1. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tây Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực của cuộc sống.
Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được cụ thể thành các văn bản chỉ đạo, điều hành tại địa phương. Tây Ninh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ bám sát định hướng ưu tiên của Chiến lược khoa học và công nghệ và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2011-2020; ưu tiên các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với các định hướng phát triển của tỉnh, tập trung các lĩnh vực đột phá như phát triển công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành và địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang tính ứng dụng vào điều kiện thực tiễn ngày càng cao, tạo ra được nhiều giải pháp, sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng một số giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương cùng các chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có điều kiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước góp phần quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương ra thị trường; công tác phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ bước đầu có sự quan tâm, tìm hiểu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng thông qua tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt mức 30,62% trong giai đoạn 2011–2015; các dự án nâng cao tiềm lực về khoa học và công nghệ được triển khai; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành góp phần quan trọng vào đổi mới công tác quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý, điều hành, dịch vụ công trực tuyến góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhà nước, tạo tiền đề tiến tới hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu hình thành và phát triển. Tỉnh đã tổ chức đoàn và gian hàng tham gia các hoạt động: "Chợ công nghệ thiết bị, Diễn đàn kết nối cung - cầu công nghệ, Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Nha Trang, Cần Thơ, Gia Lai,… với sự tham gia của các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sáng chế không chuyên nhằm quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương; tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp, nhà sáng chế tại địa phương và xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Giai đoạn 2013-2021: tỉnh đầu tư cho khoa học và công nghệ với tổng số tiền là 409,296 tỷ đồng (gồm kinh phí đầu tư phát triển: 183,263 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp 226,033 tỷ đồng). Kinh phí hàng năm cấp cho hoạt động khoa học và công nghệ các huyện, thị xã, thành phố hơn 1,2 tỷ đồng; các sở, ngành 800 triệu đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm: tổ chức thông tin, tuyên truyền về triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa, tập huấn nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ.
|
2. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết có nơi chưa sát với thực tế của địa phương nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Nhà nước về khoa học và công nghệ có lúc có nơi chưa tác động đến quần chúng nhân dân. Chưa đa dạng được nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, chưa có chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ kết thúc; một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi chuyển giao ứng dụng chưa mang lại hiệu quả; các kết quả nghiên cứu đa phần đóng góp vào công tác quản lý của các ngành, đơn vị, chưa thật sự đi vào cuộc sống người dân. Tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đầu tư của tỉnh cho khoa học và công nghệ trong những năm qua còn thấp; hạ tầng khoa học và công nghệ còn chậm phát triển, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại tỉnh còn khó khăn, chưa hình thành được các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ; chưa thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, số lượng giao dịch mua bán công nghệ còn thấp. Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh còn chậm, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh. Việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012–2015 không hiệu quả do Quy định hỗ trợ không phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất và chế độ quản lý thực tế của các doanh nghiệp tại địa phương.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ đại học, trên đại học ngày càng tăng nhưng số người có năng lực nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ còn ít; chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao về làm việc tại Tây Ninh.
Việc thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ ở địa phương chưa thực hiện được do điều kiện quản lý quỹ chưa đáp ứng, cơ chế hoạt động quỹ là kiêm nhiệm nên rất khó trong công tác điều hành, thực hiện nghiệp vụ của quỹ. Việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ từ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa nhiều, do các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và công tác tuyên truyền còn hạn chế.
10 năm thực hiện Nghị quyết số 20 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh. Trước hết, cần xác định đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm là định hướng quan trọng của ngành khoa học và công nghệ và cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp để các doanh nghiệp thấy được việc đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.
Việc xác định đúng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ bức xúc của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp là yếu tố quyết định khả năng ứng dụng của nhiệm vụ. Hoạt động triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ mang lại hiệu quả thiết thực khi được sự quan tâm, đề xuất đặt hàng trên cơ sở nhiệm vụ của các ngành, các cấp, của doanh nghiệp, ... nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động của tổ chức đó, có như vậy, sau nghiệm thu, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới được ứng dụng và mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn không thể thiếu hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến; cần có chính sách khuyến khích, huy động các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong xu thế hội nhập; rất cần sự phối hợp của các viện, trường đại học, các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ khoa học và công nghệ từ các tỉnh bạn, đặc biệt các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.
3. Trong giai đoạn từ nay tới 2030, định hướng tới năm 2045, Tây Ninh xác định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn với quá trình hội nhập quốc tế; đổi mới tư duy và hành động; nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ chủ yếu: đổi mới đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ là chủ thể nghiên cứu chủ yếu. Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KH, CN và ĐMST trong các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH, CN và ĐMST, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư vào khoa học và công nghệ.
Theo đó, Tây Ninh xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có tiềm lực và trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước. Dự kiến đến năm 2025, xây dựng một số chỉ tiêu thống kê cơ bản của ngành khoa học và công nghệ: cơ sở hạ tầng cho khoa học và công nghệ; nhân lực khoa học và công nghệ; tài chính cho khoa học và công nghệ; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ; sở hữu trí tuệ; công bố khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn đo lường và chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân. Đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức 30%-35%. Phấn đấu tăng mức chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 5%, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành chủ lực của tỉnh hoặc các sản phẩm mới phục vụ các thị trường ngách. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 5%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ đạt 5-10 %. Đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng, bình quân đạt 10%, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành chủ lực của tỉnh hoặc các sản phẩm mới phục vụ các thị trường ngách và các sản phẩm xuất khẩu. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 10%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ đạt 10 - 20 %. Gia tăng đóng góp của đổi mới công nghệ, nhân lực, quản trị, tổ chức ở doanh nghiệp; đóng góp của các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các viện nghiên cứu và trường đại học hướng tới phục vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đảm bảo các chỉ tiêu thống kê cơ bản của ngành khoa học và công nghệ không thấp hơn trung bình của cả nước. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tận dụng lợi thế thương mại; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển một số ngành chủ lực của tỉnh. Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả; chú trọng phát triển các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Đến năm 2045, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng đóng góp vào gia tăng thu nhập/đầu người, gia tăng năng suất xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện cơ bản các mục tiêu đến năm 2025, làm cơ sở nền tảng cho giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền Tây Ninh cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau
Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 20 -NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chương trình hành động số 27 -CTr/TU, ngày 30/01/2013 của Tỉnh uỷ Tây Ninh; Quyết định số 1284/QĐ-UBND, ngày 10/7/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27-CT/TU; Quy hoạch phát triển hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phổ biến thành tựu, kiến thức khoa học và công nghệ, các mô hình ứng dụng, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả vào thực tế sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thực hiện chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.
Bốn là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; sớm xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng về thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Năm là, xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các ngành, các cấp. Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, nhất là doanh nghiệp nhà nước.
Sáu là, tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để tranh thủ sự hỗ trợ đối với các dự án đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật; các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016–2025. Đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và các tỉnh để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh