Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 3/11/2021 16:4'(GMT+7)

Khơi dậy khát vọng, tinh thần học tập trong từng gia đình, xã hội

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP VÌ SỰ PHỒN VINH CỦA ĐẤT NƯỚC

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã báo cáo, thời gian qua, Hội Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu do Chính phủ giao trong Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.

Trong đó, số gia đình học tập vượt 2,11%, dòng họ học tập vượt 16,51%, cộng đồng học tập vượt 5,38%, đơn vị học tập vượt 35,73% so với quy định. Qua khảo sát, 92,80% người dân cho biết nhờ học tập họ có thêm nghề mới hoặc việc làm ổn định; 93,70% hộ gia đình phấn khởi vì họ thoát nghèo; 69,20% hộ gia đình đã làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, nhiều gia đình đã liên kết với nhau để tạo nên mô hình sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ mới... 

Hội khuyến học các cấp đã hoàn thành tốt vai trò nòng cốt trong việc phối hợp các lực lượng xã hội thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhân dân. Là tổ chức xã hội có tính đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội đã đi đầu trong việc triển khai xây dựng xã hội học tập thành một hệ thống giáo dục mở, lôi cuốn người dân tham gia học tập thường xuyên ngày càng đông đảo.

GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TA)

GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Trung ương Hội và các Hội Khuyến học địa phương đã xây dựng được mô hình liên kết, phối hợp trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các lớp học, khóa học gắn liền với chuyên môn - nghề nghiệp đã được tổ chức, lôi cuốn hàng chục vạn người lớn tham gia, nhất là các khóa học tổ chức tại các đơn vị sản xuất. 

Để phát triển công tác tổ chức học tập suốt đời cho người lớn, Hội đã chủ trương hợp tác với nhiều trường đại học với mục tiêu là mở rộng các đối tượng tham gia học tập thường xuyên. Hội luôn tăng cường các hoạt động hỗ trợ trẻ em nghèo, giúp đỡ dân trong các vùng có nguy cơ dịch COVID-19 nặng.

5 năm qua, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tích cực huy động các tổ chức, các nhân ủng hộ quỹ, nhờ đó Hội đã có nguồn lực để giúp đỡ học sinh, sinh viên, người lớn có điều kiện tham gia học tập tốt hơn. Qua đó đã động viên được tinh thần học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công xây dựng các mô hình học tập theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Hội luôn vận dụng tư tưởng “Học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài và coi lời dạy của Người “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng” như một triết lý của việc học tập suốt đời.

Bắt đầu từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là đợt thứ 4 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại lớn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, việc học tập của nhiều cấp bậc học phổ thông bị đình trệ. Nhiều người không may thiệt mạng, nhiều trẻ em mồ côi, hàng trăm nghìn người bị tổn hại sức khỏe, giãn cách, mất công ăn việc làm. Trong hoàn cảnh ấy, Trung ương Hội đã chỉ đạo trong toàn hệ thống khuyến học thực hiện những việc chính sau:

Các cấp Hội đông viên, thúc đẩy hội viên và người dân truy cập các thông tin về phòng, chống dịch, phát huy việc học tập thường xuyên để có tri thức và kỹ năng thực hiện hướng dẫn 5K, 5T, các kỹ năng thực hiện vệ sinh toàn thân thể, dinh dưỡng hợp lý trong phòng chống dịch.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ trẻ em nghèo, giúp đỡ dân trong các vùng có nguy cơ dịch bệnh nặng, hỗ trợ các đoàn cán bộ vào vùng dịch công tác... Mọi hoạt động khuyến học như xây dựng quỹ, tuyên truyền về các chủ trương mới trong công tác khuyến học, khuyến tài, chuẩn bị và tiến hành đại hội khuyến học các cấp... cần được tiến hành, không để đứt đoạn và tuân thủ đầy đủ những quy định của Nhà nước trong điều kiện cách ly xã hội.

Tổ chức hội thảo chuyên đề: “Công dân học tập trong điều kiện bình thường mới”. Trung ương Hội Khuyến học đã ra lời kêu gọi các cấp Hội tham gia các cuộc vận động chung tay chống dịch theo chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

NHIỀU Ý KIẾN THAM GÓP CHO CÔNG TÁC KHUYẾN TÀI, KHUYẾN HỌC

Tại hội nghị, các ý kiến của các đại biểu đều nhất trí nhận định: Cần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của công tác khuyến tài, khuyến học; các vị trí lãnh đạo của Hội tại địa phương cần được bố trí chuyên trách; nỗ lực xây dựng không khí, môi trường xã hội học tập trong điều kiện bình thường mới sau dịch bệnh COVID-19 hiện nay; các phong trào như “Công dân học tập” sắp tới sẽ được phát động rộng rãi trong quần chúng nhân dân cả nước và đề ra những tiêu chí cụ thể phù hợp với từng địa phương. 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng các phong trào cần được phát động mạnh mẽ, kêu gọi toàn dân, các cấp chính quyền vào cuộc như lời kêu gọi “Diệt giặt đói”, “giặt dốt” của Bác Hồ năm nào. Sự đầu tư cho phong trào thi đua, việc học còn hạn chế ở từng địa phương; các thiết chế, khuyến khích để thu hút nhân tài phụng sự đất nước còn những hạn chế. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động trong thời điểm COVID-19, nhất là khai giảng năm học mới 2021 vừa qua, rất thiết thực song vẫn còn triển khai chậm; công tác tuyên truyền khuyến học, khuyến tài cần được quan tâm hơn nữa, phổ cập truyền thông tới nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội như: công nhân, đồng bào các dân tộc thiểu sổ, kiều bào...

GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TA)

GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TA)

KHƠI DẬY Ý CHÍ, KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh 25 năm qua, sự ra đời, phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ý chí, khát vọng, trình độ và sự thích ứng của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng được nâng cao.

"Hội đã tổ chức vận động xã hội từng bước hiện thực hoá mục tiêu giáo dục và đào tạo. Cao quý nhất đó là khơi dậy một bước quan trọng khát vọng, tinh thần học tập trong từng gia đình, trong xã hội" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, quan điểm của Đảng ta đã xác định vấn đề con người là trung tâm, là mục tiêu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Do đó, cần quán triệt, cụ thể hoá hơn trong hoạt động thực tiễn của Hội Khuyến học về quan điểm, chủ trương quan trọng này. Mục tiêu thời gian tới, Hội Khuyến học tiếp tục đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị, với toàn dân để khơi dậy khát vọng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TA)

“Mục tiêu cao nhất là tất cả hành động để hiện thực hoá mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Muốn như vậy thì phải học và phải rèn luyện, phải phấn đấu để xây dựng khát vọng vươn lên”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau: Trước hết, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác khuyến tài, khuyến học, đề ra chương trình trình hành động trong Đại hội VI của Hội sắp tới thiết thực, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.

Hai là, Hội và Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng thống nhất nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Hội, đóng góp cho sự phát triển của Hội thời gian tới; nghiên cứu, hoàn thiện bộ máy của Hội, hoàn thành mục tiêu: khuyến tài, khuyến học, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nhân lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Xây dựng quy chế, quy trình trong “xã hội học tập” nâng tầm để đưa ra những tiêu chí phát động phong trào toàn dân, toàn xã hội.

Ba là, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, những yêu cầu, chính sách, trong nhân dân, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và của cấp ủy, chính quyền địa phương và Kết luận số 49 của Ban Bí thư và tiếp tục nhân rộng mô hình, cách làm hay, điển hình trong xã hội. 

Bốn là, những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong xã hội, những lệch lạc trong giáo dục, đào tạo hiện nay cần được chấn chỉnh, răn đe, xử lý mạnh mẽ trong giáo dục.

Năm là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức Hội tốt hơn nữa, với quan điểm là khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, góp phần cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Qua đó để xây dựng khát vọng phồn vinh hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Năm năm qua, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tích cực huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ; nhờ đó Hội đã có nguồn lực để giúp đỡ cho học sinh, sinh viên, người lớn có điều kiện tham gia học tập tốt hơn, động viên được tinh thần học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công xây dựng các mô hình học tập theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tổng số tiền Quỹ Khuyến học Việt Nam vận động được là 47.809.297.469 đồng, đã chi 26.978.986.627 đồng vào xây phòng học chức năng, xây cầu dân trí, làm hộc bồng, phần thưởng...

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất