Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 21/7/2013 9:12'(GMT+7)

Khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại: Một thời bi tráng

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại.

Không lãng quên Trường Sơn

Bến phà Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình) trong chiến tranh là địa điểm Mỹ ném quả bom đầu tiên trong cuộc đánh phá nhằm cắt đứt đường chi viện cho miền Nam. Nơi đây đã hứng chịu hàng triệu tấn bom dội xuống suốt giai đoạn 1965 - 1972. Đây cũng là nơi có nhiều liệt sĩ anh dũng hy sinh khi bảo vệ tuyến đường vận chuyển Đông Trường Sơn. Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15, tại xã Hiền Ninh, địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào miền Nam. Nơi này còn hằn sâu trong ký ức hàng triệu cựu binh Trường Sơn và người dân về sự hy sinh tập thể của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).

Ngày 16-6-1972, tại bến phà Long Đại, 15 TNXP quê Nghệ An đang chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe thì một trận bom của không quân Mỹ dội xuống, làm cả 15 TNXP hy sinh, hầu hết họ đều ra đi khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi. Tiếp tục nhiệm vụ của họ là lực lượng TNXP quê lúa Thái Bình, nhưng sau 3 tháng, một loạt bom khác cũng cướp đi mạng sống của 16 chàng trai, cô gái C130 đang tiếp sức cho phà Long Đại. Ngoài ra, bến phà này còn chứng kiến hàng ngàn cán bộ chiến sĩ khác hy sinh do đây là nơi bị rải bom mỗi ngày trong chiến tranh.

Toàn cảnh Đền tưởng niệm

 

Những ngày tháng lịch sử hào hùng đó được hầu hết các đại biểu tham dự nhắc lại trong phát biểu của mình. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, năm nay đã 87 tuổi vẫn bay từ TPHCM ra Vinh, rồi từ Vinh đi xe vào Quảng Bình dự lễ, có lẽ ông là người có nhiều tâm trạng nhất trong buổi lễ hôm nay.

Ông kể: “Số lượng anh em mất mát, hy sinh để bảo vệ phà được cộng thêm từng giờ, từng ngày. Ác liệt đến nỗi ngay sau khi chúng tôi đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm trung đội pháo binh bảo vệ phà, thì toàn bộ đơn vị bị bom, trung đội trưởng tên Bàng hy sinh mà trên môi vẫn cười, như tiếp lửa cho người còn sống tiếp tục chiến đấu. Rất nhiều liệt sĩ đã nằm lại, thân thể hòa với cây cỏ, sông nước Long Đại. Do vậy, đền tưởng niệm này là công trình thể hiện đạo lý, là công trình để đời cho con cháu sau này luôn nhớ về một thời cha ông đã anh dũng xả thân vì nước”. Dường như đó là tâm trạng chung của những người dân nơi đây. Có bác bảo, từ ngày khởi công đền tưởng niệm, ngày nào cũng leo lên ngọn đồi này và mong ngóng ngày được thắp nén tâm nhang đến các anh hùng, liệt sĩ. Hôm nay, dù trời mưa nhưng người dân Long Đại mang tơi đội nón đến. Cả xóm, cả làng đã rủ nhau cùng đến dâng hương, bởi với họ, đây là nơi chốn “các anh các chị nớ nằm xuống rất linh thiêng”.

Ước mơ từ 10.000 bức thư

Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại là tổng thể 3 công trình gồm đền chính (nơi thờ tự linh hồn các liệt sĩ), tháp báo ân và tháp chuông. Xung quanh đền là hệ thống bậc tam cấp, cây cảnh, vườn hoa được thiết kế hòa hợp với tự nhiên. Việc xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ nơi đây đã dấy lên sự xúc động mạnh đối với người dân địa phương trong vùng.

Còn nhớ, năm 2009, khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Long Đại được nhắc đến như địa danh lừng lẫy với bao chiến công của lòng yêu nước, quả cảm. Người dân Long Đại lúc đó đã thỉnh thị bằng cách gửi 10.000 bức thư đi khắp nơi. Và sau đó, một dự án dần hình thành khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng được phát động. Và hôm nay, ngôi đền đã hoàn thành, tỏa bóng với dòng sông trang nghiêm mà lồng lộng, vững chãi mà hiền từ, ấm áp.

 

Chương trình văn nghệ

 

Đông đảo người dân đến dự trong cơn mưa tầm tã

Gặp lại cựu chiến binh Đinh Hữu Chiến, người từng kể lại cho PV Báo Sài Gòn Giải Phóng nghe câu chuyện hy sinh của các TNXP quê Thái Bình, Nghệ An, ông nói: “Rứa là tui có nhắm mắt cũng mãn nguyện rồi, trước đây cả làng viết thư đi khắp nơi, mong cấp trên soi xét xây tấm bia để có nơi hương khói, nay ước mơ thành sự thật, vì có một mái đền thiêng liêng, đắc địa, không chỉ thờ tự cho các cựu TNXP hy sinh tập thể mà bất cứ linh hồn liệt sĩ nào ngã xuống trên đường Trường Sơn cũng được thỉnh vô đền, thiệt là ấm lòng ấm dạ”. Cụ Nguyễn Văn Trương, nhà cách đền mấy chục bước chân, đã 86 tuổi, vuốt chòm râu khề khà: “Bữa chưa có đền, tui với nhà tui lập cái hương án nhỏ ngoài vườn thờ tự những liệt sĩ hy sinh tại phà Long Đại. Ngày đêm cầu mong có nơi chốn cao ráo hơn để thắp hương cúng bữa cho tươm tất. Rồi hôm ni được thấy ngôi đền thờ uy nghi như rứa, đúng là đỡ tủi bao hương linh, hài cốt liệt sĩ còn lẩn khuất dưới đáy sông hay lạnh lẽo ngoài rừng hoang. Tui chừ già rồi, thắp được nén hương ở trong đền rồi về có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng”.

Trong “cơn mưa lạ” giữa mùa khô Trường Sơn chiều 20-7, ai nấy đều nghiêng mình trước ngôi đền có thế đất đẹp, trước có sông Long Đại, sau có núi Trường Sơn án ngữ. Đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập - Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng, khẳng định: “Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại mang một ý nghĩa hết sức nhân văn. Nơi đây sẽ là ngôi nhà chung của các hương hồn liệt sĩ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Tôi tin rằng sau khi đền được khánh thành, đây sẽ là một điểm hành hương không chỉ với các cựu chiến binh, cựu TNXP Trường Sơn mà còn của đồng bào cả nước, đặc biệt là các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, để tìm về lịch sử hào hùng của cha ông trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Tiếng chuông được thỉnh từ đền, vọng vang cả một vùng quê ở Long Đại. Long Đại ơi! Trường Sơn mến yêu ơi!!!



  • Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

"Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã giải phóng mà các anh các chị vẫn chưa về. Hy sinh nhưng bất tử, Tổ quốc ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các anh các chị. Hôm nay, chúng tôi luôn khắc ghi sự hy sinh của các liệt sĩ, xin hương hồn các anh chị hãy yên nghỉ. Chúng tôi xin thành kính thắp nén nhang tri ân tự đáy lòng mình..."


* Sau 2 năm thi công, 17 giờ ngày 20-7, UBND tỉnh Quảng Bình, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Vietcombank đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại (ảnh). Công trình trị giá 10 tỷ đồng do Vietcombank tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư.

Ảnh: PHÚ KHUYNH

* Đến dự lễ khánh thành có các đồng chí: Lương Ngọc Bính, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank; Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo ban ngành, đoàn thể, nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.





MINH PHONG - MINH ANH
/SGGP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất