định uy tín. Và đối với một nghệ sĩ khi được trao giải thì thực sự là một nguồn động lực đối với họ. Về điều này, chúng tôi xin nhường lời để các nghệ sĩ tự đánh giá, còn với góc độ của ban tổ chức thì chúng tôi cũng chỉ cố gắng tổ chức chu đáo để giải có chất lượng tốt nhất và có thể tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc một cách khách quan nhất. Còn việc từ giải thưởng có tạo ra cho họ bước đột phá nào hay không thì còn tuỳ thuộc vào từng nghệ sĩ.

Việc chọn lựa các gương mặt để đề cử, bầu chọn rất quan trọng. Ban tổ chức có sự chọn lựa như thế nào để tìm được những gương mặt xứng đáng, thưa ông?

Ban đầu giải Cống hiến ra đời, chúng tôi có cách chấm giải là ở vòng đầu tiên thì tổ chức việc bầu chọn của độc giả. Sau đó là kết quả của các nhà báo. Qua 3 năm trao giải, chúng tôi thấy hình thức độc giả gửi phiếu bình chọn không ổn lắm. Kết quả đề cử rất tản mát. Bắt đầu từ năm nay chúng tôi quyết định thay đổi hình thức lựa chọn. Chúng tôi xác định đây là giải hoàn toàn của các nhà báo- những khán giả khá đặc biệt. Báo Thể thao và Văn hóa chỉ làm một việc đơn giản là sẽ tổng hợp những gương mặt mà thấy họ có những cống hiến trong những năm vừa qua. Sau đó, chúng tôi gửi cho một số nhà báo chuyên về âm nhạc và lấy ý kiến của họ. Chúng tôi lập ra một danh sách đề cử cuối cùng. Danh sách bầu cử đó được 100 nhà báo bầu chọn. Họ là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học- nghệ thuật, nhiều người chuyên theo dõi lĩnh vực âm nhạc và có sự hiểu biết khá sâu về lĩnh vực này.

Thưa ông, từ trước đến nay thì đã có khá nhiều giải thưởng dành cho các nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc. Giải thưởng âm nhạc cống hiến sẽ khẳng định thương hiệu của mình như thế nào, để các nghệ sĩ được vinh danh thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào khi được nhận giải thưởng này?

Tôi nghĩ mỗi giải thưởng có một tiêu chí, có một cách chấm giải. Để tạo ra một giải xứng đáng, theo tôi nghĩ thì nó có hai yếu tố chính: một là phải lựa chọn ra một hội đồng giảm khảo thật tốt. Hội đồng giám khảo này phải theo dõi, bao quát các hoạt động trong năm để có thể lựa chọn được mà không bị bỏ sót và chọn lựa chính xác. Tôi nghĩ tất cả các cuộc thi, hội đồng giám khảo là quan trọng nhất. Thứ hai là tính minh bạch. Đó là yếu tố tạo nên uy tín của giải. Riêng với giải cống hiến, chúng tôi có hội đồng giám khảo là 100 nhà báo. Tất cả các kết quả chấm của họ đều được công bố công khai, cho nên các nhà báo tham gia đều làm việc hết sức trách nhiệm vì họ đặt cả uy tín của họ vào sự bình chọn của họ. Các nhà báo nói chung theo dõi đời sống âm nhạc là tương đối sát. Tôi cũng tin ban giám khảo có thể tìm ra những gương mặt xứng đáng để trao giải. Điều quan trọng nhất của một giải thưởng là ở kết quả của nó. Các gương mặt được chọn trao giải chính xác hay không sẽ tạo nên thương hiệu của giải.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây có sự lặp đi lặp lại trong các đề cử. Phải chăng ban tổ chức có khó khăn trong việc lựa chọn đề cử, hay chúng ta chưa có nhiều gương mặt nghệ sĩ có những đóng góp nổi bật đối với đời sống âm nhạc?

Tôi nghĩ đời sống âm nhạc là sự phát triển liên tục. Ngay cả với giải cống hiến cũng thế thôi, đó là sự lặp lại, đó là chuyên cũng khá bình thường. Một nghệ sĩ khi họ hoạt động đến đỉnh cao thì cũng có thể kéo dài nhiều năm. Nếu họ có cống hiến đối với sự phát triển âm nhạc thì việc liên tục được vinh danh cũng là điều bình thường và chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực của họ. Giải cống hiến có sự lặp lại đề cử của năm trước không nhiều, chỉ chiếm 20%. Tôi nghĩ đó là tỷ lệ chấp nhận được.

Thưa ông, năm nay, lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến sẽ được trao tại TPHCM. Xin ông thông tin về lễ trao giải tại TPHCM lần này?

Năm ngoái và năm nay, báo TT&VH kết hợp với công ty Lê Pros tổ chức sự kiện này. Công ty này là công ty tổ chức sự kiện hàng đầu của VN. Chúng tôi tin là họ cũng sẽ chuẩn bị chu đáo cho lễ trao giải này. TT&VH và Lê Pros cũng đang tích cực để làm nốt công việc còn lại để tổ chức lễ trao giải một cách tốt nhất. Tuy nhiên, cách mà chúng tôi trao giải thì gây rất nhiều khó khăn cho ban tổ chức. Đó là việc sát đến lễ trao giải thì chúng tôi cùng các phóng viên tham gia bình chọn mới kiểm phiếu của các nhà báo. Thường thì chỉ cách lễ trao giải khoảng 2 tiếng đồng hồ, có khi muộn hơn, thì mới có kết quả cuối cùng. Chính vì thế, các nghệ sĩ đều bất ngờ trước việc mình được trao giải. Thậm chí chúng tôi phải đối mặt với việc những người được trao giải (vì những lý do rất đặc biệt) không có có mặt tại lễ trao giải.

Lễ trao giải sẽ có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Phi-lip-pin Arell Estella, các nhạc sĩ Lưu Hương Giang, Hồ Hoài Anh, Đức Cường, Tina Tình; các ca sĩ: Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn, Ban nhạc 5 dòng kẻ, nhóm nhạc Unlimited và dàn nhạc giao hưởng nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Để các buổi lễ trao giải được suôn sẻ, công tác chuẩn bị và công tác tổ chức phải làm rất chặt chẽ phải không thưa ông?

Vâng, đúng như vậy. Chúng tôi đã có kinh nghiệm 4 lần trao giải thì cho đến nay chúng tôi đã có được các cách thức và các bước chuẩn bị rất chu đáo. Những giải đầu tiên chúng tôi còn bỡ ngỡ, có thể có bất trắc xảy ra.

Tôi hy vọng các nghệ sĩ mà chúng tôi mời sẽ đến tham dự giải đầy đủ. Bởi vì chúng tôi nghĩ, với giải cống hiến được đề cử cũng là một vinh dự. Bởi vì lọt vào danh sách đề cử không nhiều và đây là quá trình lựa chọn khá rộng trong giới nhà báo. Tôi nghĩ riêng việc có mặt và được đề cử trong danh sách này thực sự là niềm vinh dự đối với nghệ sĩ.

Vâng xin cảm ơn ông./.


Để cử giải âm nhạc cống hiến lần thứ 4-2008:

- Giải Album của năm: Bóng tối ly café (Lê Thanh Hải); Cánh cung 2(Đỗ Bảo); Kiếp nào có yêu nhau (Đức Tuấn); Trần Tiến (Ha Tran Productions); Trở lại (Mỹ Tâm).

- Chương trình của năm: Bài hát Việt (VTV3); Con đường tình ta đi (Phương Nam Phim); Chuyện tình yêu (Quang Dũng); Unlimited Symphony (Unlimited và Nhạc viện Thành phố HCM).

- Nhạc sĩ của năm: Hồ Hoài Anh, Đỗ Bảo, Nguyễn Đức Cường, Lưu Thiên Hương

- Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm: Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn và ban nhạc Unlimited


Mai Hồng
thực hiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất