Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một năm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội trong thời gian tới.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới về vấn đề này.
Lùi để chuẩn bị kỹ hơn
- Thưa giáo sư, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại kiến nghị lùi thời gian thực hiện và điều chỉnh lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai điểm thay đổi.
Điểm thứ nhất là chương trình sách giáo khoa mới sẽ không áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2018-2019 như Nghị quyết 88 mà sẽ bắt đầu từ năm học 2019-2020.
Thứ hai là theo Nghị quyết 88, ngay năm đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới sẽ thực hiện ở cả ba lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 6, và lớp 10. Các năm tiếp theo, mỗi năm thêm một lớp. Nhưng theo đề xuất mới thì năm đầu tiên sẽ chỉ thực hiện ở lớp 1. Năm thứ hai thực hiện ở lớp 2 và lớp 6. Năm thứ 3 thực hiện ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Cứ như thế cho đến năm cuối cùng ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Lý do Bộ đề xuất giãn tiến độ một năm và điều chỉnh lộ trình triển khai chương, trình sách giáo khoa mới là để làm cho chắc chắn hơn, để chương trình, sách giáo khoa mới được biên soạn, lấy ý kiến đóng góp và thực nghiệm một cách chu đáo hơn.
Việc giãn tiến độ cũng phù hợp với nguyện vọng của các địa phương, các cơ sở giáo dục. Chúng ta sẽ có thời gian tập huấn giáo viên kỹ lưỡng và chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất thật tốt để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
Lộ trình như thế hợp lý hơn, chúng ta không phải căng sức ra triển khai đổi mới ở cả 3 cấp học. Đặc biệt là cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có nội dung đổi mới phức tạp hơn, đòi hỏi trang thiết bị nhiều hơn. Ở cấp trung học cơ sở có hai môn tích hợp. Cấp trung học phổ thông, học sinh được chọn môn học. Đó đều là những nội dung mới, nên cần có nhiều thời gian hơn để tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường.
- Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, các địa phương cho rằng có hai khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình phổ thông mới là giáo viên và cơ sở vật chất. Theo ông thì khó khăn là gì?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Người ta hay nói đến cơ sở vật chất trước nhưng tôi cho rằng điều đáng quan tâm trước nhất là giáo viên. Cái khó của người giáo viên không phải trình độ, vì giáo viên hầu hết đã đạt trình độ chuẩn, mà quan trọng nhất là động lực và tài năng sư phạm.
Theo chương trình mới, giáo viên phải động viên học sinh hoạt động, trao đổi nhóm, nói lên ý nghĩ của mình. Điều này không phải dễ. Học sinh của ta có thói quen, thụ động từ bé. Làm sao để các em tích cực tìm hiểu vấn đề, phát biểu ý kiến là điều khó với giáo viên. Hơn nữa, khi đưa học sinh vào hoạt động thì các em khó tránh khỏi mầy mò, làm sai, do đó phải có thắc mắc, và giáo viên phải giải quyết được vấn đề đó.
Cái khó thứ hai là học sinh. Phải làm sao để các em bớt thụ động đi. Điều này phụ thuộc vào giáo viên và sự phối hợp giáo dục của gia đình.
Thứ ba, đúng là cơ sở vật chất có vấn đề. Chương trình này đã soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội là phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên không đòi hỏi thiết bị gì ghê gớm, đắt tiền. Tuy nhiên, chương trình vẫn đòi hỏi các địa phương phải đảm bảo sỹ số trong mỗi lớp phải đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, là tối đa chỉ 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Lớp quá đông thì kê bàn ghế cũng khó chứ chưa nói đến tổ chức các em hoạt động hoặc dẫn các em đi hoạt động bên ngoài khuôn viên nhà trường. Trong điều kiện giao thông hiện tại mà một giáo viên dẫn 60 em thì ngay bản thân tôi cũng thấy sợ.
Cũng liên quan đến cơ sở vật chất là việc ở chương trình tiểu học hiện đang xây dựng theo hướng học 2 buổi/ngày. Các địa phương phải làm sao học sinh tiểu học phải được học ít nhất 6 buổi/tuần, nếu chỉ 5 buổi/tuần thì không thể có thời gian cho các em vui chơi, hoạt động thể thao…
Lớp học theo mô hình VNEN, học sinh ngồi thành từng nhóm. (Ảnh: TTXVN)
Bài học từ mô hình VNEN
- Chính phủ đã đồng ý cho ngành giáo dục lùi thời gian thực hiện chương trình mới một năm. Vậy từ nay đến khi đó, ngành giáo dục sẽ phải hoàn thành những công việc gì để kịp tiến độ, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Hiện có rất nhiều công việc phải làm.
Trước hết ban soạn thảo chương trình phải khẩn trương lấy ý kiến chuyên gia và giáo viên đóng góp cho chương trình môn học, đưa ra thẩm định và ban hành chương trình đó. Việc nói đơn giản thế nhưng rất mất công vì để đảm bảo chất lượng, trình tự ban hành chương trình rất phức tạp.
Thứ hai là phải thông báo mời các tổ chức cá nhân viết sách giáo khoa.
Thứ ba là tập huấn cho các tá giả viết sách và các nhà xuất bản sách. Sắp tới, không chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà có thể có nhiều nhà xuất bản khác tham gia làm sách giáo khoa.
Có sách rồi phải thực nghiệm sách trước khi triển khai rộng ra cả nước. Khi có nhiều bộ sách thì thực nghiệm sẽ phức tạp hơn thực nghiệm một bộ sách như trong chương trình hiện hành.
Thứ tư là tập huấn giáo viên. Phải đổi mới tập huấn. Trước đây chúng ta chỉ tập huấn trực tiếp được cho giáo viên cốt cán, rồi giáo viên cốt cán lại về tập huấn cho giáo viên khác.
Sắp tới, bên cạnh cách này còn phải có hình thức tập huấn khác như tập huấn trên mạng internet để giáo viên có thể tương tác với người làm chương trình, sách giáo khoa.
Việc nữa quan trọng không kém là Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm việc với lãnh đạo các địa phương để chuẩn bị việc bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất thật tốt cho đổi mới.
- Chương trình giáo dục phổ thông mới đang rất được chờ đợi. Tuy nhiên, trên thực tế không phải những điều được đánh giá tích cực đều thuận lợi khi triển khai thực tế. Mô hình trường tiểu học mới VNEN là một ví dụ điển hình. Theo ông, bài học kinh nghiệm ở đây là gì?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Bài học thứ nhất là phải sát thực tế. Muốn sát thực tế thì phải áp dụng phương pháp đánh giá tác động của chính sách. Ngay từ khi thành lập Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã thống nhất với nhau về vấn đề này và trên thực tế ở mỗi bước làm chương trình đều đã tổ chức đánh giá tác động.
Bài học thứ hai là không triển khai ồ ạt. Phải làm từng bước, chậm nhưng chắc. Đấy cũng là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay đổi lộ trình thực hiện. Tôi cho rằng nếu căng sức thực hiện đổi mới ở ba cấp cùng lúc thì chưa chắc đã tốt mà phải làm chắc từng cấp một. Đó chính là kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai mô hình VNEN. Ngay việc triển khai Thông tư 30 trước đây cũng cho thấy cần phải triển khai từng bước chắc chắn, không vội vã nhân rộng để lắng nghe, phân tích phản hồi từ học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Mai (Vietnam+)