Các tham luận tại hội thảo đã làm bật những nét đẹp tư tưởng, tâm hồn
dân tộc của Tố Hữu; ghi nhận những cống hiến của ông trong nền thơ cách
mạng, trong xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Các đại biểu đều khẳng định, Tố Hữu là nhà thơ có ảnh hưởng lớn đối với
văn hóa dân tộc Việt Nam. Thơ ông mang tâm hồn dân tộc, phục vụ cách
mạng, nhân dân.
Tố Hữu được Đảng, Bác Hồ trao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực văn hóa tư
tưởng trong những năm tháng khó khăn nhất của công cuộc đấu tranh, xây
dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, đời sống văn
hóa, tinh thần của nhân dân Việt Nam vui tươi, phấn khởi hơn.
Giới văn học nghệ thuật Việt Nam cũng như giới văn nghệ truyền thống
biết ơn Đảng, Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu trong sự nghiệp bảo tồn và phát
huy văn hóa dân tộc, để đến hôm nay, nhiều loại hình văn hóa dân tộc như
Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Hát xoan Phú
Thọ… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn
hóa dân tộc Việt Nam chia sẻ, là người lãnh đạo văn hóa tư tưởng, đồng
thời là nhà thơ lớn của dân tộc, song Tố Hữu không tiếc công sức nói,
làm cho giới trẻ nghe, hiểu giá trị của những di sản văn hóa dân tộc qua
các hội thảo, hội diễn văn hóa truyền thống.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng, với các tập thơ "Từ ấy," "Việt Bắc," " Gió lộng," "Ra trận," "Máu và Hoa"… , Tố Hữu xứng đáng được tôn vinh là Nhà thơ của cách mạng, của nhân dân và của chủ nghĩa nhân văn cách mạng.
Tố Hữu lớn trong tư cách nhà thơ, trong vài trò lãnh đạo chủ chốt trên
mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến
cứu nước và nhiều năm sau này. Ông luôn coi trọng việc khai thác, phát
huy các vốn cổ dân tộc, những loại hình văn học nghệ thuật dân gian, cổ
truyền của cộng đồng, từng dân tộc, địa phương.
Cho rằng Tố Hữu là một tài năng văn học, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tâm
sự: "Thế hệ chúng tôi khi làm thơ có lẽ bắt đầu bằng việc đọc thơ Tố
Hữu. Ông đã đóng góp cho văn hóa dân tộc ở chính hồn thơ của mình. Đặc
biệt, cái tài của Tố Hữu là dù nói về vùng miền nào thì chất Huế vẫn
không mất đi. Nhà thơ để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa dân tộc, hồn
thơ của ông sẽ mãi vang vọng tới mai sau."
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người rất yêu mến Tố
Hữu ghi nhận Tố Hữu là một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên định, cao
quý. Là nhà thơ của dân tộc, nhà văn hóa lớn của cách mạng, ông góp phần
quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho nền văn hóa mới của dân
tộc.
Từng gắn bó với Tố Hữu khi còn tại thế, giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ những
kỷ niệm về Nhà thơ, khẳng định Tố Hữu đã tập hợp được đông đảo đội ngũ
văn nghệ sỹ đi theo con đường cách mạng, thơ ông kết hợp được tinh thần
cộng sản với tính dân tộc.
Giáo sư Vũ Khiêu cũng hy vọng những những tài liệu, sáng tác của Tố Hữu
có thể được xuất bản lại, góp phần khẳng định công lao của ông với cách
mạng, đất nước, văn hóa dân tộc.
Cùng chung quan điểm trên, Đại tá-nhà thơ Đặng Ngọc Vân, người sắp tới
sẽ bảo vệ luận văn tiến sỹ về thơ Việt Nam nêu lên nhiều nét đẹp trong
thơ Tố Hữu; đồng thời đề nghị nên có một học bổng mang tên Tố Hữu để
động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, bồi
đắp tình yêu với đất nước trong thế hệ trẻ.
Nhân dịp này, các đại biểu cũng được thưởng thức lại một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu./.
Theo TTXVN