Thứ Tư, 20/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 26/7/2013 22:51'(GMT+7)

"Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”

PGS, TS Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp.

PGS, TS Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp.

Sáng 26/7, Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN cấp Nhà nước "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã họp phiên thứ nhất tại hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ. Tham dự Hội nghị có Giám đốc Đại học Quốc gia PGS, TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Nguyễn Quân, Ban chủ nhiệm chương trình, đại diện ban chỉ đạo Tây Bắc cùng các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên... và Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên từ năm 2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và sau đó quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc đặc trách việc giúp Trung ương chỉ đạo phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn này. Do tính chất liên hoàn của vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc điểm cư dân, các địa phương thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban là một vùng rộng lớn, bao gồm 12 tỉnh miền núi phía bắc (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ) và các huyện phía Tây thuộc hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An.

Từ lâu vùng Tây Bắc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Nhiều chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phát triển đã được triển khai, những nguồn kinh phí đầu tư lớn đã được huy động và trong thời gian qua, nhất là từ khi Ban Chỉ đạo Tây Bắc được thành lập, vùng đất này đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tất cả mọi tiềm năng của Tây Bắc, rất cần một chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính hệ thống, liên ngành, có tầm cỡ tương xứng với vị thế trọng yếu của vùng đất này nhằm góp phần nhận diện sâu sắc tiềm năng, thách thức và trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp, xây dựng các mô hình thử nghiệm phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Tây Bắc. Đáp ứng nhu cầu khoa học và thực tiễn đó, nhiệm vụ này được đưa vào kế hoạch KH-CN giai đoạn 2011-2015 và đã được Thủ tường Chính phủ phê duyệt. Tại công văn số 1442/VPCP ngày 21 tháng 2 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức được giao nhiệm vụ làm Cơ quan Chủ trì, tổ chức triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc…

Cũng tại phiên họp, GS, TSKH Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Là một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đỉnh cao, trong nhiều năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng ở tầm quốc gia và quốc tế, và  ĐHQGHN đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xây dựng và triển khai Chương trình. Lãnh đạo và các chuyên gia của ĐHQGHN đã có nhiều cuộc làm việc với các các tỉnh Tây Bắc để nắm được nhu cầu của các địa phương và tổ chức nhiều cuộc hội thảo tư vấn với các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà đầu tư. Sau Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển” được tổ chức vào tháng 4/2011, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐHQGHN đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Hội nghị phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc ngày 12/7/2012 và Hội thảo kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển bền vững vùng Tây Bắc ngày 3/04/2013.

Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nhân tố con người trong phát triển bền vững, cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho việc xây dựng Chương trình, ĐHQGHN còn tổ chức triển khai thành công đề án “Xây dựng và triển khai thí điểm các chương trình đào tạo ngắn hạn đáp ứng nhu cầu xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc”. Cán bộ thuộc 5 tỉnh (Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang) đã được thụ hưởng kết quả của Dự án này. Kết thúc các chương trình đào tạo, có 395 học viên được cấp chứng chỉ, trong số đó 48% thuộc các dân tộc thiểu số. Đến nay việc chuẩn bị triển khai Chương trình đã được hoàn tất. Tất cả các nhiệm vụ đều tập trung thực hiện 4 mục tiêu:
 
1. Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
2. Đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Bắc.
3.  Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
4. Xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Để lãnh đạo việc triển khai Chương trình, ngày 01/7/2013 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ra Quyết định 1847/QĐ-BKHCN thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình với 11 thành viên do PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Giám đốc ĐHQGHN làm chủ nhiệm.

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Chương trình PGS.TS Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  Nguyễn Quân nhất trí khẳng định: Với tiềm năng sẵn có và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và các đơn vị khoa học hàng đầu của đất nước như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, với cộng đồng các doanh nghiệp và các địa phương trong và ngoài vùng Tây Bắc…, được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Chương trình Tây Bắc hứa hẹn sẽ đem lại những kết quả xứng đáng với sự mong đợi của đất nước nói chung và đồng bào vùng Tây Bắc nói riêng, góp phần thực hiện thành công xóa đói giảm nghèo, đưa Tây Bắc phát triển bền vững../

Phạm Hồng
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất