Tại Đại hội của 750 nhà khai thác điện thoại di động, khai mạc ngày 25/2, tại Barcelona của Tây Ban Nha, báo cáo của GSMA cho biết lĩnh vực này hiện đã có 3,2 tỷ thuê bao.
Theo nghiên cứu trên, sẽ có thêm 700 triệu thuê bao di động vào năm 2017 và sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ thuê bao vào năm 2018. Tổng doanh thu của các nhà khai thác di động là 1.000 tỷ USD, hay 1,4% GDP toàn cầu. Phần lớn sự tăng trưởng của điện thoại di động đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, doanh thu của mỗi nhà khai thác tại khu vực này dự báo đạt mức tăng trung bình 4%/năm từ nay cho đến năm 2017, trong tổng mức tăng trưởng của họ là 23% để đạt 430 tỷ USD so với 350 tỷ USD hiện nay.
Tuy vậy, châu lục có bước nhảy vọt lớn nhất là châu Phi, nơi mà doanh thu của các nhà khai thác dự kiến sẽ tăng 25% từ năm 2012 đến 2017, đạt tới 70 tỷ USD. Ở cấp độ toàn cầu, mức tăng trưởng của lĩnh vực này được dự kiến tăng trung bình 2,3%/năm, so với 4%/năm trong giai đoạn 2008-2012. Riêng châu Âu lại có sự suy giảm.
Nghiên cứu cũng cho biết "một trong những lý do là sự suy giảm doanh số bán hàng ở châu Âu," đồng thời cho rằng sự giảm sút này là do quy định giá cao của khu vực và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo thống kê, doanh thu của các nhà khai thác tại châu Âu đã giảm từ mức 248 tỷ USD năm 2008 xuống 216 tỷ USD năm 2012. Thị trường của các nhà khai thác di động ở châu Âu dự kiến sẽ giảm thêm 2%/năm từ nay đến 2017, do sự cạnh tranh và các quy định. Nhưng sự xuất hiện của các mạng di động thế hệ thứ tư (4G) cung cấp tốc độ tải xuống tương tự như Internet băng thông rộng cố định có thể phục hồi khả năng doanh thu của các nhà khai thác. Ví dụ, quy mô giá được áp dụng tại Bắc Mỹ, Bắc Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại châu Âu, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá phản ứng của người tiêu dùng với các dịch vụ mới, nhưng chắc chắn các nhà khai thác 4G được coi như là một dịch vụ cao cấp.
Báo cáo của GSMA cũng nhấn mạnh sự bùng nổ trong việc sử dụng điện thoại di động. Dự kiến lĩnh vực này sẽ tuyển dụng gần 10 triệu người vào năm 2017./.
Hoàng Chiến (TTXVN)