Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 15/10/2015 8:21'(GMT+7)

Văn nghệ sĩ và việc tham gia xây dựng nhân cách con người

Văn học, nghệ thuật có vai trò tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách con người, chính vì thế chức năng giáo dục của văn học, nghệ thuật luôn được đề cao, ở nhiều giai đoạn lịch sử đó là tiêu chí hàng đầu để đánh giá giá trị một tác phẩm. Xét từ lịch sử văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn, vấn đề này được giải quyết khá thấu đáo, có sức thuyết phục, và giúp văn học, nghệ thuật hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ xã hội - nghề nghiệp, nhiều tác phẩm được công chúng hồ hởi đón nhận, thật sự trở thành “tài sản tinh thần” của nhiều thế hệ. Thế nhưng gần đây, có xu hướng cho ra đời hoặc cổ vũ một số tác phẩm mà ngay khi xuất hiện đã bị dư luận phê phán gay gắt, bởi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự hình thành, phát triển nhân cách. Và trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới, đó là điều cần phải được cảnh báo, ngăn chặn.

Từ ý kiến của một nhà văn cho rằng, văn học vốn là loại hình nghệ thuật chủ động “khước từ sự ồn ào, tập trung cho sáng tạo” để xem xét, có thể thấy thời gian qua, một số người viết, nhất là người trẻ, dường như lại làm ngược lại. Họ muốn thể hiện bản thân qua phát ngôn, nhận định về đủ các vấn đề lớn, nhỏ trong xã hội, thay vì quan tâm đến nghiệp viết. Nhìn từ bên ngoài thì quan niệm văn học, nghệ thuật của họ có vẻ đa dạng, nhưng lại tỏ ra xung đột với nhau như: văn học là cái ác, văn học là cái vô vị lợi, văn học phải đề cao tính giải trí, văn học là nơi chủ thể có toàn quyền tự do sáng tạo,… thậm chí có người không ngần ngại tự hào nhận mình là nhà văn “ba xu” đầu tiên ở Việt Nam. Chủ đề và nội dung tác phẩm của họ quanh đi, quẩn lại chỉ nói tới đời sống bế tắc của người trẻ tại các đô thị lớn, những ẩn ức và sự lạc lõng về tình dục và bạo lực, tình yêu bất thành. Có người viết còn có hẳn bộ sưu tập các tập truyện có nhan đề và nội dung phản cảm: Chuyển giới, Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, Kế hoạch cua trai. Không chỉ dừng lại ở một số tác giả trẻ, yếu tố tình dục, bạo lực cũng xuất hiện ngày càng nhiều, tràn lan trong tác phẩm của một số nhà văn đã ít nhiều khẳng định được tên tuổi, nhất là qua một vài tác phẩm viết về người lính, về chiến tranh cách mạng, đời sống con người thời kỳ hậu chiến xuất bản trong thời gian gần đây. Đọc các tác phẩm này, dễ thấy yếu tố tính dục, bạo lực bị lạm dụng, trở thành con dao hai lưỡi xé vụn tác phẩm, khiến công chúng hiểu nhầm, đánh giá sai dụng ý nhà văn, hoặc bị cuốn theo các miêu tả tầm thường mà không chú ý tới thông điệp nhân văn mà nhà văn muốn gửi gắm. Một tiểu thuyết của một nữ nhà văn là người Việt ở nước ngoài mới xuất bản ở trong nước là một thí dụ. Cuốn sách được tung hô: “xen giữa nhục dục và yêu đương là câu chuyện dài về Sài Gòn hậu tháng Tư cùng những số phận trôi nổi của người Việt (...) kết hợp chính trị và tình dục, hai đề tài tưởng như đối lập, trong một văn phong độc đáo, vừa mềm mại vừa ám ảnh”. Nhưng đọc nó, sẽ thấy chỉ là một văn bản lê thê những đoạn mô tả cảnh sinh hoạt tình dục, xen kẽ một số đoạn văn thể hiện sự hiểu biết còn nông cạn, đầy phiến diện, méo mó của người viết về giai đoạn lịch sử này… Trong bối cảnh đó, điều cần quan tâm là mỗi khi đối diện với sự phê phán, có tác giả lại không xem xét lại mình mà quay ra chê bai độc giả chưa đủ trình độ để thưởng thức tác phẩm của họ, hoặc đánh giá sai lầm về quan niệm của họ. Thậm chí, có nhà văn còn cảm thấy hào hứng khi tiết lộ sách của mình bị đình bản, không được xuất bản tại Việt Nam. Đáng buồn là lại có một số tờ báo, kênh thông tin cố tình đăng tải những thông tin đó!

Cách đây không lâu, xảy ra một sự kiện liên quan phát ngôn trong chương trình Giọng hát Việt khiến dư luận bàn ra tán vào. Đó là trình diễn của một nam ca sĩ vốn chỉ là hiện tượng “âm nhạc mạng”, nổi lên bằng những ca khúc với giai điệu ăn theo nhạc nước ngoài, đã cất lên lời ca: “Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời - Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời - Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”. Một nhóm rapper tự nhận là “đàn anh” của ca sĩ này không ngần ngại tung ra video, bài hát có lời ca tục tĩu để “dạy cho cậu ta một bài học” vì “nhìn bọn mày diễn như lũ đồng tính - Bọn phẫu thuật chỉnh hình dị tật”. Sau đó, cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp thanh minh rằng cách hành xử của họ không có gì quá đà, phản cảm bởi phong cách mà họ lựa chọn đều là “rap underground”. Trong khi, “underground” thực ra chỉ là một dòng sáng tác phi chính thống, nghiệp dư, bị lên án, chỉ trích từ chính quê hương sản sinh ra nó. Hơn nữa, dù du nhập bất kỳ một phong cách, khuynh hướng nghệ thuật nào cũng cần phải đối chiếu với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Vậy mà mấy nghệ sĩ đó vẫn mượn thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa ngoại lai, chạy theo những khuynh hướng sáng tác ở nước ngoài để bao biện cho sáng tác của mình. Sau sự cố, “đàn anh” của ca sĩ kia đã khóa tài khoản facebook, còn trên nhiều mạng xã hội, những người bênh vực ca sĩ vẫn tiếp tục đưa ra lời lẽ thiếu kiềm chế. Nhưng nguy hiểm hơn, đó lại là “thần tượng” của một bộ phận thanh, thiếu niên mà với họ, phát ngôn, sáng tác của “thần tượng” lại đã trở thành một thứ “chân lý” có thể giẫm đạp, vượt lên các chuẩn mực, đạo đức xã hội, đó là điều hết sức nguy hiểm đối với văn hóa, với nhân cách.

Trong điện ảnh, thời gian qua cũng xuất hiện mấy tranh luận khá "lạ lùng" như: cảnh nóng trong phim bao nhiêu là đủ, giới hạn nào cho cảnh nóng trong phim, ngưỡng nào cho cảnh nóng trong phim, cảnh nóng có còn đủ “nóng”, định mức “5 giây trong một cảnh nóng” gây tranh cãi,…? Qua các ý kiến tranh luận, lại thấy có vẻ như theo một số người, cùng với mấy trò hài hước, kinh dị, dung tục, nhảm nhí đang hoành hành thì cảnh nóng và bạo lực cũng là “yếu tố quyết định” sự thành công của mỗi bộ phim? Tuy thế lại ít người quan tâm tới các giá trị khác mà một tác phẩm điện ảnh chân chính cần mang tới, như đạo diễn Đặng Nhật Minh đã trả lời phỏng vấn trên An ninh Thế giới: “Khi ra điều luật giới hạn về thời lượng phát sóng của cảnh nóng, cảnh sex thì chỉ có hai loại người quan tâm. Một là nhà làm phim mà phim của họ có cảnh nóng, hoặc cảnh sex sẽ quan tâm. Hai là khán giả xem cần thấy phải có cảnh nóng và sex, phim của tôi Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê… thì làm gì có cảnh nóng hay cảnh sex? Tôi không quan tâm về vấn đề này”. Khi đưa “cảnh nóng” ra thảo luận, liệu mấy ai quan tâm tới điện ảnh Iran, ở đó yếu tố tình dục bị lược bỏ trong phim, nhưng nền điện ảnh của quốc gia này vẫn có vị trí cao trong nền điện ảnh thế giới. Điện ảnh thị trường của Hàn Quốc, Thái-lan cũng có nhiều bộ phim hay, giàu tính nhân văn mà không cần phô diễn cảnh bạo lực, tình dục. Do đó, suy cho cùng thì bạo lực hay tình dục không thể trở thành chủ đề lớn lấp đầy nội dung của tác phẩm điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung. Chúng chỉ là một trong nhiều công cụ, phép ẩn dụ để nghệ sĩ thể hiện các quan niệm, các tư tưởng. Cách đây hai năm, đạo diễn bộ phim Bụi đời chợ Lớn, từng ngạc nhiên vì bộ phim của mình đã bị cấm chiếu vì ông đã “phóng tác” khá nhiều từ tác phẩm Troy của đạo diễn W.Pi-tơ-xen (W.Petersen). Nhưng đáng tiếc, mô phỏng của ông chỉ dừng lại ở những hình ảnh bạo lực. Quan niệm của đạo diễn hoàn toàn đi chệch khỏi thông điệp của W.Pi-tơ-xen. Vì W.Pi-tơ-xen phê phán sự phi nghĩa của chiến tranh đã cướp đi xương máu của bao nhiêu con người đẹp đẽ, tài năng. Còn Bụi đời chợ Lớn lại đổ thừa cho lực lượng Công an đã không có mặt kịp thời, gây ra cuộc hỗn chiến giữa hai băng nhóm giang hồ!

Trong đời sống văn học, nghệ thuật những năm qua đã có không ít nghệ sĩ bám sát đời sống, và quan trọng hơn là một khát vọng làm mới nội dung, hình thức tác phẩm của mình để có thể truyền tải các thông điệp, giá trị tốt đẹp đến công chúng. Nhưng ngược lại, cá biệt đã xuất hiện một số sản phẩm có chất lượng nghệ thuật kém, thậm chí xuyên tạc lịch sử, phản nghệ thuật, phi chính trị “đội lốt” văn học, nghệ thuật. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều nhà báo, nhà văn hóa, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã trình bày tại hội thảo khoa học toàn quốc "Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức vừa qua. Trong tham luận Văn hóa và con người, con người và nhân cách trình bày tại hội thảo, nhà báo Hà Đăng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Trong đời sống xã hội và con người, luôn có sự đan xen giữa cái lạc hậu, cái xấu, cái ác và cái mới, cái tốt đẹp (...) điều quan trọng với văn nghệ sĩ trong sáng tạo là không lầm lẫn. Không sai lệch trong cách nhìn dẫn đến cái xấu, cái ác, cần lên án thì ca ngợi, còn cái tốt, cái đẹp cần ngợi ca lại phê phán”. Nhìn từ thực trạng văn học, nghệ thuật trong thời kỳ Đổi mới, tham luận của PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, “những tác giả trẻ vẫn quá say mê vào các đề tài thời thượng,... mà quên đi chức năng giáo dục và dự báo của văn học... đổi mới không có nghĩa là những gì hôm qua chưa được nói/làm (hoặc bị hạn chế) thì nay có thể nói và làm, tùy hứng mà không quan tâm đến thị hiếu thẩm mỹ và tâm lý công chúng tiếp nhận”… và đó là sự thật cần phải cảnh tỉnh. Nghĩa vụ (hoặc có thể nói là thiên chức) của người nghệ sĩ trong thời đại mới là tìm kiếm những giá trị chân - thiện - mỹ và tái hiện, sáng tạo bằng ngôn ngữ, âm thanh, mầu sắc,… và các giá trị này sẽ chứa đựng trong đó những bài học tham gia xây dựng nhân cách con người. Lịch sử văn học, nghệ thuật dân tộc với các tác giả lớn được nhân dân kính trọng, với các tác phẩm có ý giá trị xuyên thời gian cho thấy điều đó, và đang đòi hỏi văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp nối một cách xứng đáng.


 
ĐÌNH DŨNG
Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất