Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư quốc tế, trong năm 2015, hơn 350.000 người di cư
đã liều lĩnh vượt Địa Trung Hải và khoảng 2.700 người đã thiệt mạng khi
đang trên hành trình tìm tới “miền đất hứa”.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, ít nhất 850.000 người sẽ vượt Địa Trung Hải để di cư đến châu Âu trong năm 2015 và 2016.
Trong bối cảnh này, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã lên
tiếng kêu gọi các quốc gia cùng phối hợp chính sách để giải quyết lượng
người nhập cư ngày càng tăng.
Đa số những người mạo hiểm cuộc sống của mình để tới châu Âu đều muốn
chạy trốn đói nghèo, xung đột hay những chính phủ hà khắc ở những nước
như Eritrea, Somalia, Sudan, Nigieria và Mali.
Số lượng người xin tị nạn tại châu Âu tính tới thời điểm hiện nay là
600.000 người. Có thể thấy, tỷ lệ người di cư và người tị nạn so với dân
số châu Âu (khoảng 500 triệu) là khá nhỏ.
Người phát ngôn của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Flavio Di Giacomo nói
rằng "nếu xét về con số, đây không phải là điều đáng báo động," nhưng
"điều đáng lo ngại ở đây là cách những người này buộc phải đến châu Âu,
giao phó số phận của mình cho những kẻ buôn lậu và có nguy cơ bị mất
mạng trên biển."
Theo số liệu mới nhất của IOM, trong năm 2015, hơn 350.000 người di cư
đã liều lĩnh vượt Địa Trung Hải và khoảng 2.700 người đã thiệt mạng khi
đang trên hành trình tìm tới “miền đất hứa.”
Cho đến nay, con đường phổ biến nhất của người di cư là băng qua Địa
Trung Hải - bằng thuyền từ Bắc Phi tới Malta và miền Nam Italy hoặc bằng
đường biển và đường bộ vào Hy Lạp, Bulgaria và Cyprus; và tuyến đường
Tây Balkan (từ Đông Âu hay Tây Á vào Hungary thông qua vùng Balkan).
Trong khi các chính trị gia châu Âu đang đau đầu với những bài toán mà
cuộc khủng hoảng di dân gây ra đối với đất nước họ nói riêng và cả khối
EU nói chung, các nhà kinh tế lại có cái nhìn khác về vấn đề này.
Một điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy châu Âu cần 42 triệu lao động mới vào năm 2020.
Điều đó có nghĩa là người nhập cư có thể không phải là một gánh nặng, mà
là một nguồn lực lớn về lao động trong hoàn cảnh châu Âu sẽ thiếu lao
động.
Theo Bloomberg, vào năm 2050, nếu như không có lực lượng nhập cư, xã hội
Đức phải nuôi 24 triệu người về hưu và chỉ có 41 triệu lao động sản
xuất để nuôi xã hội. Không ngạc nhiên khi Đức tiếp nhận nhiều người nhập
cư và tị nạn nhất châu Âu.
Dân số già đi và tỷ lệ sinh thấp là nguyên nhân khiến châu Âu cần 250
triệu người nhập cư cho tới năm 2060 để đảm bảo sự cân bằng giữa người
lao động và số người ăn lương hưu.
Bên cạnh đó, người nhập cư mỗi năm gửi về quê hương giúp gia đình ở lại
khoảng 550 tỷ USD. Số tiền này nhiều gấp 2,5 lần tiền viện trợ phát
triển dưới mọi hình thức của các nước giàu giúp các nước nghèo. Hệ quả
là nếu thân nhân ở lại có đời sống tốt đẹp thì ít nhất 1 tỷ người không
cần phải tìm đường vượt biên.
Rõ ràng không phải các quốc gia châu Âu không nhìn ra được các lợi điểm
này, mà chính những mâu thuẫn nội tại đã khiến họ có cách ứng xử khác
nhau đối với dòng người nhập cư.
Người đứng đầu UNHCR, Antonio Guterres nhận định cuộc khủng hoảng người
tị nạn là một “thời khắc định hình” cho EU và nếu khối này vẫn tiếp tục
chia rẽ về vấn đề người nhập cư thì sẽ chỉ có lợi cho những kẻ đưa người
trái phép và buôn người xuyên biên giới./.
(TTXVN)