Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 12/12/2012 13:29'(GMT+7)

Vực dậy phim nghệ thuật: Học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Nhà sản xuất Won Dong Yeon và đạo diễn Chang-min Choo chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin chung quanh việc làm phim nghệ thuật ở Hàn Quốc.

Nhà sản xuất Won Dong Yeon và đạo diễn Chang-min Choo chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin chung quanh việc làm phim nghệ thuật ở Hàn Quốc.

Phim nghệ thuật của Hàn Quốc thời gian gần đây liên tục giành các giải thưởng điện ảnh lớn, nhưng ít ai biết được số lượng phim ra rạp hằng năm cũng vô cùng ít ỏi nếu so với số phim thương mại. Không chỉ vậy, việc đi tìm nguồn vốn đầu tư cho phim nghệ thuật cũng là một thách thức đối với các nhà làm phim Hàn Quốc.

Nhà sản xuất bộ phim “Hoàng đế giả mạo” Won Dong Yeon cho biết, mỗi năm ở Hàn Quốc có khoảng 200-300 phim ra rạp, trong đó có cả phim nước ngoài. Trong số này, phim thương mại chiếm tới 70-80%, còn lại là phim nghệ thuật và phim độc lập. Các phim nghệ thuật phần lớn không có doanh thu, phải mượn đến nhiều biện pháp quảng bá, marketing để thu hút khán giả. Tính đến nay, hai phim ăn khách nhất của Hàn Quốc thu hút được nhiều nhất là khoảng 3 triệu lượt khán giả. “Pieta”, bộ phim thành công nhất của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk, mới giành giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2012 cũng chỉ thu hút được khoảng 500 nghìn lượt khán giả. Được biết bộ phim có tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD, nhưng doanh thu chỉ vào khoảng trên dưới 3,6 triệu USD. Khoảng gần 600 nghìn lượt khán giả mua vé xem phim này.

Ông Won Dong Yeon cũng cho biết, hiện nay ở Hàn Quốc có khoảng bảy bộ phim bom tấn, thu hút khoảng 10 triệu lượt khán giả, không phim nào trong số đó là phim nghệ thuật. Theo ông Won, không thể so sánh phim nghệ thuật với phim thương mại ở Hàn Quốc được. Trong cả nước Hàn Quốc hiện có khoảng 2.100 phòng chiếu phim, trong đó 200-300 phòng chiếu liên tục chiếu các phim thương mại mới ra mắt, còn phim độc lập và phim nghệ thuật mới chỉ được chiếu ở khoảng 20 phòng chiếu. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn như thế nào giữa hai dòng phim thương mại và nghệ thuật ở ngay Hàn Quốc.

Những năm gần đây, phim nghệ thuật đã trở thành một trong những tiêu điểm chú ý của các nhà làm phim và các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc. Nhiều cơ hội, nhiều hỗ trợ dành cho các nhà làm phim trẻ được đưa ra, tùy vào từng điều kiện phù hợp. Ông Won Dong Yeon cho hay, hiện nay Hàn Quốc có Viện Điện ảnh, Trường Nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc và Viện xúc tiến Nghệ thuật Hàn Quốc là ba nơi hỗ trợ đào tạo cho các nhà làm phim trẻ. Viện xúc tiến Nghệ thuật Hàn Quốc có mức học phí ưu đãi hơn nhiều so với nhiều trường nghệ thuật khác. Hàn Quốc còn có một quỹ hỗ trợ điện ảnh khoảng 100 tỷ won, trong đó có 50 tỷ dành cho sản xuất và đào tạo nhân lực trong phim độc lập, nghệ thuật.

Ngoài ra, các đạo diễn phim nghệ thuật hay phim độc lập được hỗ trợ từ khâu viết kịch bản cho tới huy động vốn để sản xuất phim. Ngoài kinh phí hỗ trợ đào tạo trong trường học, các đạo diễn cũng được tạo điều kiện trong đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng hạn hẹp nên các nhà làm phim cũng chưa hẳn đã hết khó khăn. Mặc dù vậy, do sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, ngày càng có nhiều đạo diễn làm phim tốt và giành giải thưởng.

Ông Won Dong Yeon cho biết, đối với một bộ phim, quan trọng nhất là khâu kịch bản. Ở Hàn Quốc, kịch bản quyết định toàn bộ quá trình đầu tư sản xuất. Kịch bản phải hoàn thiện, nhà đầu tư mới quyết định huy động vốn. Chính vì thế, các tác giả kịch bản rất được coi trọng và thường được đãi ngộ tốt. Ông Won cũng cho biết, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đưa ra một văn bản quy chuẩn về hợp đồng trả tiền cho tác giả kịch bản hưởng từ doanh thu ngoài rạp. Ngoài ra, nếu kịch bản được chuyển thể, tác giả kịch bản cũng được hưởng tiếp phần trăm doanh thu từ tác phẩm chuyển thể đó. Văn bản này cho thấy tầm quan trọng của nhà biên kịch trong quá trình thực hiện một bộ phim. Ngoài ra, các nhà biên kịch cũng có một hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Những chính sách tạo thuận lợi của chính phủ Hàn Quốc đã góp phần tích cực trong việc cổ vũ các nhà làm phim trẻ. Ông Won Dong Yeon cho biết, hiện nay nhiều nhà làm phim trẻ khi ra trường đã lựa chọn nghệ thuật làm lối đi chính cho mình. Họ không ngần ngại lăn lộn với công việc làm phim vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa kiếm sống, để sau này có cơ hội làm một tác phẩm để đời.

My Lan/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất