Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 19/7/2009 12:35'(GMT+7)

Khên Lèng, một ngày dài trong nửa tháng tìm người mất tích

Vòi phun nước cũng chỉ giúp phần nào. Ai có thể bê đi những khối đá to như thế này.

Vòi phun nước cũng chỉ giúp phần nào. Ai có thể bê đi những khối đá to như thế này.


Đã sang ngày thứ 12 tìm kiếm, mưa nắng vẫn phập phù; đường sá vẫn sạt và sửa; bộ đội, công an vẫn hàng ngày cật lực đào tìm, song  tung tích 9 người chết trong đống đổ nát vẫn chưa hề có tăm hơi

Núi: nứt, trượt bốn bề;  Sóng (điện thoại): chập chờn và mất

Chủ đề cửa miệng của người dân, cán bộ huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn trong những ngày căng thẳng tiếp tục công tác chỉ đạo cứu nạn, tìm kiếm 9 người còn bị vùi lấp trong đống đất đá và  khắc phục hậu quả vụ lở đất kinh hoàng tại Khên Lèn ngày 4-7 là "những vết nứt, vết trượt lở trên núi".

Chủ tịch UNND huyện Pác Nặm Hà Đức Tiến lo nhất là những vết nứt bốn bề trên những đỉnh núi vây quanh thôn Khên Lèng. Ông đưa ra mấy tấm sơ đồ mà nhóm công tác của huyện đi cùng dân khảo sát mấy ngày qua. Tôi liếc nhìn và sởn người. Chỉ trên một tấm sơ đồ đó, ngay phía trên địa điểm mà hiện là ngôi nhà Ban chỉ đạo Huyện đang đóng chật ních người ra vào hơn chục ngày nay, là 5 chỗ đánh dấu những vết nứt trên các ngọn núi. "Chỉ cần mưa kéo dài liên tục trong 30 phút, Ban chỉ đạo và toàn bộ lực lượng tìm kiếm cũng phải sơ tán ngay. Ở đây cực kỳ nguy hiểm! Có báo động là phải sơ tán. Nắng lên, thời tiết tạm ổn lại quay vào làm tiếp. Cứ thế". Đây là những điểm mình mới nhìn thấy. Còn những điểm chưa nhìn thấy, hoặc vết nứt cũ cỏ mọc che lên chưa tính”.


Tan hoang và đổ nát, cả một đời tạo dựng cơ nghiệp phút chốc
thành trắng tay.


"Chúng tôi vào đây làm nhiệm vụ chưa có ngày ra! Ăn ở tại chỗ, hậu cần hết lại tiếp tế, cứ tìm kiếm đến khi nào thấy” - một chiến sĩ quân đội nói.

 Khái niệm nguy hiểm ở đây là khả năng "biến mất" của con người và nhà cửa chỉ trong vài phút đá lở giống như những gì đã xảy ra sáng 4-7. Theo một cán bộ địa chính xã và phòng tài nguyên môi trường huyện, những vết nứt đó chính là nơi nước mưa đổ xuống, ngấm xuống tận chân núi và khi đã no nước, với địa chất yếu chỉ là núi đất cát pha và đá mồ côi trơn nhẵn không hề cố kết vững chắc, sự trượt lở nhỡn tiền và sẽ vô cùng khủng khiếp.

Chúng tôi nhìn lên núi. Bốn bề đều thấy những vệt trượt đất đá dài, thâm đỏ như máu. Cả trăm con người cứu hộ cũng đang phải gồng mình lên khi lọt thỏm làm nhiệm vụ trong một thung lũng mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị vùi lấp. Không ai biết trong lòng núi đang diễn ra những gì. Mưa nắng vẫn thất thường, ăn ngủ vẫn thất thường..

Trong căn lán tạm, cụ già này đang mong mỏi về
một khu tái định cư ổn định lâu dài


Ngay dưới chân nhà sàn, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những chiến sĩ thông tin bên chiếc máy vô tuyến điện sóng ngắn 15W của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh điều về ngay từ những ngày đầu sạt lở đất. Ngoài ra, tôi còn thấy một máy điện thoại không dây  EVN hoạt động. Người ta cứ bưng bê nó từ chỗ nọ sang chỗ kia để làm việc. Thấy bảo tại đây có tất cả ba chiếc  máy kiểu này.

Tại Khên Lèng, trong nhà chỉ huy, điện đã có nhờ máy phát điện chạy bằng thuỷ điện suối. Cán  bộ huyện bảo, điện yếu nên hôm trước, máy tính xách tay của một nhà báo khi hết pin cũng không sạc được.

Điện thoại di động duy nhất chỉ còn sóng Viettel, song cũng rất phập phù. Cán bộ, chiến sĩ  phải treo điện thoại di động cá nhân ra dưới mái hiên nhà để "phục kích" sóng. Người mong mỏi mắt, còn sóng đỏng đảnh chợt đến rồi lại chợt đi. Mỗi khi có sóng, có khi đồng loạt mấy chiếc điện thoại đều đổ chuông. Có lúc, chỉ một chiếc đổ sóng, thế là lại gọi truyền xem máy của ai để ra nghe.

Những chỗ được coi là nền nhà cũ cắm hương là ưu tiên
tìm kiếm của chó nghiệp vụ.

Nhìn những chiếc điện thoại di động lủng lẳng trên mái hiên nhà sàn chờ sóng Viettel mới thấy ý nghĩa của thông tin liên lạc ở những vùng xa, vùng sâu có ý nghĩa đến mức nào.  Nó càng ý nghĩa khi tôi biết rằng, hai ngày liền  ngay sau khi sự cố xảy ra, Khên Lèng đã bị cô lập hoàn toàn về thông tin liên lạc.

Để có thông tin liên tục về tình hình tìm kiếm nạn nhân, một cán bộ cho biết, 2 tiếng một lần phải báo cáo về Ban chỉ đạo Tỉnh bằng báo cáo được mã hoá và chuyển qua máy vô tuyến 15 W. Còn bình thường, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Hà Đức Tiến luôn thấy cặp kè bên điện thoại không dây EVN để chỉ đạo công tác tìm kiếm, tiếp tế từ ngoài vào cho Ban chỉ đạo và các lực lượng cứu hộ- Tôi không cũng không cho người nhà biết số máy này. Biết làm gì, chỉ lo thêm! Cần gì thì chúng tôi gọi về"

Dù khó khăn, nguy hiểm, song việc tìm kiếm vẫn diễn ra
ròng rã gần nửa tháng qua.

Trên sóng điện thoại, chỉ toàn chuyện cứu trợ; chuyện cấp gạo cho dân. Chuyện tiếp tế cho lực lượng cứu hộ. Chuyện phối hợp nhận chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh rồi chỉ đạo trăm thứ bà rằn tại chỗ. Nào là đường mòn ngựa không vào được. Nào là gạo hết hay còn. Rồi chở máy bơm, xăng dầu vào ra sao. Áp tải vào như thế nào...

Phải tìm thấy! Phải tìm thấy!


Đã có lúc trong căn nhà sàn của dân mà nay Ban chỉ đạo huyện Pác Nặm đóng quân đã chứa tới 60-70 con người cùng lúc ăn nghỉ, làm việc. Bình thường, căn nhà đó chỉ cho một hộ ở với 6 khẩu.

Lực lượng tìm kiếm bao gồm công an,  quân đội, đội chó nghiệp vụ, Ban chỉ đạo tìm kiếm của huyện được bố trí ăn, ở trong 4 nhà dân, đây là những căn nhà có nguy cơ bị sạt lở rất cao mà người dân đi sơ tán để lại. Toàn bộ khu vực này, những ngày cao điểm khi vừa xảy ra thảm hoạ đã có gần 300  người là cán bộ, chiến sĩ, dân quân...đóng quân để  cứu hộ và tìm kiếm.

Hiện tại, theo chỉ đạo của Tỉnh, để bảo đảm an toàn cho cả lực lượng cứu hộ, quân số thường xuyên ở đây còn hơn 100 nguời.

Hơn 100 người tập trung chỉ đạo, hậu cần, phục vụ và trực tiếp tìm kiếm 9 người mất tích ròng rã gần nửa tháng trời vẫn chưa thấy tung tích.

"Chúng tôi sẽ xem xét đánh thuốc nổ để phá những tảng đá to trên các vị trí mà chó nghiệp vụ đã đánh hơi thấy mùi khả nghi! Cũng không thể đánh thuốc nổ tràn lan được. Nhiều đá lắm- một sĩ quan đang chỉ huy đào bới cho tôi hay.

"Bây giờ chỉ cần tìm thấy dù chỉ một người thôi, anh em sẽ cảm thấy thanh thản đôi chút với người đã khuất. Từ lúc vào tôi chưa thấy báo cáo anh em ai ốm cả, dù bên bộ đội hay công an. Họ đều làm hết sức. Bộ đội phải bảo vệ dân. Giờ dân bị thiên tai chết thế này, bộ đội vất vả mấy cũng cố hoàn thành nhiệm vụ"- Trung tá Phạm Quang Cảnh, Trợ lý tác huấn BCH quân sự tỉnh Bắc Cạn chia sẻ.

Đội phó đội tìm kiếm cứu nạn bằng chó nghiệp vụ trực thuộc Trường 24, BTL Bộ đội Biên phòng Phùng Quang Đối cho biết: "Cấp trên đã điều động những chó nghiệp vụ giỏi của lực lượng, trong đó có con Pu-an và con An-tov đã từng lập thành tích xuất sắc trong vụ tìm kiếm 11 nạn nhân ở Tương Dương (Nghệ An) năm 2007 về đây từ ngày mồng 6 và ở lại đến tận bây giờ. Dù rất khó khăn do lớp đất đá dầy bao phủ làm hạn chế khả năng đánh hơi của chó, song chúng tôi sẽ làm việc hết sức mình"

Phải tìm thấy dân- đó là nhiệm vụ là trách nhiệm và tấm lòng của những người cứu nạn cho dù lúc này, nhiệm vụ đó không đơn giản.

Tay, xẻng, vòi nước-  Sự kiên nhẫn và một ao ước

Hơn mười ngày nay, bộ đội, công an làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở đây chỉ có xẻng, cuốc, vòi phun nước trong khi ngổn ngang hiện trường là những bãi đá mồ côi lổng chổng với nền đất cát, sét đã đóng chặt như nêm, có nơi cao đến hơn 10 mét so với mặt bằng trước khi diễn ra thảm hoạ. Mặc dù hiện trường đã có mùi phảng phất, có chỗ nặng mùi đậm đặc, song không thể biết đó là mùi người chết hay trâu bò, lợn gà chết. "Với độ dầy như thế này, chó nghiệp vụ cũng khó đánh hơi. Mà nếu phát hiện mùi động vật chết thì cũng rất khó phân biệt đâu là người chết"

Tại đây, người ta đã tìm thấy trâu chết, thậm chí cá nuôi trong ao của dân chết. Nhưng đến ngày thứ 15, vẫn không thấy thêm một người nào." Anh em nỗ lực rất nhiều, quyết tâm cao, nhưng rất buồn vì chưa tìm thấy người nào cả"

Rải rác trên các đống đá, nhà cửa đổ nát, quần áo quăng quật, thóc lúa vương vãi đã mọc mầm thành mạ trong những hốc đá, trên mặt bùn, là những chân hương. Không biết chỗ nào có người chết, người dân cắm hương hú hoạ trên những vị trí trước kia là nhà ở. Một hy vọng khắc khoải: Để vong linh người chết được sưởi ẩm đôi chút. Và để cũng xua đi tà khí và tâm trạng não nùng

Theo một ước tính, mặc dù rất nỗ lực, nhưng mỗi ngày một người ở đây chỉ bới ra được nửa mét khối đất đá bằng cuốc xẻng, bằng tay, và cả bằng vòi nước rửa trôi bùn đất. Mỗi ngày từng ấy con người cũng chỉ làm được 30-40 mét khối. Người mạnh dạn hơn thì ước tính rộng rãi tới 80 mét khối. Chưa kể là gậy gộc, gỗ lạt, vì kèo, xà nhà, chăm chiếu, mùng màn bùng nhùng trong đó cũng phải moi lên...Như muối bỏ biển so với một bãi chiến trường. Càng bất lực khi nhìn những khối đá mồ côi to cỡ bằng chiếc giường, chiếc phản, to như trâu, như bò nằm la liệt.

"Chúng tôi ước gì chỉ cần có một chiếc máy xúc! Chỉ một máy xúc là xoay chuyển được tình hình....Chứ sức người thế này, đến bao giờ. Sốt ruột lắm. Xót xa thương dân lắm. Lệnh trên phải tìm đến người cuối cùng, chúng tôi sẽ tìm đến cùng. Nhưng giá có một máy xúc thì hiệu quả biết mấy...!

Nhưng ở nơi này, đến ngựa thồ máy bơm vào còn khó, người đi vào còn khó, lấy đâu ra máy xúc. Ngoại trừ có một phép màu từ trên! "Giá có máy bay vận tải chuyên dụng đem được máy xúc đến đây!"- một sĩ quan chia sẻ với chúng tôi./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất