Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 13/12/2012 21:25'(GMT+7)

Vận động sáng tác: "Bội thu," liệu gạo có thành cơm?

Mùa đầu tiên nhưng "Cuộc vận động sáng tác ca khúc tuyên truyền 2012" đem lại nhiều bất ngờ và sự tươi mới. (Ảnh: Minh Minh/ Vietnam+)

Mùa đầu tiên nhưng "Cuộc vận động sáng tác ca khúc tuyên truyền 2012" đem lại nhiều bất ngờ và sự tươi mới. (Ảnh: Minh Minh/ Vietnam+)

"Bội thu"dù khó lại... khô

Chia sẻ tại buổi lễ tổng kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc tiết kiệm năng lượng 2012 sáng nay, những nhạc sỹ "lão làng" như Huy Thục, Nguyễn Cường... đều nói vui chính họ đã bị “lôi kéo” khi cuộc vận động được phát động trong hội nhạc sỹ.

Những người có mặt đều cảm thấy chí lý trước cái "lý" để "lôi kéo" được những tên tuổi "cây đa cây đề" làng nhạc Việt nhập cuộc của nhạc sỹ Hồng Đăng: "Trong nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc, tiết kiệm năng lượng có lẽ là đề tài khiến các nhạc sỹ ngại tiếp xúc vì nó vừa khó, lại... khô khan. Nhưng càng khó, càng khô, chúng tôi lại càng thích chinh phục."

Chính vì thế, nó cũng trở thành "thử thách sáng tạo" quyến rũ với cả lớp nhạc sĩ trẻ "nhập cuộc" so tài; trong đó có những tên tuổi đã thành danh bấy lâu nay là Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Lưu Hà An.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng: "Hội đồng tuyển chọn thực sự bất ngờ trước các tên tuổi nhạc sỹ tham gia lần này. Cả 8 ca khúc đều hay và có cái nhìn gần gũi, nhưng thật đặc sắc trên nền giai điệu tươi mới, đậm hơi thở thời đại."

Người nghe dễ dàng cảm nhận sự duyên dáng với ca khúc “Tiết kiệm dùm em đi anh” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, được lấy cảm hứng từ mô tuýp “Thóc đâu mà đãi gà nhà/ Tiền đâu mà đãi người dưng đó người…”

Và cũng thật dí dỏm và tươi mới khiến con người phải suy ngẫm và bất ngờ với những dấu ấn từ trước tới nay của nhạc sỹ này trong những ca từ “Buôn tàu bán bè đâu bằng ăn dè cận kiệm í a/ Nghe lời em nè của trời ban tặng xin đừng phí phạm đó cưng!”

Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua ấn tượng về “thương hiệu” mộc mạc, nồng nàn nhưng thâm thúy trong sáng tác “Chắt chiu” của Lê Minh Sơn.

Với tiếng hát nội lực đang được chú ý ở Vietnam Idol Hoàng Quyên, nhưng đầy sự gửi gắm “Hãy chắt chiu hãy nâng niu nguồn năng lượng đất trời/ hãy chắt chiu hãy nâng niu cảm xúc mình bên nhau. Để trái đất mãi xanh. Để mái tóc mãi xanh. Em mơ anh…” của nhạc sỹ “Quê nhà tôi ơi” ít nhiều đã "chạm" tới tâm hồn người nghe.

Một bất ngờ thú vị trong tám ca khúc, là bản “Rap vui việc lớn” khá thời thượng được sáng tác bởi nhạc sỹ “lão làng”… An Thuyên. Thêm một lần nữa khẳng định sức sáng tạo không có giới hạn và ranh giới tuổi tác.

Ngoài ra phải nhắc đến những giai điệu tươi vui trong sáng tác "Bài học đầu tiên" của Lưu Hà An hay sự lãng mạn, rất dỗi dịu dàng của Đỗ Bảo trong sáng tác "Sẽ có một ngày..."

Nói về sự “bội thu” của “Cuộc vận động sáng tác ca khúc tiết kiệm năng lương 2012,” nhạc sĩ Hồng Đăng lý giải: “Nghề sáng tạo âm nhạc của chúng tôi, nói có thì sẽ có ngay, nhưng đến hàng năm cũng chẳng có gì. Phàm là vận động tuyên truyền, để có nổi 1 đến 2 ca khúc hay đã là khó khăn. Vì càng đi vào khuôn khổ, hiệu quả lại “chệch” ít nhiều. Vì vậy có thể nói cuộc vận động sáng tác lần này có mẻ thu hoạch bội thu với 8 ca khúc mới mẻ và duyên dáng, dễ nghe, dễ cảm, dễ thuộc.”

Gạo có thổi thành cơm?

Điều đáng suy ngẫm bên cạnh niềm vui về “mẻ cá lớn” thu hoạch được chỉ sau hai tháng diễn ra “Cuộc vận động sáng tác ca khúc tiết kiệm năng lượng 2012,” chính bởi chia sẻ về trăn trở và nỗi đau của các nhạc sỹ khi những “đứa con” mình thai nghén, chắt chiu “mang nặng đẻ đau” sẽ "sống lăn lộn" trong nhân dân hay "đắp chiếu" như các tiền lệ...?

Nhìn lại vô số các Cuộc vận động sác tác ca khúc bấy lâu nay, khó mà phủ nhận thực trạng sau khi "bày cuộc" hoành tráng với quy mô cả nước, lôi kéo hàng trăm nhạc sỹ và có tới hàng nghìn ca khúc, nhưng khi "khép màn", hàng nghìn “đứa con” sáng tạo đó cũng chìm vào quên lãng.

Thực tế đó nói lên ý nghĩa thực sự của công việc sáng tạo thông qua các cuộc vận động sáng tác chưa phát huy được hiểu quả mà nó vươn đến là tuyên truyền, kêu gọi, thức tỉnh, thậm chí giáo dục…

Đào sâu vào nguyên nhân vì sao các ca khúc sáng tác từ các cuộc vận động lại "chết ngóm" nhiều nhạc sỹ đã lý giải: Một mặt, nằm ở “chất lượng” các sáng tác tuyên truyền chưa thực sự “ngấm” vào nhân dân giúp họ “thấm” tinh thần của bài hát muốn chuyển tải.

Mặt khác, các sáng tác dù được đánh giá tốt nhưng hoàn toàn bị “đắp chiếu” bởi công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng ra đời sống để nhân dân có cơ hội tiếp cận.

Nhạc sỹ Huy Thục thẳng thắn: “Vận động sáng tác tuyên truyền không nên làm quá hoành tráng. To thì sẽ loãng. Có những cuộc phát động cả nước và hàng nghìn ca khúc vẫn bị xếp xó. Như vậy rất lãng phí…"

"Một thực tế, người nhạc sỹ khi tham gia cuộc vận động sáng tác này như những người đi câu cá. Không phải anh nào cũng câu được cá. Người câu được cá to, người chỉ được cá nhỏ. Có người chẳng câu được con cá nào…"

Nhạc sỹ Huy Thục hình tượng hóa quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ dung dị và sâu sắc như vậy khi nhớ lại câu chuyện trong một lần tham gia sáng tác chủ đề Tây Nguyên, chỉ có nhạc sỹ Nguyễn Cường "câu được cá lớn" khi nhìn ra "đôi mắt Pleiku biển hồ đầy". Và thời gian đã chứng mình, ca khúc đó sau bao nhiêu năm, ngày nay vẫn "vạm vỡ" mỗi khi được vang lên trên sân khấu ca nhạc.

Nhạc sỹ Hồng Đăng cũng nhấn mạnh: “Để chuyển tải chủ đề khó như tiết kiệm năng lượng nhưng mang hơi thở thời đại, duyên dáng, hóm hỉnh như thế không phải dễ dàng. Chúng tôi mong rằng, 8 ca khúc này sẽ được tuyên truyền rộng rãi, để nó sống lăn lộn trong đời sống nhân dân. Chính quần chúng sẽ là người thẩm định công tâm nhất về sức sống của ca khúc đó trong đời sống âm nhạc nước nhà."/.

Minh Minh (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất