Với tất cả các loại rác thải, nếu không
được xử lý tất sẽ gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng tại tỉnh Khánh Hòa,
một số dự án, nhà máy xử lý rác thải, chất thải đã xây dựng, hoặc sắp
triển khai với mục đích chính đáng là thu gom và xử lý rác thải, lại bị
người dân xung quanh dự án phản ứng kịch liệt, đôi khi gần như tạo sự
đối đầu với doanh nghiệp, với chính quyền sở tại.
Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại do Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa làm chủ đầu tư có công suất 100 tấn/ngày với 3 hệ thống xử lý chính gồm: hệ thống xử lý chất thải rắn, xử lý chất thải khí và hệ thống xử lý chất thải lỏng được xây dựng trên diện tích 6ha thuộc thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa với tổng vốn đầu tư khoảng 137 tỷ đồng, vận hành từ đầu năm 2016.. Tuy nhiên, liên tiếp trong nhiều tháng, khi xe chở rác từ nơi khác về nhà máy để xử lý thì bị người dân địa phương chặn và giữ xe, kiên quyết không cho xe chở rác vận hành. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư tổ chức đối thoại với dân, nhưng kết quả bất thành, vì họ không thể chấp nhận sống trong một môi trường có quá nhiều nguồn ô nhiễm.
Bãi rác thải Hòn Rọ, ở Thôn Ninh Ích là nơi tập trung rác thải của cả thị xã Ninh Hòa hàng chục năm qua, có lần xảy ra sự cố quá tải, vỡ đê bao, bãi rác làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nơi đây còn có một số nhà máy sản xuất chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nên không ít lần gây ô nhiễm khiến người dân phản ứng gay gắt. Đây cũng là nơi tồn tại nghĩa trang của xã, khiến nguồn nước ngầm trong khu vực bị nhiễm khuẩn. Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa khuyến cáo người dân thôn Ninh Ích không sử dụng nguồn nước ngầm ở khu vực này cho sinh hoạt, do bị ô nhiễm vi sinh, các chất hữu cơ trong nước vượt hàng nghìn lần mức cho phép.
Tháng 5/2016, sau nhiều lần kiểm định, đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho nhà máy này hoạt động. Theo đó, từ ngày 31/5, công ty được phép thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải thuộc 6 vùng trên cả nước gồm: Trung du và miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tháng 8 vừa qua, một lần nữa người dân thôn Ninh Ích lại chặn và giữ xe vận chuyển rác của nhà máy, với yêu cầu phải di dời nhà máy này đi nơi khác. Người dân ở đây cho rằng, tình trạng tích tụ nhiều nguồn ô nhiễm đã tồn tại từ lâu, nay lại là điểm tập kết và xử lý rác cho nhiều nguồn rác thải từ các nơi khác đổ về là không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, câu chuyện về việc hư hỏng hệ thống xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Da liễu thành phố Nha Trang cách đây gần 10 năm vẫn chưa được khắc phục khiến người dân lo lắng. Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa ông Bùi Xuân Minh thừa nhận , từ đó đến nay, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh cũng không hề có bất kỳ thiết bị xử lý rác thải y tế nào, chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng với một đơn vị thu gom và chuyển rác thải y tế vào tỉnh Bình Dương để xử lý, mỗi năm chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng.
Đến tháng 10/ 2015, tỉnh Khánh Hòa mới được tiếp nhận Dự án hỗ trợ xử lý chất thải Bệnh viện đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư 55,3 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 48 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Dự án bao gồm lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn công suất 500kg/ngày; cải tạo hệ thống xử lý chất thải lỏng công suất 900m3/ngày; trang bị xe vận chuyển thu gom rác thải y tế, thùng đựng rác thải, và đào tạo nâng cao năng lực quản lý. Dự kiến dự án này sẽ triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý IV/ 2016.
Tuy nhiên, khi dự án bắt đầu triển khai, các hộ dân sống quanh bệnh viện này đã phản ứng, lo ngại Dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, vì bệnh viện nằm giữa khu dân cư đông đúc, sẽ là điểm thu nhận nhiều nguồn rác thải từ các cơ sở y tế khác về đây để xử lý, nhiều yêu cầu về môi trường không được đảm bảo…
Trước tình hình đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức đối thoại với hơn 60 hộ dân trong khu vực nhằm giới thiệu rõ hệ thống xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện này, là thiết bị Sterilwave, sử dụng công nghệ vi sóng (không phải đốt), do Pháp sản xuất và đã được Bộ Y tế Pháp phê chuẩn tiêu chuẩn từ năm 2012, không sử dụng hóa chất độc hại, thân thiện với môi trường, nhưng chỉ có duy nhất một hộ đồng ý, 60 hộ khác cực lực phản đối, đề nghị phải di dời dự án này đến địa điểm thích hợp, xa khu dân cư. Cuối cùng, Sở Y tế Khánh Hòa tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo di dời Dự án này về khu vực Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa, nằm xa khu trung tâm thành phố Nha Trang, cũng là nơi trước đây từng đặt một hệ thống xử lý rác thải y tế.
Thực tế trên cho thấy, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn nạn ô nhiễm và vấn đề cần bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch. Các cơ quan làm công tác quản lý môi trường, kể cả doanh nghiệp cần sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân, tránh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng diễn ra lâu nay như ở thôn Ninh Ích, xã Ninh An, nhưng chưa thực hiện các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, việc xây dựng một nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, tập kết rác thải từ các vùng, miền trong cả nước về đây xử lý, cũng khiến cho người dân hoang mang lo cho sức khỏe khi phải sống trong môi trường quanh năm bị ô nhiễm./.
Tiên Minh/TTXVN