Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/12/2012 11:15'(GMT+7)

Kháng sinh nào cho văn hóa Việt hiện nay?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



Là những nước "đồng văn", văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có sự giao lưu nhất định và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ rất sớm. Tuy nhiên, trong quá trình xâm nhập và tiếp nhận văn hóa kéo dài hàng nghìn năm lịch sử, mỗi nước đều có những phản kháng để bảo tồn bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Ngay từ thời Bắc thuộc, những ký tự sơ khai của chữ Nôm đã hình thành cùng ý thức phản vệ của cha ông ta. Chữ Nôm được sử dụng trong những văn bản hành chính thời nhà Hồ, phát triển rực rỡ từ thời Lê và đã để lại cho hậu thế một di sản văn chương đồ sộ với những: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, những bài thất ngôn bát cú của Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Truyện Kiều của Nguyễn Du… Và quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc đã được thể hiện mạnh mẽ trong lời hịch của Hoàng đế Quang Trung khi tiến quân ra Bắc diệt giặc Thanh xâm lược: "Đánh cho để đen răng/Đánh cho để tóc dài…/Đánh cho lịch sử biết nước Nam là có chủ".

Sức đề kháng của văn hóa Việt Nam hình thành từ tâm hồn, trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường, không chịu khuất phục của mỗi con người Việt Nam. Do vậy, những chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc qua nghìn năm đô hộ không thể làm phai nhạt văn hóa dân tộc. Trái lại, những tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo, đặc biệt là Phật giáo đã hòa vào dòng chảy dân tộc, chuyển thành những nét riêng và đặc sắc, bồi đắp, làm phong phú cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Đây là một nét đặc biệt của văn hóa Việt. Lịch sử đã để lại cho chúng ta niềm tự hào và những bài học lớn về sự tiếp nhận một cách hài hòa và có nguyên tắc đối với văn bên ngoài. Bên cạnh đó, sự phòng vệ, phản kháng đối với văn hóa ngoại lai tiêu cực là tinh thần chủ đạo để người Việt gìn giữ bản sắc của mình. Và bản sắc ấy chính là nền tảng tạo nên sức mạnh của dân tộc.

Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin thật sự trở thành một quyền năng, nó thúc đẩy sự phát triển ồ ạt của các hãng thông tấn, truyền hình, giải trí… tạo cơ hội cho nhân loại tiếp xúc nhiều hơn, dễ dàng hơn với các nền văn hóa. Những rào cản bị xóa nhòa, các giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật… của các nền văn minh được quảng bá, phát tán nhanh hơn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Biên giới mềm về văn hóa ngày càng tỏa rộng. Những làn sóng văn hóa ngoại lai ùa vào mọi ngõ ngách trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Có thể thấy, trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc như hiện nay.

Cùng với những tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa với đủ thể loại tràn ngập thị trường văn hóa, những bộ phim truyền hình mang đậm chất Trung Hoa đã thu hút được lượng lớn khán giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Gần gũi với tư duy, đời sống người Việt, những sản phẩm văn hóa Trung Quốc lan tỏa rộng rãi và không khó để nhận diện mặt trái. Với số lượng phim khổng lồ được phát hằng ngày trên truyền hình, khoan nói đến tư tưởng của những nhà làm phim - có thể theo hướng "trái chiều", chỉ dung lượng thông tin về lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa đã đủ tạo ra hậu quả tai hại. Chuyện giới trẻ nước nhà biết về lịch sử Trung Quốc nhiều hơn lịch sử nước nhà là một sự thật đáng buồn.

Văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam muộn hơn nhưng sức hút có phần mạnh mẽ hơn. Mười mấy năm trước, khán giả thích thú đón nhận "Yumi - Tình yêu của tôi" trên truyền hình như một sự khám phá mới mẻ với những bài học về tình yêu và cuộc sống mang nhiều ý nghĩa nhưng không quá nặng nề. Và lúc đó, hàng hóa "Made in Korea" cũng chưa được nhiều người biết tới. Thế rồi các loại mỹ phẩm Hàn Quốc lần lượt xuất hiện cùng những gương mặt tài tử sáng giá trên các mẩu quảng cáo len vào giữa những câu chuyện tình nhẹ nhàng, lãng mạn xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các kênh truyền hình. Giờ đây, phim Hàn Quốc đã là món không thể thiếu của các nhà đài, nhạc Hàn Quốc trở thành "thời thượng" trên internet, hàng hóa Hàn Quốc đã tràn ngập phố phường… Những làn sóng văn hóa Hàn Quốc ào ạt cuốn qua mọi gia đình, khi giới trẻ ăn món ăn Hàn Quốc, diện thời trang Hàn Quốc và sống theo các thần tượng người Hàn Quốc… thì không thể coi đó là một hiện tượng xã hội bình thường. Ở một phương diện khác, phim ảnh Hàn Quốc đã mở đường ngoạn mục cho hàng hóa Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sự xâm nhập mang tính chuyên nghiệp ấy không gặp phải sự phản kháng "đúng mức" từ những chủ thể của nền văn hóa Việt nên đã để lại không ít hệ lụy cho đời sống tinh thần của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc nói chung, điện ảnh nói riêng, có rất nhiều tinh hoa để chúng ta tiếp nhận, học hỏi. Nhưng sự ưu ái đến mức dễ dãi cho phim Hàn Quốc, Trung Quốc lấn át trên sóng truyền hình, trong các rạp chiếu phim… không chỉ tạo nên sự lệch lạc trong thực đơn giải trí mà còn để lại hậu quả khó lường. Điều đáng buồn là không phải ai cũng ý thức được điều tưởng chừng như không thực tế này. Rất đáng phải suy nghĩ khi một nhà biên kịch kể rằng, nhà sản xuất đưa cho anh ta một đống phim Hàn Quốc và nói: Xem đi, viết đi, tuần sau nộp kịch bản . Nếu đây là việc làm được xem là bình thường trong giới "nghề" thì hoàn toàn có thể hình dung ra những loạt phim truyền hình có cốt chuyện na ná giống nhau - nói một cách bỗ bã là "hàng nhái", mà đã là "hàng nhái" thì không thể nói là đỉnh cao nghệ thuật. Thực tế, không ít phim dài tập sướt mướt tình cảm đậm chất Hàn Quốc đã xuất hiện bên cạnh những chương trình giải trí đang gây náo loạn truyền hình hiện nay. Và như vậy, vấn đề không chỉ ở cuộc chiến phim nội, phim ngoại mà với cách làm "mỳ ăn liền" này, văn hóa Việt Nam sẽ phải chấp nhận một sự đổ bộ hỗn tạp của văn hóa ngoại lai và hệ lụy của nó là chúng ta sẽ phải đương đầu trong một cuộc chiến văn hóa...

Gần đây một vị lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có ý kiến về việc: Các đài phát thanh, truyền hình phải nâng cao chất lượng và thời lượng chương trình tự sản xuất, hạn chế việc khai thác quá nhiều phim truyền hình nước ngoài, nhất là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc… Đây không chỉ là một lời nhắc nhở của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ở mọi phương diện, đây là lời cảnh báo ở mức độ cao. Hội nhập trong một thế giới phẳng, trở thành một cư dân trong ngôi làng toàn cầu, Việt Nam có thêm cơ hội để tiếp nhận và chia sẻ với thế giới vốn văn hóa được gây dựng từ hàng nghìn của mình. Nhưng, nếu không nâng cao được sức đề kháng của văn hóa, làm cho cơ thể văn hóa Việt Nam miễn dịch với những tác động phản văn hóa thì chẳng những đánh mất cơ hội tiếp cận sâu rộng với những giá trị tinh hoa của văn minh nhân loại, mà không ai khác, chính chúng ta đã mở cửa cho những luồng gió độc ùa vào làm băng hoại những giá trị tinh thần mang bản sắc Việt Nam.

Sức đề kháng của nền văn hóa có thật sự mạnh mẽ hay không phụ thuộc vào các yếu tố bên trong cấu thành nền văn hóa ấy. Khi các yếu tố này cùng phát triển tác động đồng thuận với những giá trị đích thực được hình thành trong tiến trình phát triển của dân tộc và nhân loại, cùng hướng tới cái Đẹp - Chân - Thiện - Mỹ thì sức đề kháng của nền văn hóa sẽ được nâng cao. Trong thời điểm hiện tại, văn hóa Việt đang cần những liều thuốc kháng sinh đặc hiệu đủ sức đẩy lùi những vi rút độc hại; ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài; nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong tiếp nhận văn hóa… Khơi dậy hơn nữa lòng tự hào về lịch sử phát triển văn hóa dân tộc với tất cả những giá trị truyền thống được hình thành từ tiến trình dựng nước và giữ nước; đồng thời đào thải khỏi đời sống xã hội tệ sùng bái văn hóa ngoại lai, quay lưng lại quá khứ, thiếu trách nhiệm với hiện tại và mơ hồ với tương lai của dân tộc… là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Sự xâm nhập những phản giá trị từ bên ngoài thường thông qua những phản giá trị từ bên trong. Do vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính phòng vệ, cần xác định rõ ranh giới giữa tinh hoa văn hóa và các yếu tố lạc hậu trong văn hóa truyền thống. Bởi lẽ do những hạn chế có tính lịch sử, văn hóa quá khứ có không ít yếu tố lạc hậu đã trở thành vật cản của sự phát triển như những hủ tục mê tín dị đoan, lệ làng, tư duy tiểu nông… Việc làm sáng rõ những giá trị đích thực của bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi thời đại và đẩy lùi tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đang làm băng hoại đạo đức, lối sống và những giá trị văn hóa truyền thống là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong xu thế giao lưu hội nhập, trước những vấn đề phức tạp về biên giới mềm văn hóa ngày một lan rộng, việc xây dựng bản lĩnh văn hóa Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tạo dựng một bộ lọc ở tầm cao trí tuệ để chắt lọc tinh hoa nhân loại, bồi đắp những giá trị mới cho văn hóa Việt Nam; xây dựng một mặt bằng dân trí đủ sức phản kháng với những yếu tố phản văn hóa từ bên ngoài; khơi thông nguồn mạch, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới… không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, đài truyền hình, cơ quan quản lý mà cũng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam bởi cả dân tộc ta là chủ thể của nền văn hóa./.

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất