Thứ Sáu, 22/11/2024
Tây Ninh
Thứ Tư, 2/11/2022 11:53'(GMT+7)

Những chuyển biến tích cực trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Ảnh: Ngọc Bích

Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Ảnh: Ngọc Bích

 

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, quán triệt rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo, đài xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội tăng cường tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ thông tin chính thống về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên các diễn đàn mạng xã hội.

Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình, Bản tin thông báo nội bộ, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, phường, thị trấn và các cụm loa truyền thanh ấp, khu phố tổ chức tuyên truyền 1.456 cuộc với tổng thời lượng khoảng 9.000 phút. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi khai giảng, bế giảng, kiểm tra cuối khóa học được 3.035 cuộc, với trên 182.000 lượt người tham dự. Lực lượng mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực đăng tin bài, chia sẻ, like về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên 1.103 trang, nhóm thuộc các nền tảng Mocha, Mocha35, Facebook, Zalo, Blog. 

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong hệ thống tổ chức của mình và rộng rãi trong Nhân dân. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến cấp xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú3. Các cơ sở đào tạo nghề thực hiện công tác tư vấn về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động; giúp người lao động có quan niệm đúng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Bộ luật lao động; nhận thức rõ vị trí, vai trò của vấn đề việc làm và đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong việc phát triển kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

ĐỔI MỚI  MẠNH MẼ CÔNG TÁC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tại thời điểm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến giai đoạn 2011-2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 22 cơ sở đào tạo nghề,  trong đó: 1 trường cao đẳng nghề Tây Ninh, 5 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 7 trung tâm, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Qua rà soát, có 15 cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các cơ sở đào tạo đã khắc phục mọi khó khăn về tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, thiếu thiết bị thực hành đến với các vùng nông thôn sâu, vùng xa biên giới để truyền đạt những kiến thức cơ bản về tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện dạy nghề

Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg tại tỉnh Tây Ninh và Tổ chuyên viên giúp việc; 9/9 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tại Quyết định số 1259/QĐ-BCĐ, ngày 15/7/2010 và Quyết định số 840/QĐ-BCĐ, ngày 13/4/2017. 

Đội ngũ giáo viên dạy nghề bao gồm giáo viên thuộc các cơ sở dạy nghề công lập (245 người), các cơ sở dạy nghề tư thục (294 người); các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất giỏi, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Làm tốt công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề

Năm 2010, tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát số lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề (chiếm 4,63% số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động thuộc diện điều tra là 590.544 người); số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề phân bố theo nghề nông nghiệp: 46,98%; nghề phi nông nghiệp: 53,02%. Tỷ lệ lao động có nhu cầu học nghề thấp, theo đánh giá ban đầu do: Còn một số ít lao động nông thôn bằng lòng với công việc thuộc lĩnh vực nông nghiệp nên không có nhu cầu học nghề. Bên cạnh đó, người lao động nông thôn ở một vài địa phương chưa hiểu nhiều về học nghề, nhất là chính sách hỗ trợ dạy nghề của nhà nước. Do thực hiện tổng điều tra, thời gian điều tra ngắn nên năng lực tư vấn học nghề của một số điều tra viên còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra.

Hàng năm, ngành chức năng cập nhật thông tin từ thực tế nhu cầu học các nghề mới; thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn6.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg thường xuyên hướng dẫn Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố, Uỷ ban nhân dân cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai đăng ký nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hàng năm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gắn với quy hoạch nông thôn mới của địa phương.

Đổi mới chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn

 Chương trình đào tạo: Giai đoạn 2011-2015 chủ yếu dựa trên bộ chương trình, giáo trình đã thực hiện theo Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế tại địa phương. Các cơ sở dạy nghề đã tự biên soạn, ban hành chương trình để phục vụ cho công tác dạy nghề phù hợp với nhu cầu tại địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp thực hiện theo Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp; đào tạo thường xuyên thực hiện theo Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên.

Chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề đảm bảo khối lượng kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, phù hợp với người học, được áp dụng cho nhiều đối tượng, nhiều trình độ khác nhau, đảm bảo thời gian đào tạo, trong đó chủ yếu tập trung vào kỹ năng thực hành để người học sau khi học xong có thể ứng dụng vào thực tế.

Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn

Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (13 cơ sở công lập, 6 cơ sở tư thục). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao nhiệm vụ đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng; cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”

Tây Ninh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 từ năm 2011. Kết quả thực hiện mục tiêu Đề án đạt được cụ thể: Tổ chức đào tạo được 1.545/1.498 lớp, đạt 103% so với kế hoạch.

Tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề: 48.362/47.387 người, đạt 102% so kế hoạch, (trong đó: Số lao động nông thôn tham gia học nghề nông nghiệp 37.674/48.362 người, chiếm tỷ lệ 77,9%; Số lao động nông thôn tham gia học nghề phi nông nghiệp 10.688/48.362 người, chiếm tỷ lệ 22,09%).

Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo cho 28.005/26.714 người, đạt tỷ lệ 104,83% so với kế hoạch. Tổng số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề: 20.958/28.005 người, chiếm tỷ lệ 74,84% so với tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.

Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo cho 20.357/20.673 người đạt 98,47% so với kế hoạch. Tổng số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề: 17.450/20.357 người, đạt tỷ lệ 85,72% so với tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Một là, đào tạo nghề phải xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Hai là, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách về đạo tạo nghề phải đa dạng hoá đến tận người dân ở vùng sâu, vùng xa biết được tầm quan trọng của việc học nghề.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo; đặc biệt là trong việc tổ chức quản lý lớp học, đồng thời có kế hoạch quản lý học viên sau khi học nghề, giải quyết việc làm, mở rộng hình thức cho vay đối với người lao động tham gia học nghề để tạo điều kiện phát triển nghề đã học. Kịp thời có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bốn là, các địa phương trong tỉnh phải làm tốt hơn nữa công tác điều tra, khảo sát nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng để xây dựng kế hoạch thực hiện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Hoàng

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất