Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 9/6/2013 17:49'(GMT+7)

Khánh thành mái che hiện vật di tích Điện Biên Phủ

Tham quan mái che và di tích Hầm Đờ Cát. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/Vietnam+)

Tham quan mái che và di tích Hầm Đờ Cát. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/Vietnam+)

Ngày 8-6, tại di tích lịch sử Hầm Đờ Cát, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình mái che hiện vật ngoài trời khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Công trình mái che hiện vật ngoài trời di tích lịch sử Điện Biên Phủ trị giá 8,2 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội ủng hộ kinh phí và trực tiếp thi công. Đây là công trình được xây dựng nhằm gìn giữ, bảo quản lâu dài các hiện vật trong chiến tranh chống thực dân Pháp ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đang nằm ngoài trời, bị xuống cấp do phơi nắng, phơi mưa giữa thiên nhiên.

Công trình chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 25-2 đến 25-4-2012 gồm 12 mái che tại chín địa điểm thuộc hai phường Mường Thanh và Thanh Trường (thành phố Điện Biên Phủ) để bảo quản các hiện vật gồm bảy khẩu pháo, bốn chiếc xe tăng và mảnh xác máy bay của quân đội viễn chinh Pháp bị ta thu giữ, phá hủy. Các mái che hiện vật gồm móng cột bêtông, cột và dàn mái thép, mặt nền lát đá Granite, mái kính cường lực với chiều cao 3,2m...

Giai đoạn hai từ ngày 6-3 đến 8-6-2013 gồm hai hạng mục là mái che di tích lịch sử Hầm Đờ-Cát và mái che khẩu pháo 155mm của Quân đội viễn chinh Pháp tại khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đặc biệt, hạng mục mái che Hầm Đờ Cát được thiết kế đồ sộ kiểu vòm với hệ thống khung thép ống đường kính 273mm, dày 10mm, mái che được lợp bằng tấm lợp thông minh.

Với hệ thống khung thép kiên cố và mái che cho phép ánh sáng xuyên qua, hệ thống mái che hiện vật ngoài trời vừa đảm bảo việc bảo quản hiện vật chống mưa, nắng, vừa đảm bảo đủ ánh sáng và diện tích cho khách tham quan, không làm ảnh hưởng nhiều tới nguyên trạng của các di tích.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo mỗi doanh nghiệp của thành phố đăng ký tham gia hỗ trợ kinh phí, xây dựng các công trình văn hóa-xã hội tại các địa phương trong cả nước.

Công trình trên là sự tri ân của nhân dân thủ đô Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đối với công lao của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại buổi lễ, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố quyết định gắn biển công trình, trao tặng Bằng chứng nhận Công trình chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948/11-6-2013).

Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã trao tặng Bằng khen cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức và thực hiện công trình.

Ngoài Công trình mái che hiện vật ngoài trời di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Tổng công ty Handico đã hỗ trợ kinh phí và trực tiếp thi công Trường Mầm non số 2 Sam Mứn, huyện Điện Biên với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành và được bàn giao.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Đắk Glong: Kết quả triển khai bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian

Nhận thức rõ vai trò của văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, trong 8 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)- gọi tắt là NQTW5. NQTW5 được triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Đảng bộ huyện, công tác tuyên truyền của cấp ủy cơ sở, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn, hội. Theo đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể cồng chiêng ở huyện Đắk Glong nói riêng đã được đặc biệt chú trọng, đến nay huyện đã tổ chức được 08 lớp dạy cồng chiêng tại 4 xã (Đắk Som, Quảng Khê, Đắk R’măng và Quảng Sơn), riêng trường Dân tộc Nội trú huyện Đắk Glong đã mở các lớp: dạy dệt, dạy đan lát, dạy nhạc cụ, dạy hát dân ca... huyện đã khôi phục thành công 10 lễ hội như: lễ hội Tằm Jun (Lễ kết nghĩa) của dân tộc Mạ, Lễ hội đâm trâu,.lễ cúng mừng sức khỏe, v.v…, các lễ hội đều có tính nhân văn cao, trong lễ hội sử dụng nhiều bài chiêng như: Boh Chor, Ching ngăn, Ching Biết, Bepconjun, Mừng ông bà…; thành lập 1 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ cồng chiêng tại xã Quảng Khê với 20 người tham gia. Đến nay, hầu hết các thôn, bon đều có những đội chiêng, đội hát dân ca phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng và tham gia các hội thi, hội diễn. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được Huyện ủy, HĐND-UBND huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đắk Glong lần thứ I, II, III với các môn thi về văn hóa và thể thao như: thi rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, chương trình dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, đi cà kheo, dẫm bóng, bắt lươn trong chum, v.v.. Các môn thi mang đậm tính dân gian, phong phú và đa dạng, với mục tiêu tôn vinh những nét đẹp trong lễ hội truyền thống, các hoạt động nghệ thuật, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và đặc biệt là việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc. Cấp ủy Đảng, Chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo tốt công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc, cụ thể là: đã mở 5 lớp học tiếng dân tộc (2 lớp tiếng M’nông, 2 lớp tiếng Châu Mạ, 1 lớp tiếng Mông) cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, với hơn 474 lượt người tham gia. Qua việc dạy tiếng đồng bào dân tộc đã tạo điều kiện giao thoa về ngôn ngữ, chữ viết giữa các dân tộc với nhau thuận lợi hơn. Song hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống ở huyện Đắk Glong đang gặp nhiều khó khăn, như: nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế; chưa quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, từ đó, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng. Việc khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, các di sản văn hóa còn một số bất cập. Các thiết chế văn hoá đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Các thiết chế văn hoá ở cơ sở và các thôn, bon còn thiếu và chưa được quy hoạch cơ bản. Đầu tư cho hoạt động bảo tồn tinh hoa văn hoá của các dân tộc còn thấp. Các chương trình ca múa nhạc truyền thống chưa đến được nhiều với số đông quần chúng nhân dân lao động, nhất là đồng bào ở những vùng khó khăn…Bên cạnh đó, là sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, dân chủ… để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt, lợi dụng nhận thức của một số đồng bào ta còn thấp để tuyên truyền, lôi kéo, vận động bà con bỏ cồng chiêng, không hát dân ca, không tham gia các lễ hội truyền thống… Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương và triển khai thực hiện NQTW5 “Về xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện Đắk Glong tập trung vào các nhiệm vụ: Một là: Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công tác của đội ngũ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở trước nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu quả điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, triển khai thực hiện tốt, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của huyện Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt sâu sắc hơn nữa NQTU5, đồng thời, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng nông thôn mới... Ba là: Triển khai thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, tự giác thực hiện tốt quy ước, hương ước về nếp sống văn minh, văn hóa của các thôn, bon. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu trong việc thực hiện tốt các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần quan tâm dành quỹ đất và đầu tư để xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao trong sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bốn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hộ gia đình văn hóa, thôn, bon văn hóa và cơ quan văn hóa tiêu biểu. Năm là: Có sự quan tâm thỏa đáng nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân nhằm bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác và kịp thời ngăn chặn những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. PV

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất