Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 22/4/2012 9:34'(GMT+7)

Khi "sân sau" quay lưng với Mỹ

 

Trái với sự hào hứng khi tham dự Hội nghị OAS tại Tri-ni-đát và Tô-ba-gô năm 2009, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma dự Hội nghị cấp cao OAS trong hai ngày 14 và 15-4 vừa qua, tại TP Các-ta-hê-na đề In-đi-át của Cô-lôm-bi-a, với tâm trạng không mấy dễ chịu. Ông chủ Nhà trắng đối mặt một loạt động thái cả trước và trong hội nghị, được ví như "hành động tập thể" phản đối Mỹ ngăn cản Cu-ba trở lại OAS. Trong thư gửi người đồng cấp Cô-lôm-bi-a, Tổng thống Ê-cu-a-đo R.Cô-rê-a nêu rõ, ông sẽ không dự bất cứ hội nghị khu vực nào nếu không có sự tham gia của Cu-ba. Các nhà lãnh đạo U.Cha-vết và Ð.Oóc-tê-ga của Vê-nê-xu-ê-la và Ni-ca-ra-goa tẩy chay hội nghị, Tổng thống Bô-li-vi-a E.Mô-ra-lết cảnh báo, hội nghị ở Cô-lôm-bi-a là sự kiện OAS cuối cùng nước này tham dự, nếu Cu-ba tiếp tục không được mời. Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) gồm 12 quốc gia châu Mỹ cũng tuyên bố không góp mặt tại các hội nghị OAS trong tương lai, nếu không có Cu-ba.

Cũng do Mỹ phủ quyết các vấn đề liên quan Cu-ba, Tổng thống Ác-hen-ti-na C.Phéc-nan-đết đã rời Cô-lôm-bi-a trước khi hội nghị kết thúc. Ngay cả nước chủ nhà Cô-lôm-bi-a, đồng minh thân cận của Mỹ ở Mỹ la-tinh, cũng công khai chỉ trích cuộc cấm vận của Oa-sinh-tơn đối với Cu-ba. Tổng thống M.Xan-tốt cho rằng chính sách này là "lỗi thời" và việc Cu-ba tiếp tục vắng mặt tại hội nghị OAS là "không thể chấp nhận".

Không phải chỉ tại Hội nghị OAS lần này, Mỹ mới đối mặt sự phản đối về các vấn đề liên quan chính sách đối với Cu-ba. Nhưng, đây lại là lần đầu Oa-sinh-tơn chịu sự phản công mạnh mẽ của đông đảo các nhà lãnh đạo khu vực, mặc dù ông Ô-ba-ma đã tìm cách hòa giải, khi nhận định đây là cơ hội tìm kiếm sự thay đổi ở khu vực và Mỹ chưa quyết định cuối cùng về việc để Cu-ba tham gia các hội nghị tiếp theo của OAS. Những động thái nêu trên giội "gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng trở lại Mỹ la-tinh, sau nhiều năm mải theo đuổi các cuộc chiến bên ngoài khu vực.

Cu-ba là một trong những thành viên sáng lập OAS, song vì sức ép của Mỹ, OAS đã khai trừ Cu-ba năm 1962. Năm 2009, các thành viên OAS, trừ Mỹ, đã nhất trí khôi phục tư cách thành viên của Cu-ba. Tuy nhiên, Cu-ba chưa thể tham gia OAS do Mỹ cản trở. Chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma sau khi nhậm chức đã có những bước đi mở rộng quan hệ với La Ha-ba-na, nhưng vẫn không đồng ý Cu-ba quay lại OAS cho tới khi nước này có những bước cải cách, tiến tới cái Oa-sinh-tơn gọi là "nền dân chủ theo Hiến chương OAS". Sau gần hết một nhiệm kỳ tổng thống, ông Ô-ba-ma vẫn không làm được gì nhiều để thay đổi "chính sách Cu-ba" của Mỹ. Trong khi đó, Cu-ba tuyên bố không muốn trở lại OAS, tổ chức khu vực đã bị thao túng, thông qua các chiêu bài hợp tác kinh tế và phát triển. Năm 2009, OAS buộc phải khai trừ On-đu-rát do Mỹ phản đối cuộc đảo chính ở nước này. Nhưng cũng chính Mỹ gây sức ép để OAS khôi phục tư cách thành viên của On-đu-rát chỉ chưa đầy hai năm sau!

Diễn biến bất ngờ tại Hội nghị OAS ở Cô-lôm-bi-a cho thấy sự đồng thuận của tất cả các nước Mỹ la-tinh ủng hộ Cu-ba, phản đối chính sách thù địch của Mỹ chống Cu-ba đã kéo dài từ thời chiến tranh lạnh cách đây vài thập kỷ. Tổng thống Xan-tốt nêu rõ, không thể thờ ơ trước tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cu-ba, cũng như những thay đổi tích cực ở nước này. OAS cần chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận kéo dài hơn nửa thế kỷ qua đối với Cu-ba. Ông Ô-ba-ma chắc chắn cảm nhận rõ tại Hội nghị cấp cao OAS ở Cô-lôm-bi-a vừa rồi nguy cơ Oa-sinh-tơn rơi vào tình thế bị cô lập ngay trong khu vực và bởi chính những đồng minh một thời ở "sân sau" nước Mỹ.

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất