Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 12/11/2015 16:41'(GMT+7)

Khơi nguồn sức dân phù hợp

Nhận thức sâu sắc điều đó, sau gần 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hầu hết các địa phương vừa tranh thủ khai thác nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn lực tại chỗ, vừa chú trọng huy động công sức, của cải của nhân dân để xây dựng, từng bước hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Đến nay, nước ta có hơn 13% số xã đạt chuẩn NTM và 10 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Về những xã, huyện NTM, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; chứng kiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều cải thiện rõ rệt và diện mạo làng quê đang khởi sắc.

Không chỉ có đức tính cần cù, chăm chỉ, người nông dân Việt Nam cũng biết đề cao trách nhiệm cộng đồng trong tham gia việc nước, việc dân. Bởi vậy, khi cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức người, sức của phù hợp để trực tiếp phục vụ công cuộc xây dựng NTM, đại đa số bà con ta hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình, hiệu quả. Vì ai cũng hiểu rằng: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Mỗi người, mỗi nhà tự giác góp chút của, chút công để cải tạo, nâng cấp đường liên thôn, bê tông hóa kênh, mương nội đồng, xây dựng trường học, nhà văn hóa, làm sạch vệ sinh môi trường… là thiết thực làm cho diện mạo nông thôn đổi thay, từ đó bản thân, gia đình mình cũng có cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.  

Trong khi phần lớn các địa phương đã biết huy động sức dân một cách phù hợp thì vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở có biểu hiện nóng vội, chạy theo thành tích, muốn sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nên đã lạm dụng sức dân, huy động đóng góp của dân quá mức, nhất là đối với những hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Cá biệt có nơi yêu cầu nhân dân nộp các khoản để xây dựng NTM nhưng thiếu bàn bạc dân chủ, không lấy ý kiến của đông đảo người dân và thực hiện thu-chi thiếu minh bạch, công khai, khiến bà con tâm tư, thậm chí bất bình. Những biểu hiện này nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời thì lại chính là “lực cản” trong xây dựng NTM.

Một trong những mục tiêu cao cả của chương trình xây dựng NTM là mang lại lợi ích, hạnh phúc cho người nông dân. Do vậy, từ tư duy đến hành động, từ suy nghĩ đến việc làm và trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể-nhất là cấp cơ sở xã, thôn-phải xoay quanh “cái trục” căn bản, hướng tới mục tiêu nhân văn đó. Đặc biệt, khi kêu gọi, vận động sự đóng góp của nhân dân, ngoài lấy ý kiến dân chủ rộng rãi để tạo sự đồng thuận của bà con, cần phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế hiện tại của người dân để có sự huy động đúng lúc, đúng mức, đúng đối tượng, hạn chế tình trạng phân bổ sự đóng góp theo kiểu cào bằng, “bình quân chủ nghĩa”.

Khi nói đến sức dân, chúng ta vẫn không quên nhắc nhở nhau: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhưng cũng nên nhớ rằng, để “dân liệu” được mọi việc "xuôi chèo mát mái" thì đòi hỏi những người có trách nhiệm cũng phải hiểu lòng dân, thương yêu dân, có trách nhiệm với dân, tạo điều kiện cho người dân vừa chủ động tham gia thực hiện chính sách, vừa là người trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ chính sách đó.

Anh Thảo/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất