Việc xây dựng các công trình thủy điện một cách ồ ạt đã và đang đặt tài nguyên nước và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối vào tình trạng báo động về cạn kiệt và sự suy thoái khó hồi phục. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra trên diện rộng việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với các dự án, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại 15 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Thủy văn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu (Viện Quản lý nước quốc tế-IWMI): Hiện nay hệ thống sông ngòi của Việt Nam phải gánh chịu trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ, dự kiến trong quy hoạch những năm tới sẽ có thêm 1.021 công trình thủy điện nữa được xây dựng. Các công trình thủy điện phần lớn có hồ chứa diện tích từ vài chục đến hàng trăm ha mặt nước, với dung tích từ vài triệu đến 10 tỷ m3. Đồng thời đa số các công trình này chủ yếu sản xuất điện năng, rất ít tham gia vào phòng chống lũ hoặc hạn hán, nên dẫn đến tình trạng các vùng vùng hạ lưu thường bị thiếu nước trong mùa khô và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa hàng năm, nhất là khi các công trình thủy điện xả lũ.
Qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học chuyên ngành, tại những con sông xây dựng các công trình thủy điện, nguồn lợi thủy sản, khối lượng và chất lượng nước giảm rất lớn so với trước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trên lưu vực sông, chưa kể bệnh tật cũng xuất hiện nhiều hơn và người dân gặp khó khăn trong canh tác nông nghiệp do lúc không cần lại quá thừa nước, khi cần thì thiếu nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là khi xây dựng các công trình thủy điện hay khai thác tài nguyên nước của các dòng sông cho mục đích khác nhau, cần phải tính toán chặt chẽ đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế và 2 lợi ích này phải được cân bằng-Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 500 cuộc thanh tra, kiểm tra ở 2.500 tổ chức, doanh nghiệp; lĩnh vực vi phạm những quy định Luật Môi trường đã phạt hành chính 5 tỷ đồng, kiến nghị truy thu phí bảo vệ môi trường 2,35 tỷ đồng; xử phạt về sai phạm trong khai thác và thăm dò khoáng sản 3,67 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước nếu như trước đây chỉ dừng lại ở mức độ phạt nhẹ hoặc cảnh cáo, nay đã tiến hành xử phạt lên tới 290 triệu đồng. Điển hình như thanh tra một số dự án thủy điện tại tỉnh miền núi Điện Biên. Qua kiểm tra 10 dự án thủy điện tại đây, đã phát hiện Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh về thu hồi đất, dẫn đến nhiều diện tích đất phục vụ các công trình thủy điện đã hết thời hạn cho thuê hoặc bỏ trống không sử dụng.
Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải nguy hại mặc dù được triển khai, nhưng chủ đầu tư không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và quản lý theo quy định. Các dự án thủy điện Thác Trắng, Thác Bay và Nậm He chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước; dự án thủy điện Nậm Mức và Nậm He cũng chưa có phương án cụ thể dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành thủy điện.../.
Văn Hào - TTXVN