Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 12/2/2012 21:24'(GMT+7)

Tương lai nào cho cộng đồng các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe

 

Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC - Community of Latin American and Caribbean States) có nhiệm vụ phát triển liên kết kinh tế và trên cơ sở đồng thuận sẽ thông qua quyết định về tất cả các vấn đề khu vực và thế giới. Tư tưởng của liên kết này nhằm hướng tới việc tiến kịp với các nước phát triển cao và trông cậy nhiều hơn vào sự hợp tác với các nước đang phát triển. CELAC ra đời đúng vào lúc quá trình thực hiện ý tưởng Liên minh Á-Âu do Thủ tướng Nga V.Putin đề xuất đang có những dịch chuyển mới đáng kể.

Mặc dù việc xây dựng Liên minh Á-Âu, cũng như CELAC còn gặp những khó khăn ban đầu nhưng đã thu hút được sự chú ý của nhiều chính khách trên thế giới. Đương kim Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousse, là người ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Venezuela Hugo Chaves về việc thành lập xung quanh Brazil một liên minh kinh tế mạnh, liên kết các lực lượng chính trị khác nhau nhằm mục đích chủ yếu là giảm nghèo đói và sự phân tầng xã hội thông qua các chương trình xã hội quốc gia quy mô lớn. Trong mô hình liên kết Mỹ Latinh này, nhà nước đóng vai trò như là "công đoàn" bao gồm doanh nghiệp và người lao động.

Ý tưởng liên kết 33 quốc gia châu Mỹ nằm ở phía nam biên giới Hoa Kỳ đã được nghiên cứu từ lâu nhưng không thực hiện được bởi lãnh đạo các nước Mexico, Columbia, Panama, Peru và một số nước nhỏ hơn ở vùng biển Caribe vẫn chịu ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do mới bùng phát năm 2008 ở Mỹ đã khiến nhiều nước thức tỉnh và họ bắt đầu định hướng sang quỹ đạo ảnh hưởng của Brazil - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng và thành đạt trong Nhóm BRICS.

Tại Hội nghị đầu tiên của CELAC, lãnh đạo các nước thảo luận về vấn đề liệu cộng đồng này có cạnh tranh với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) mà trong đó có Mỹ và Canada hay không. Đa số các thành viên của Hội nghị đều cho rằng, hai tổ chức này nên hợp tác cùng nhau. Tổng Thư ký của OAS, ông José Miguel Insulza, tuyên bố: "Tôi không chống lại CELAC và tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ bổ sung cho nhau". Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định, mục tiêu của CELAC không thách thức OAS hoặc thay thế nó. Ngay cả Tổng thống Venezuela Hugo Chaves cũng đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết giữa hai tổ chức này.

Ngay sau khi CELAC được thành lập, một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa đề nghị Quốc hội Mỹ ngừng cung cấp tài chính cho tổ chức OAS bởi theo họ, tổ chức này đã trở thành một tổ chức “không dân chủ” và “gây bất ổn”. Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ từ bỏ tổ chức này và để mặc nó tự phát triển. Điều này có thể nhận thấy qua việc tuy những ưu tiên của Mỹ vẫn dành cho Trung Đông nhưng một khi được tin Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) xây dựng Hội đồng Quốc phòng để bảo vệ tài nguyên dầu mỏ ở thềm lục địa phía đông thì ngay lập tức Mỹ đã thành lập Hạm đội 4 để ứng phó bởi UNASUR đang chịu ảnh hưởng ngày một lớn của Brazil.

Trên thực tế, tổ chức OAS ban đầu do Mỹ thành lập, nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Thông qua OAS, Mỹ đã ủng hộ các chế độ độc tài ở Nam Mỹ và các cuộc đảo chính quân sự ở Venezuela, Honduras và Panama. Tuy nhiên, tình hình địa - chính trị hiện nay đã hoàn toàn thay đổi. Trong tất cả các nước ở khu vực này đều có các chính phủ được bầu ra một cách dân chủ, nhiều quốc đảo ở Trung Mỹ đã giành được nền độc lập. Ngay cả Venezuela và Columbia cũng đã thiết lập nhiều cuộc đối thoại và gia tăng trao đổi thương mại song phương. Đương kim Tổng thống Columbia Huan Manuel Santos, tuyên bố rằng, có nhiều vấn đề hiện nay có thể giải quyết được mà không cần đến vai trò của Mỹ. Vì thế, tuy OAS không đạt được sự đồng thuận về cuộc đảo chính ở Honduras năm 2009 nhưng họ cũng không chấp nhận các quyết định của Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, CELAC là một liên kết mới bổ sung vào những liên kết đã có ở châu Mỹ hiện nay như Cộng đồng Caribe (CARICOM), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Hiệp định thương mại tự do MERCOSUR (được thành lập vào năm 1991 giữa các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay; đến tháng 6-2006, MERCOSUR kết nạp thêm Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru). Tuy nhiên, tất cả những tổ chức này chỉ mới thiết lập mối liên kết ở cấp độ tiểu khu vực của châu Mỹ, Nam Mỹ, chỉ có CELAC là tổ chức liên kết được tất cả các nước ở châu Mỹ, trong đó bao gồm các nước nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.

Sự liên kết kinh tế này đang góp phần cải thiện đời sống ở khu vực châu Mỹ. Điển hình là nhà máy thủy điện Guri miền Nam Venezuela đã có công suất bảo đảm đủ lượng điện cần thiết cho bang Roraima của Brazil. Манаус, thủ phủ vùng Amazonia đã có khả năng tiếp cận mạng Internet băng thông rộng thông qua Hãng truyền thông quốc gia “CANTV”của Venezuela. Các nước trong khu vực này cũng đang hợp tác trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, thí dụ Brazil và Argentina đang gia tăng khối lượng thanh toán trên cơ sở đồng tiền quốc gia. Còn Cuba đóng vai trò rất lớn trong việc đào tạo chuyên gia y tế có trình độ cao cho các nước trong khu vực này.

Chỉ tính riêng trong khuôn khổ UNASUR, hiện liên minh này đang thực hiện 510 đề án liên kết và hợp tác trị giá 67 tỉ USD. Brazil cũng đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực hoạt động cơ sở của Argetina, Chile, Peru, Venezuela và các nước khác. Hiện nay, Brazil đang xây dựng một cảng lớn nhất ở Mariel của Cuba, nhà máy thủy điện ở Haiti và Nicaragoa. Trong trường hợp Haiti gặp khó khăn, Brazil đã xây dựng nhà máy thủy điện trên cơ sở không hoàn lại. Ngoài ra, Brazil còn có các hiệp định giữa Cuba và Haiti về việc xây dựng các bệnh viện hiện đại tại hai nước với khối lượng đầu tư 80 triệu USD.

Trước mắt, CELAC sẽ hoạt động dưới hình thức Diễn đàn đối thoại tham vấn. Sau một năm nữa, các nước tham gia sẽ xác định các quyết định của tổ chức này được thông qua theo phương thức đồng thuận hay theo nguyên tắc đa số, và xác định các quyết định đó có tính chất bắt buộc hay không đối với tất cả các nước thành viên. Trong điều kiện hiện nay, để đạt được sự đồng thuận về quan điểm là không dễ bởi các nước trong khu vực hiện đang có nhiều quan điểm và lợi ích khác nhau, tình hình kinh tế cũng như mức sống khác nhau, thậm chí còn có biểu hiện thiếu niềm tin và tranh chấp.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia đồng ý với nhận định của Tổng thống Venezuela Hugo Chaves rằng, việc thành lập CELAC là một sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất ở châu Mỹ trong 100 năm gần đây. Theo ông Hugo Chaves, kể từ đây, 100 năm cô đơn đã lùi lại phía sau và bắt đầu một trang mới trong thế kỷ hợp tác và liên kết trong khu vực. Cũng giống như EU, việc điều hành CELAC sẽ gồm ba nước đã được bầu là Tổng thống các nước Chile, Cuba và Venezuela. Tại những nước này dự kiến diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của CELAC trong các năm 2012, 2013 và 2014./.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất