Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư quy định khối
lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau
khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Theo Thông tư, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp
là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50
tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và có thời gian
học tập từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo từng ngành, nghề đào tạo. Khối
lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề
đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành từ
55% - 75%.
Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với
trình độ cao đẳng là 60 tín chỉ và có thời gian học tập từ 2 đến 3 năm
học tuỳ theo từng ngành, nghề đào tạo. Khối lượng kiến thức lý thuyết và
kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ:
lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành từ 50% - 70%.
Yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp
Theo Thông tư, đào tạo trình độ trung
cấp yêu cầu người học sau khi tốt nghiệp phải có năng lực thực hiện được
một số công việc có tính phức tạp của ngành hoặc nghề; có khả năng ứng
dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, có khả năng làm việc độc lập
hoặc làm việc theo nhóm.
Cụ thể, về kiến thức, kiến thức thực tế
và lý thuyết tương đối rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo; kiến
thức cơ bản về chính trị, văn hoá, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu
công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn;
kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.
Về kỹ năng, kỹ năng nhận thức, kỹ năng
nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và
áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin; kỹ năng
sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp
hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế;
đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên
trong nhóm; có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của
Việt Nam.
Bên cạnh đó, người học phải có năng lực
tự chủ và trách nhiệm: Làm việc độc lập trong điều kiện làm việc thay
đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm một phần đối với nhóm;
hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc đã định sẵn;
đánh giá hoạt động của nhóm và kết quả thực hiện.
Đào tạo trình độ cao đẳng yêu cầu người
học có năng lực thực hiện được công việc của trình độ trung cấp và giải
quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có
khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc,
hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.
Cụ thể, về kiến thức, kiến thức thực tế
và lý thuyết rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ
bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc
nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn; kiến thức về
công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc; kiến thức thực tế về
quản lý, nguyên tắc và phương pháp lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và
giám sát, đánh giá các quá trình thực hiện trong phạm vi của ngành, nghề
đào tạo.
Người học có kỹ năng nhận thức và tư duy
sáng tạo để xác định, phân tích và đánh giá thông tin trong phạm vi
rộng; kỹ năng thực hành nghề nghiệp giải quyết phần lớn các công việc
phức tạp trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo; kỹ năng truyền đạt hiệu
quả các thông tin, ý tưởng, giải pháp tới người khác tại nơi làm việc;
có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam…
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2017./.
Theo chinhphu.vn