Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 13/10/2015 20:31'(GMT+7)

Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TH)

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TH)


Ngày 13-10, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).

Truyện Kiều từ khi ra đời đến nay, không ngớt những lời bình luận. Đến với Truyện Kiều là đến với một thế giới của nội dung, tư tưởng, ý nghĩa xã hội, thành tựu nghệ thuật, ngôn ngữ Tiếng Việt và những liên quan đến văn bản.

Tại Hội thảo, tác giả Phong Lê đã khẳng định, với Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tạo được một sự giao thoa giữa tư duy nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Đây là một sự vượt thoát rất ngoạn mục bộ đồng phục của văn chương cổ điển với mọi ước thúc, ràng buộc chật chội của nó, sang bộ cánh hiện đại khiến cho bất cứ người đọc nào trong chúng ta hôm nay không cảm thấy bỡ ngỡ và xa lạ. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã chuyển tải chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn, gắn với tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựng nước của cha ông. Một tiếng Việt trong 254 bài của Quốc âm thi tập, có giá trị không thua Bình ngô đại cáo của danh nhân Nguyễn Trãi, thế kỷ XV. Một tiếng Việt rất bác học và dân gian, rất cổ điển và hiện đại trong 3254 câu Kiều, xứng danh là thiên thu tuyệt diệu từ, sau Quốc âm thi tập 4000 năm. 3254 câu với 22778 chữ gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam suốt hơn 200 năm qua, in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất hình chữ S. Theo tác giả Phong Lê đánh giá, Nguyễn Du là bậc thầy tuyệt vời nhất, là đại diện sáng nhất cho tất cả những ai chọn nghề viết văn, viết thơ, tức là chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề nghiệp của mình.

Đối với tác giả Lê Thành Nghị, Nguyễn Du đã bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật của mình, là những vui buồn, đau đớn, xót thương với những biến cố quan trọng nhất  của cuộc đời Kiều. Bằng những dòng lục bát đầy thương cảm, Nguyễn Du đã bắc một nhịp cầu tin thần đến với trái tim của người đọc. Họ như cũng một nhịp rung cảm với tác giả, dễ dàng xâm nhập vào tư tưởng và thế giới tinh thần của tác giả. Sức sống của Truyện Kiều một phần là ở những câu lục bát, như những tiếng kêu thương ai oán này. Theo ông, Truyện Kiều là tổng  hợp các giá trị văn hóa thể hiện thiên tài của Nguyễn Dư. Nếu chữ Tâm không thể hiện bằng tài năng bậc thầy như Nguyễn Du, chắc gì hiệu quả của Truyện Kiều đã to lớn như vậy? Tài năng của ông thể hiện ở việc biến một câu chuyện tài tử giai nhân xoàng xĩnh ít người biết của Thanh Tâm Tài Nhân thành một kiệt tác, biến một hình thức tự sự của nguyên bản thành câu thơ lục bát trữ bậc nhất của văn học Việt Nam. Trong trái tim lớn của nhân loại luôn luôn chất chứa niềm thương vô hạn đối với con người. Đó chính là gốc của mọi thiên tài.

Tác giả Đặng Hiển lại cho rằng Nguyễn Du, Truyện Kiều là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ hiện đại. Trong những năm chống Mỹ ác liệt, Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn đồng hành với chúng ta trên đường ra trận. Tố Hữu viết Kính gửi cụ Nguyễn Du, Chế Lan Viên viết Gửi Kiều cho em Năm đánh Mỹ. Là một nhà thơ trữ tình chính trị, Tố Hữu đã hơn một lần vận dụng Truyện Kiều để liên hệ so sánh ngợi ca cuộc đời mới.  Nhưng ông không rơi vào lối liên hệ đơn giản “xưa buồn, nay vui, xưa khổ nay sướng” mà đã đặt cả trái tim mình vào đó để xót thương nàng Kiều và chia sẻ với nỗi đau đớn của Nguyễn Du.

Nói đến thơ hiện đại viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, không thể nào không nói tới Vương Trọng, một nhà Kiều học. Thơ của Vương Trọng dù viết về đề tài nào cũng đẫm hơi thở của cuộc sống hiện tại và có tác dụng ngay với thời hiện tại. Nhà thơ Vương Trọng chia sẻ, ông đã từng đọc Kiều từ khi tập đánh vần, chưa hết cấp hai đã thuộc toàn bộ hơn 3.250 câu thơ của tác phẩm này. Rồi ông tập làm thơ theo thể thơ lục bát, cố viết cho giống ngôn ngữ của “Truyện Kiều” và cũng có một số thành công nhất định. Sau này, khi đã hiểu “Truyện Kiều”, cảm nhận được cái hay của tuyệt tác này, ông nhận thấy mình mới chỉ vận dụng được một phần nhỏ vào hoạt động sáng tác. Với ông, Truyện Kiều dạy tôi làm thơ.

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: Ảnh hưởng của Nguyễn Du đối với đời sống văn chương hiện đại rất lớn, bởi Nguyễn Du là người viết kiên trì theo chủ nghĩa nhân văn sâu sắc nhất cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những người tiên phong trong xây dựng nhân vật theo kiểu phức hợp, sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật đồng hiện, lối viết văn hàm súc… Nguyễn Du sẽ còn sống mãi và “Truyện Kiều” mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt./.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất