Chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên là "Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước", chú trọng tăng cường đưa khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế vùng. Bởi vậy sau hơn 35 năm từ khi đất nước được thống nhất, Ðảng và Chính phủ chỉ đạo tiến hành hai chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước về Tây Nguyên. Chương trình "Ðiều tra tổng hợp Tây Nguyên" giai đoạn 1976-1980 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên I) và Chương trình "Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên" giai đoạn 1984-1988 (Chương trình Tây Nguyên II) do Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) chủ trì. Song sau 35 năm phát triển, Tây Nguyên đang đứng trước những vận hội và thách thức to lớn. Thực tế cho thấy từ nông, lâm sản Tây Nguyên, thương hiệu cà-phê Tây Nguyên đến các tài nguyên khác đã và đang bị bán ra nước ngoài kém hiệu quả.
Giữa năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý triển khai Chương trình Tây Nguyên III và giao Bộ Khoa học Công nghệ cùng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam thực hiện. Bộ Khoa học Công nghệ đã quyết định phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình Tây Nguyên III, giao Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam triển khai thực hiện. Chương trình xác định bốn mục tiêu cơ bản là: Cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên; cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên; ứng dụng chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Nguyên; bước đầu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên.
Các nhiệm vụ khoa học của Chương trình Tây Nguyên III, tập trung vào ba nhóm chính: Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu đánh giá các vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội, dân cư, dân tộc, tôn giáo, an ninh quốc phòng... trong tiến trình phát triển bền vững Tây Nguyên; các đề tài ứng dụng chuyển giao công nghệ cho Tây Nguyên. Ðặc biệt chú trọng chuyển giao các công nghệ cao như công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, công nghệ thông tin..., phục vụ tiến trình CNH, HÐH, đô thị hóa khu vực này.
Nội dung chính của Chương trình thể hiện tư duy khoa học mới mẻ, thiết thực kết nối từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai. Phương pháp tiếp cận cơ bản của Chương trình Tây Nguyên III là định hướng phát triển bền vững. Xây dựng chỉ số phát triển bền vững của toàn vùng Tây Nguyên và cho mỗi tỉnh. Phát triển bền vững là giải quyết hài hòa trên ba trụ cột: Bền vững về tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao thu hút được đầu tư doanh nghiệp; bền vững về quản lý tài nguyên, hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại và bền vững về quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng mô hình tổ chức xã hội văn minh hiện đại.
Chương trình Tây Nguyên III đã nhận được nhiều đóng góp của các nhà quản lý, cộng đồng các nhà khoa học trên cả nước. Hơn 250 đề xuất nghiên cứu của các nhà khoa học từ mười bộ, ngành trên cả nước đã gửi tới Văn phòng Chương trình Tây Nguyên III (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Hàng trăm nhà khoa học hàng đầu tham gia tích cực các hội đồng xét chọn, tuyển chọn, thẩm định nội dung nghiên cứu cũng như kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học cấp thiết ở Tây Nguyên. Gần 60 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tuyển chọn trong đó có 19 nhiệm vụ đầu tiên được ký kết hợp đồng bắt đầu từ cuối năm 2011; 21 nhiệm vụ bắt đầu cuối năm 2012 và số nhiệm vụ năm 2013 đã sẵn sàng chờ ký hợp đồng triển khai. Các nhiệm vụ khoa học được tuyển chọn đã bám sát mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên.
Như vậy, so với các Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên trước đây, bên cạnh công tác điều tra cơ bản, các hướng nghiên cứu được tổ chức theo các lĩnh vực có định hướng ứng dụng và kết quả đăng ký cụ thể, phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Quy mô liên ngành, liên vùng không chỉ giữa Tây Nguyên với các tỉnh ven biển miền trung mà còn tính đến khả năng liên kết xuyên biên giới giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia.
Mới triển khai năm thứ hai, nhưng hàng trăm nhà khoa học đã tổ chức 23 đoàn khảo sát thực địa Tây Nguyên. Bước đầu đã thu thập được hàng nghìn mẫu vật mới phục vụ đánh giá tài nguyên môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mẫu vật đã được gửi đến các phòng thí nghiệm uy tín, chất lượng trong và ngoài nước để phân tích hóa, lý hay ADN. Một số quy trình công nghệ được xây dựng, triển khai. Ðồng thời các mô hình ứng dụng đã được thiết kế trên Tây Nguyên nhằm sớm chuyển giao cho địa phương. Công tác hỗ trợ cho đào tạo và công bố báo chí cũng từng bước được thực hiện.
Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên III quán triệt thống nhất trong chỉ đạo là bám sát địa bàn nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tế đang đặt ra. Nhận thức sâu sắc vai trò của khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững Tây Nguyên trước mắt và lâu dài. Trên quan điểm đòi hỏi sự phát triển
Tây Nguyên theo hai chiều thời gian (quan điểm lịch sử, tính giai đoạn) và không gian (không gian kinh tế - xã hội Tây Nguyên với cả nước, với khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa). Chương trình Tây Nguyên III có nhiệm vụ quan trọng là tổng kết những bài học kinh nghiệm phát triển Tây Nguyên, đặc biệt từ giai đoạn bước vào thời kỳ đổi mới tới nay. Trong đó, chú trọng vai trò của khoa học và công nghệ trong mỗi giai đoạn để khẳng định vị trí then chốt, động lực cho mục tiêu phát triển bền vững.
Chương trình Tây Nguyên III được triển khai, thực hiện trong bối cảnh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020". Trong đó khẳng định "Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm tính đồng bộ thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực...". Ðồng thời khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế nhất là tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Cho nên các đề tài, nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên III cần bám sát các mục tiêu, nội dung của bản quy hoạch trên, nhằm đóng góp cơ sở khoa học vững chắc để thúc đẩy kinh tế - xã hội Tây Nguyên phát triển một cách bền vững.
GS CHÂU VĂN MINH
Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm
Chương trình Tây Nguyên III
Theo Nhân Dân