Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh lý về máu tại Việt Nam đã được chữa khỏi bên cạnh 70 loại bệnh lý khác có thể được điều trị đã chứng minh tính hiệu quả trong việc chữa bệnh bằng phương pháp ghép tế bào gốc (TBG). Tuy nhiên, trong khi nhu cầu sử dụng TBG đã qua “xử lý” ngày một nhiều, các ngân hàng TBG vẫn rất ít nguồn cung dù sức chứa khá lớn.
Tiềm năng lưu trữ lớn
Ngân hàng TBG MekoStem (Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2-2009 dựa trên khoản đầu tư ban đầu hơn 10 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ KH-CN. Đây là ngân hàng TBG đầu tiên tại Việt Nam, có sự phối hợp thực hiện của các đơn vị như Học viện Quân y, Viện Truyền máu và huyết học, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Bỏng Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học.
Với mục đích xây dựng ngân hàng TBG dây rốn cho khu vực miền Nam, ngân hàng này sử dụng công nghệ phân lập của Công ty CellResearch Corporation (Singapore) để bảo quản và lưu giữ TBG dây rốn (gồm máu và màng dây rốn) nhằm cung cấp cho các nhà y học ứng dụng trong điều trị bệnh nhân thuộc các chuyên khoa khác nhau. MekoStem hiện có khả năng lưu trữ hàng chục nghìn mẫu TBG từ dây rốn trẻ sơ sinh, công suất thu thập và xử lý 5 - 10 mẫu dây rốn mỗi ngày.
Được hình thành từ cuối năm 1999, bắt đầu triển khai vào năm 2004, Ngân hàng TBG Bệnh viện Truyền máu - Huyết học không chỉ lưu trữ TBG máu cuống rốn mà còn lưu trữ nhiều loại khác như TBG máu ngoại vi, TBG tủy xương, nuôi cấy tế bào trung mô thành TBG... Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại TPHCM có ngân hàng đặc biệt này. Hiện ngân hàng giữ khoảng 3.000 mẫu TBG máu cuống rốn và TBG máu ngoại vi, phần lớn từ nguồn hiến tặng.
Cách đây không lâu, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cũng trao giấy chứng nhận đầu tư Công ty TNHH Mamprotech Việt Nam. Đây là dự án xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học, tế bào và TBG với số vốn 11 triệu USD. Dự án tập trung nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm y sinh như protein, bộ kít chẩn đoán do doanh nghiệp sản xuất từ công nghệ tế bào và TBG.
BS Trần Trung Dũng, phụ trách ngân hàng tế bào gốc (TBG) của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cho biết: “Khi các biện pháp điều trị bằng thuốc đã tỏ ra kém hoặc không còn hiệu quả thì phương pháp ghép TBG là giải pháp cuối cùng để có thể điều trị dứt điểm căn bệnh. Trong khi đó, việc lưu giữ hiện đã rất chuyên nghiệp ở nước ta. Đảm bảo việc cấy ghép khi có nhu cầu nhờ khả năng lưu trữ đến 18 năm”.
Cần người hiến tặng
Theo TS-BS Lê Văn Đông, Phó chủ nhiệm Bộ môn Miễn dịch học, Học viện Quân y, trong điều kiện sức khỏe tốt thì không thành vấn đề. Nhưng nếu không may rơi vào các trường hợp như chấn thương tủy sống, xơ gan, các bệnh về máu, khối u, thiếu máu cơ tim, tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson thì lúc ấy, những ứng dụng hiệu quả của TBG chính là điều kỳ diệu.
Đơn cử tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tính đến tháng 3-2012 đã ghép được 44 ca. Tỷ lệ thành công cho nhóm ghép tự thân bị bệnh đa u tủy xương là hơn 70%; cho nhóm bị suy tủy xương được ghép TBG đồng loại đạt trên 75%. Nhiều bệnh nhân sau khi ghép một năm, hai năm… thậm chí 6 năm vẫn còn ổn định, có thể trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, việc cất giữ TBG trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức người dân. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, MekoStem cũng chỉ có khoảng 600 mẫu do người dân tự đăng ký cất giữ, hơn 300 mẫu còn lại được các sản phụ hiến tặng. “Tìm TBG có sự tương thích sinh học để ghép không phải dễ.
Theo tính toán, trong 10 ngàn mẫu lưu trữ thì may ra mới tìm ra vài mẫu tương thích có thể ghép được. Ngay cả người thân trong gia đình, con cái với cha mẹ tỷ lệ tương thích cũng chỉ có xác suất 50%, tỷ lệ tương thích giữa anh chị em dao động từ 25% - 100%. Vì thế, việc hiến tặng sẽ giúp công việc ghép TBG chữa bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn”, Th.S Phạm Văn Phúc, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng TBG (ĐH KHTN TPHCM) cho biết.
Cũng theo Th.S Phúc, nếu nhìn trên bình diện chung, kinh phí cho việc thu thập dây rốn, phân tích xét nghiệm, xử lý tách tế bào từ dây rốn, so với thu nhập chung vẫn cao: 2.000 USD/cất giữ trong năm đầu, 150 USD cho năm sau, tổng thời gian cất giữ 18 năm khoảng 5.000 USD.
Tuy nhiên, nếu chia bình quân thì chỉ khoảng 15.000 đồng/ngày. Một số tiền xứng đáng nếu biết rằng đây là phương pháp mang lại nhiều điều kỳ diệu.
|
|
TBG là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và chuyển thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan của cơ thể. Từ đó thay thế cho tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già, chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau. | |
SGGP