Thứ Sáu, 22/11/2024
Tây Ninh
Thứ Hai, 19/9/2022 8:59'(GMT+7)

Công nghiệp - Động lực chủ yếu cho tăng trưởng Tây Ninh

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Tây Ninh

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Tây Ninh

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TÂY NINH THUỘC 20 TỈNH, THÀNH CAO HƠN MỨC BÌNH QUÂN CẢ NƯỚC

Theo báo cáo tại hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII, tổ chức sáng 14/10, tại trung tâm hội nghị Sunrise, thành phố Tây Ninh, trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, với sự nỗ lực của ngành công thương trong việc phối hợp với các sở, ngành ở từng địa phương, đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; cùng với sự linh hoạt, chủ động vươn lên của các doanh nghiệp, nên tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại tiếp tục được duy trì và phát triển.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm của các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Có 12/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 9,6%), bao gồm: Thành phố Cần Thơ tăng 30,9%; Vĩnh Long tăng 28,9%; Tây Ninh tăng 20,13%...

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.350 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 96,74% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 49% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 cả nước đạt gần 4.790 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 96,24% so với cùng kỳ). Có 7/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và cao hơn so với cùng kỳ. Xét về tỷ trọng có một số địa phương có tỷ trọng đóng góp tăng trưởng cao trong khu vực như TP.HCM hơn 820 ngàn tỷ đồng, chiếm 34,9%.

9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt trên 2.200 ngàn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2022 cả nước đạt trên 4.170 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ). Có 14/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao hơn mức cả nước, trong đó có tỉnh Tây Ninh tăng xấp xỉ 30%.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức hiệu quả, góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân đối với hàng Việt, thay đổi ý thức tiêu dùng trong cộng đồng, từng bước loại bỏ hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường; từ đó, giúp các doanh nghiệp Việt cải tiến chất lượng sản phẩm và khai thác tốt hơn thị trường nội địa. Các Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên chợ, chuyến hàng lưu động về các vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và công nhân.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn, tiếp tục xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" như: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng tàu, TP. HCM, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,...

Quang cảnh hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII.

Quang cảnh hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII.

TÂY NINH ĐỨNG THỨ 13 TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ FDI SO VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CẢ NƯỚC

Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 6 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, có 5 khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19 ha.

Tỉnh Tây Ninh hiện đứng thứ 13 trong thu hút đầu tư FDI so với các địa phương trong cả nước. Các dự án đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực khai thác lợi thế của tỉnh gồm: Dệt may, chế biến nông sản (mía, mì,...), sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, da giày, các sản phẩm kim loại. Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày được tạo điều kiện phát triển.

Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững.

Cụ thể, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững, để công nghiệp trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Tây Ninh trở vào nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước vào năm 2030; thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường, qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công, chế biến thô sang chế biến sâu.

Giai đoạn 2021-¬2030, Tây Ninh cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo hướng công nghiệp - đô thị, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, thị trường ổn định. Đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư uy tín, công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành.

Tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện; giám sát, đôn đốc việc xây dựng kết cấu hạ tầng điện theo quy hoạch, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Dự kiến xây dựng các khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung với tổng công suất đến năm 2025 khoảng 132.960 m3/ngày đêm, sẽ tăng lên 263.062 m3/ngày đêm vào năm 2030.

Tại mỗi khu công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép xả thải ra nguồn tiếp nhận.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân đạt khoảng 12,5%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 14%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2021-2025 tăng trung bình trên 15,5%/năm và trên 16% trong giai đoạn 2026-2030.

Tỉ trọng công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 chiếm khoảng 50% GRDP, đến năm 2030 đạt khoảng 55%./.

Giao Tuyến


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất