Thứ Bảy, 28/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 9/1/2010 10:35'(GMT+7)

Khoa học và Công nghệ trở thành động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội

Ba chặng đường phát triển của ngành KH và CN

Từ năm 1959 đến năm 1975, miền bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho miền nam. Ðồng thời miền bắc cũng phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của đế quốc Mỹ. Ðây là chặng đường đầu của ngành KH và CN. Ngay từ khi mới thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học Nhà nước đã đề nghị Hội đồng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến của quần chúng và Ðiều lệ về khen thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất (năm 1965). Nỗ lực này đã góp phần làm cho phong trào sáng kiến phát triển khá nhanh với các phong trào thao diễn kỹ thuật, ba điểm cao trong công nghiệp, giải phóng đôi vai, làm bèo hoa dâu... Ðến nay, phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến của người dân vẫn tiếp tục phát triển. Tại chợ công nghệ và thiết bị hằng năm vẫn có vị trí xứng đáng để nhà nông, người dân bày bán, giới thiệu các thiết bị máy móc do chính mình cải tiến, sáng tạo. Ðóng góp có ý nghĩa nhất của Ủy ban trong công tác tham mưu thời kỳ này là việc trình lên Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ thông qua đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và kỹ thuật khi miền bắc vừa bước vào thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Chặng đường thứ hai của ngành KH và CN là từ năm 1976 đến năm 1992. Sau đại thắng mùa xuân 1975, cả nước độc lập, thống nhất và thực hiện nhiệm vụ chiến lược tiến hành cách mạng XHCN với ba cuộc cách mạng trong đó cách mạng khoa học và kỹ thuật là then chốt. Công tác tham mưu thời kỳ này nổi bật với việc tham gia đóng góp cho Nghị quyết 37 (1981) của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật thống nhất trong cả nước; Nghị quyết Ðại hội VI (1986) về quyết tâm đổi mới theo con đường công nghiệp hóa XHCN với tinh thần cách mạng và khoa học... Các Nghị quyết quan trọng này của Ðảng đã phát huy tác dụng chỉ đạo, dẫn đường, thúc đẩy hoạt động KH và CN trong cả nước phục vụ có hiệu quả hơn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chặng đường thứ ba của ngành KH và CN là từ năm 1993 đến nay. Khi chưa có Luật KH và CN các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành hơn 400 văn bản. Song hầu hết các văn bản này có nội dung tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, thiếu tính hệ thống. Luật KH và CN được ban hành năm 2000 đã thể hiện được chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước coi phát triển KH và CN là quốc sách hàng đầu, KH và CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện tinh thần đổi mới trong tổ chức và quản lý các hoạt động KH và CN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế, quốc tế. Luật KH và CN là đạo luật cơ bản của ngành KH và CN. Sự ra đời lần lượt của Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Năng lượng nguyên tử (2008), Luật Công nghệ cao (2008)... đã ghi dấu một thành tựu to lớn và rất đỗi tự hào của đội ngũ các nhà lập pháp và hoạch định chính sách KH và CN. Trong giai đoạn này hoạt động KH và CN đã góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Kết quả hoạt động KH và CN nổi bật

Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Ðại hội lần thứ VI của Ðảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, ngành KH và CN đã có nhiều thay đổi để hòa nhập với sự đổi mới chung về kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến năm 2006 cả nước có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học và cao đẳng; 20 nghìn thạc sĩ; 16 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 8.200 phó giáo sư và giáo sư. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm tổng kinh phí đầu tư cho KH và CN chiếm 2% chi ngân sách. Ðầu tư cho KH và CN ngày càng đa dạng về nguồn, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn có sự tham gia của các bộ, ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Khoa học xã hội và nhân văn ( KHXH và NV) có những đóng góp quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; làm rõ chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Ðóng góp quan trọng nhất của KHXH và NV trong giai đoạn vừa qua là cung cấp luận cứ khoa học để lựa chọn mô hình và bước đi của quá trình CNH, HÐH đất nước. Các kết quả nghiên cứu về con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HÐH được nhiều ngành, địa phương vận dụng trong xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động tạo việc làm và chính sách cán bộ. Kết quả nghiên cứu KHXH và NV giúp các cấp có thẩm quyền luận giải nhiều vấn đề có tính lý luận trong điều kiện mới như: Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; phát triển kinh tế trang trại; sở hữu ruộng đất trong cơ chế thị trường; các giải pháp khắc phục phân hóa xã hội; chính sách dân tộc, tôn giáo; bảo vệ an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền của nước ta.

Ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh nhất ở các ngành dầu khí, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, hàng không,... mang lại lợi nhuận, giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng cao. Bốn lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên (thông tin, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa) đã được đưa vào nghiên cứu trong hệ thống các chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước và các chương trình kỹ thuật - kinh tế, kết quả ứng dụng mang lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trong các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Ðến nay, cả nước đã có hai khu công nghệ cao quốc gia (Hòa Lạc và TP Hồ Chí Minh), tám công viên phần mềm, 12 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 17 phòng thí nghiệm trọng điểm và khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có các hoạt động liên quan đến công nghệ cao. Một trong những giải pháp đổi mới mạnh dạn và mang tính đột phá trong những năm gần đây trong việc cải tổ hệ thống các tổ chức KH và CN Việt Nam là việc triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH và CN, đánh dấu bằng sự ra đời của hai văn bản quan trọng: Nghị định 115/2005/NÐ-CP và Nghị định 80/2007/NÐ-CP. Giải pháp này cho phép giải phóng tối đa năng lực nghiên cứu, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH và CN, xóa bỏ tư tưởng bao cấp của các nhà KH và CN.

Thị trường công nghệ ở nước ta đã có nhiều khởi sắc, với tốc độ, số lượng và giá trị các giao dịch công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ ngày càng gia tăng. Từ năm 2003 đến nay, thông qua các chợ công nghệ và thiết bị, đã có 17 nghìn sản phẩm công nghệ và thiết bị được chào bán, hơn 4.600 bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ được ký kết với tổng giá trị hơn 5.250 tỷ đồng. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH và CN đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước. Mạng lưới đại diện KH và CN ở nước ngoài cũng không ngừng được mở rộng, trở thành một hướng quan trọng giúp tìm kiếm, khai thác, thu thập thông tin, bí quyết công nghệ của các nước trên thế giới phục vụ cho nhu cầu phát triển KH và CN của đất nước; một trong những đầu mối tập hợp và phát huy khả năng sáng tạo của trí thức Việt kiều.

Trong vòng mười năm trở lại đây, các nhà khoa học đã chọn tạo và tuyển chọn gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống được phát triển trên diện rộng trong sản xuất. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế: Tiến bộ KH và CN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp lên tới 30%. Từ năm 1995 trở lại đây năng suất lúa tăng từ gần 30 tạ/ha tăng lên gần 50 tạ/ha, đưa Việt Nam trở thành nước có năng suất lúa cao gấp 1,5 lần Thái-lan và đứng đầu Ðông - Nam Á. Nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu, trình độ y học của nước ta đã từng bước nâng lên ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nước ta đã chủ động sản xuất được 9/10 loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, nhờ đó nhiều loại bệnh tật đã được phòng ngừa và từng bước được thanh toán như bệnh bại liệt, viêm não, v.v. Nhiều bệnh tật mới phát sinh, nguy hiểm như SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) đã được chẩn đoán kịp thời và điều trị có hiệu quả.

Ngày 19-4-2008, vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, hiện thực hóa giấc mơ làm chủ vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam, khẳng định chủ quyền quốc gia trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước nói chung và của ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH và CN tiên tiến, ngày nay, các chuyên gia Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ, thiết kế và chỉ đạo thi công các công trình cầu theo phương pháp đúc hẫng, cầu dây văng, đường cao tốc, nhà ga, bến cảng, nhà cao tầng có quy mô và trình độ công nghệ ngang tầm với các nước trong khu vực và đã ứng dụng thành công ở các công trình quy mô lớn như cầu Thanh Trì, Bính, Hạ Long,... bằng các công nghệ nêu trên. Với khoảng hơn một trăm tỷ đồng kinh phí đầu tư trực tiếp từ Bộ KH và CN, các đề tài, dự án KH và CN đã giúp ngành đóng tàu nắm vững các công nghệ tự động hóa trong thiết kế, công nghệ gia công, chế tạo và lắp ráp các phân tổng đoạn, các công nghệ hàn và lắp ráp tàu tiên tiến, tạo ra được nhiều sản phẩm và thiết bị hiện đại, tương đương với trình độ quốc tế, có sức cạnh tranh so với sản phẩm và thiết bị nhập ngoại. Từ vị trí đứng sau cả Phi-li-pin về đóng tàu, đến nay chúng ta đã đạt được vị trí thứ năm trên thế giới.

Tuy đạt được một số kết quả nêu trên, KH và CN nước ta phát triển chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH. Nước ta còn thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi đầu đàn đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế. Nước ta chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu KH và CN nào được công nhận đạt "đẳng cấp" quốc tế hoặc khu vực. Ðặc điểm nổi bật trong đầu tư cho hoạt động KH và CN là đầu tư của toàn xã hội không cao, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH và CN ở địa phương còn yếu. Các cấp, các ngành chưa thực thi có hiệu quả hoạt động nghiên cứu triển khai để tạo các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế ở cấp quốc gia cũng như ở từng địa phương, chính vì vậy mà tác động trực tiếp của KH và CN với phát triển kinh tế - xã hội bị hạn chế... Các mặt hạn chế nói trên dẫn đến hiệu quả của hoạt động KH và CN của nước ta nhìn chung còn thấp so với thế giới cũng như khu vực.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH và CN từ nay đến năm 2020

Nhiệm vụ của ngành từ nay đến năm 2020, trong lĩnh vực KHXH và NV là chú trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới; dự báo kịp thời tình hình và xu thế phát triển của thế giới, khu vực và trong nước.

Trong lĩnh vực KH và CN, ngành cần nhanh chóng nâng cao năng lực KH và CN quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn quá trình CNH, HÐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các ngành, tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nhiều việc làm mới có năng suất cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm nhanh chóng nâng cao mức sống nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ dựa trên công nghệ cao, dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế sang các ngành dựa nhiều vào công nghệ và tri thức.

Từ nay đến năm 2020, ngành xây dựng một nền KH và CN có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; về cơ bản có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế với chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; trở thành động lực trực tiếp đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một nhiệm vụ mới mẻ và rất nặng nề cho ngành KH và CN trong thời gian tới đó là xây dựng hệ thống và tiêu chuẩn kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành năng lượng nguyên tử và phục vụ quá trình xây dựng và vận hành an toàn tuyệt đối nhà máy điện hạt nhân. Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các chương trình, đề tài để triển khai có hiệu quả kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta.

Từ một giống nấm Penicilline do bác sĩ Ðặng Văn Ngữ mang ở nước ngoài về. Trong điều kiện thiết bị thiếu thốn, thô sơ trong chiến khu, các nhà KH và CN đã nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ sản xuất ra thuốc Penicilline vào tháng 5-1950. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cứu chữa cho nhiều người bệnh nói chung và thương binh nói riêng. Các nhà KH và CN đã làm việc quên mình vì sức khỏe và cuộc sống của nhân dân. Thật đáng trân trọng, trong nửa thế kỷ qua và hiện tại nhiều nhà KH và CN đã và đang tiếp tục lao động quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất