Thứ Tư, 2/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 9/2/2011 20:42'(GMT+7)

Khắp nơi khai hội đầu xuân

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Lễ hội chọi trâu huyện Quang Bình đã thu hút 32 trâu chọi đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Hà Giang và các tỉnh bạn như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương, Hải Phòng. Các trâu chọi đã được các chủ trâu bỏ công sức đi khắp nơi, đầu tư hàng chục triệu đồng để mua được những trâu chọi vừa ý. Các chủ trâu cũng đầu tư không nhỏ cho việc chăm sóc, huấn luyện các trâu chọi theo cách riêng của mình để những "ông trâu chọi" của họ có những miếng đánh hiểm hóc nhằm áp đảo đối phương trong một thời gian ngắn nhất.

Lễ hội chọi trâu huyện Quang Bình lần thứ Nhất - 2010 cũng là dịp để nhân dân các dân tộc nơi đây gắn lễ hội chọi trâu với việc thờ cúng trời đất, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là bản sắc văn hóa tốt đẹp, độc đáo của nhân dân huyện Quang Bình, góp phần cùng với nhân dân các dân tộc Hà Giang xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

* Huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Đền Vua Mai, diễn ra từ ngày 15 đến 17/2 (tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm Tân Mão). Lễ hội mang tính văn hoá tâm linh vào dip đầu năm mới, với tâm niệm của người dân đi lễ hội nhằm bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Vua Mai- người anh hùng của dân tộc, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa nắng thuận hoà... Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân ở khắp các vùng miền tham gia.

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Sau khi ông mất, nhân dân đã xây dựng mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng, nay thuộc xã Vân Diên (Nam Đàn). Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ ông tại vệ Sơn, trung tâm chỉ huy chiến đấu của ông thuở trước, nay thuộc khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn để ngàn năm hương khói, thờ phụng. Nhân dân còn xây mộ ông tại núi Dẻ, xã Nam Thá. Hàng năm nhân dân Nam Đàn tổ chức nhiều kỳ lễ trọng như: giỗ thân mẫu Vua Mai 14/7 âm lịch, giỗ Vua Mai vào 16/9 âm lịch. Phần lễ được tổ chức trang trọng mang đậm tín ngưỡng dân gian, tôn thờ vĩ nhân, nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các thần tướng nghĩa binh của ông.

Lễ hội truyền thống đền Vua Mai tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương, bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc văn hoá dân gian gắn liền với công tích của Vua Mai như: vật, chọi gà, đua thuyền, đu tiên, leo núi, ném bi sắt, bóng chuyền, bóng bàn, múa hát, thi chế biến các món ăn truyền thống và các hoạt động thể dục thể thao khác. Gần đến ngày lễ hội, mỗi người dân trong vùng đã sắm sửa lễ vật để tiễn dâng, báo cáo với Vua Mai cùng các thần linh phù hộ, che chở mở đầu một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc đến với mọi nhà.

* Ngày 9/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Tân Mão), Hội miếu Tiên Công (xã Cẩm La, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức khai hội. Theo Ban tổ chức lễ hội: năm nay số lượng các cụ Thượng đăng ký tế lễ và rước lên miếu đông hơn năm ngoái. Chỉ tính riêng các cụ Thượng vùng Phong Lưu xưa (bao gồm 4 xã hiện nay là Phong Hải, Phong Cốc, Yên Hải và Cẩm La) đã là trên 150 cụ. Trong đó, 9 cụ đạt tuổi ngọc (tròn 100 tuổi), còn lại là các cụ thọ 80, 90 tuổi. Ngoài ra, còn có các cụ Thượng ở các vùng Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long cũng đăng ký tham gia tế lễ và rước lên miếu Tiên Công.

Tại buổi lễ, các cụ từ 70 tuổi trở lên cùng con cháu ra đền lễ Tiên Công. Con cháu đội các mâm lễ vật đi trước. Mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, đặc biệt là các hương án trên có con long mã kết bằng hoa quả. Các cụ thượng thọ đi sau. Các cụ già yếu thì được con cháu khiêng bằng võng, che bằng lọng. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước. Các đám rước nhập lại khi đến gần đền tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Các cụ vào đền dâng lễ vật và tế Tiên Công, đến giữa trưa phần lễ kết thúc.

Tại đền Tiên Công các vị chức sắc làm lễ cáo yết Tiên Công và bình chọn bốn cụ thượng thọ khoẻ mạnh, gia đình hoà thuận, con cái chăm ngoan để làm lễ động thổ. Tại lễ động thổ: bốn cụ đã được chọn bẻ bốn hòn đất đắp đê tượng trưng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật, nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp của các Tiên Công quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng. Sau lễ động thổ, dân làng và dân các nơi khác đến bắt đầu vào cuộc hội náo nhiệt với các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, trai gái còn hát đám, hát chèo đường suốt ngày hôm đó.

Miếu Tiên Công ở xã Cẩm La, huyện Yên Hưng là di tích cấp quốc gia. Nơi đây thờ 17 vị tiên công đã có công khai hoang lập ấp; có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam trù phú, làng xóm đông vui như ngày nay. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công.

* Đua thuyền rồng trên sông Chùa- một nhánh của con sông Ba chảy ngang qua trung tâm thành phố Tuy Hòa thuộc Tỉnh lỵ Phú Yên là một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết cổ truyền hàng năm.

Sáng 9/2 (tức mùng 7 Tết Tân Mão) đã diễn duộc đua thuyền rồng truyền thống lần thứ 15 do UBND Thành phố Tuy Hòa tổ chức. Có đến 26 đội với gần 800 vận động viên là những nông dân, ngư dân tham gia ở cự ly 2 cây số mặt nước và được sự cổ vũ của hàng nghìn người đứng dọc theo con sông.

Mỗi chiếc thuyền với nhiều màu sắc sặc sỡ chở đầy 30 vận động viên hằm hở cùng chèo một nhịp theo tiếng hô của người đứng đầu mũi làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp.

Kết quả, Phường Phú Đông đã giành giải nhất toàn đoàn và đồng đội nữ. Đội thuyền rồng xã Bình Ngọc giành giải nhất đồng đội nam.

* Sáng 9/1 (tức Mùng 7 Tết Tân Mão), tại núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam , Bình Thuận), đã diễn ra Giải leo núi Tà Cú mở rộng lần thứ 15 năm 2011. Tham gia tranh tài có gần 250 vận động viên nam, nữ đến từ các tỉnh, thành như Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thi tài vượt núi Tà Cú với độ cao 563 mét và các cự ly 6.300 mét dành cho nam và 5.300 mét dành cho nữ.

Núi Tà Cú nổi tiếng với tượng Phật thích ca nằm nghiêng dài 49 mét, độ dốc khá cao, có chỗ khoảng 45 độ, nhiệt độ trên đỉnh núi thấp hơn từ 4-5 độ so với chân núi. Hàng ngàn người dân Bình Thuận và du khách đang viếng chùa Núi đã hào hứng theo dõi cuộc thi leo núi Tà Cú mở rộng lần thứ 15 năm 2011. Theo ông Đỗ Văn Ba - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, đây là giải hằng năm của Bình Thuận. Những năm qua uy tín của giải ngày càng được nâng lên, do vậy Ban tổ chức đã mở rộng giải này đến nhiều tỉnh thành và sẽ mời thêm nhiều tỉnh bạn tham gia trong những năm tới.

Kết quả: giải nhất nội dung nam thuộc về vận động viên Tạ Thanh Xinh (Bình Thuận); Về nhì và ba là Nguyễn Ngọc Quang (Đồng Nai) và Trần Văn Công (Bình Thuận). Ở nội dung nữ, vận động viên Nguyễn Thị Diễm My (Bình Phước) về nhất; Nguyễn Thị Hiệp (Bà Rịa -Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Dung (Bình Phước) về nhì và ba. Đoàn Bình Thuận đã đoạt giải nhất đồng đội nam và Bà Rịa – Vũng Tàu đoạt giải nhất đồng đội nữ./.

(Theo: TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất