(TG)- Xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, cho nên ngay khi có Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TU, ngày 21/9/2006 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Mười năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Khánh Hòa đã nêu cao trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng cộng đồng khuyến học, khuyến tài và xã hội học tập. Ðến nay, mạng lưới hội, chi hội, ban khuyến học đã phát triển rộng khắp ở các địa phương trong toàn tỉnh. Ngoài Hội khuyến học cấp tỉnh, còn có 09 hội khuyến học cấp huyện, 140 hội khuyến học cấp xã, 632 tổ chức hội, chi hội khuyến học trong các trường học; có 639 ban khuyến học trong các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Cuối năm 2016, có trên 198.900 hội viên, chiếm hơn 16,7% dân số tỉnh.
Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và đạt được những kết quả thiết thực. Ðó là các phong trào tiêu biểu: Chi hội tổ dân phố Phương An, phường Phương Sài, Nha Trang có phong trào vận động các gia đình nuôi “Heo vàng khuyến học” để tạo quỹ khen thưởng cho học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học; Ban Khuyến học của Giáo họ Giuse, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm tham gia việc quản lý giờ tự học tại nhà và trao thưởng học sinh giỏi, trợ giúp học sinh nghèo hàng năm; Ban Khuyến học Chùa Lộc Thọ, xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang từ nguồn vận động tài trợ đã nuôi dạy gần 900 học sinh nghèo, mồ côi, trong đó có 30 cháu được nuôi dưỡng tại Chùa... Từ cách vận động, xây dựng quỹ năng động, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương đã góp phần xây dựng, củng cố nguồn quỹ hội cũng như xây dựng phong trào ngày càng vững mạnh.
Các cấp hội khuyến học trong tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm xây dựng nguồn quỹ hội, hằng năm đã vận động các nhà tài trợ và bằng nhiều hình thức xây dựng quỹ khuyến học phong phú, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Hoạt động ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài ngày càng tăng: Từ năm 2007 đến năm 2009, mỗi năm vận động được hơn 3,5 tỷ đồng; năm 2010 gần 06 tỷ đồng; đến năm 2016 vận động được hơn 18 tỷ đồng. Nhờ đó, 10 năm qua, Quỹ Khuyến học tỉnh đã khen thưởng cấp học bổng cho hơn 84.280 lượt học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, thầy cô giáo dạy giỏi tiêu biểu với số tiền hơn 12 tỷ đồng; trang bị hàng trăm bộ bàn ghế, máy tính cho các trường học trên địa bàn.
Công tác khuyến học, khuyến tài đã được mở rộng về quy mô, hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động, cơ sở vật chất từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Khánh Hòa chú trọng và thực hiện tốt phương châm đưa lớp học đến với người học. Mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục nâng cao về chất lượng; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng có hệ thống trường lớp đầy đủ đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Đến nay, có 100% số huyện, thị xã, thành phố, 100% số xã, phường, thị trấn duy trì mức đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 đạt 99,9%, từ 15 - 60 tuổi đạt 99,5%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 đạt 99,4%; trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 95,8%. Bình quân hằng năm có 250 học viên học các lớp xóa mù chữ, 150 học viên tiếp tục học chương trình sau xóa mù chữ, hơn 1.000 học viên bổ túc trung học cơ sở và 4.000 học viên bổ túc trung học phổ thông.
Với phương châm "mỗi đảng viên là một hội viên khuyến học, khuyến tài tích cực và nơi nào có tổ chức đảng, có cộng đồng dân cư là ở đó có tổ chức khuyến học, khuyến tài", nhiều cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển các hội khuyến học, khuyến tài. Hiện, toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hàng nghìn ban khuyến học, chi hội khuyến học. Tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh đều xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Từ năm 2012 đến năm 2016, các trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức 8.318 lớp với hơn 678.114 lượt người tham dự. Các trung tâm học tập cộng đồng có chương trình hoạt động phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân như: tổ chức các lớp xóa mù chữ, dạy chương trình phổ cập, phổ biến thời sự, pháp luật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp và dạy nghề... Ngoài ra, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, của các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật, đào tạo nghề cho người nội trợ, cho công nhân lao động ngày càng được phát triển. Tỉ lệ lao động được đào tạo nghề qua các năm đều tăng, năm 2016 đạt 50,1%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 60%.
Ðể hoạt động của các cấp hội khuyến học thật sự hiệu quả, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền, hoạt động khuyến học phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt của công tác khuyến học, khuyến tài, cùng với kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cấp hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, mục đích và sự cần thiết của việc học.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, mạng lưới hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa phát triển rộng khắp, cơ bản đã phủ kín đến tận làng bản, cơ quan, trường học, vùng núi, hải đảo; phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh ở nhiều xã, phường, thị trấn và hàng trăm dòng họ, hàng chục ngàn gia đình học tập đã góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo môi trường giáo dục lành mạnh./.
Hải Vân
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa