Tuần qua, trong không khí tưng bừng của cả
nước chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam với sự
trưởng thành, phát triển vượt bậc của nền báo chí nước nhà, đây đó trên
internet và đài, báo hải ngoại vẫn xuất hiện những bài viết lạc lõng, cố
tình bóp méo sự thật. Một trong những luận điệu mới họ đưa ra là phủ
nhận những tiến bộ của quá trình chuẩn bị dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
và đề án quy hoạch báo chí hiện nay. Họ cho rằng, ở Việt Nam không có tự
do báo chí thực sự do “Hiến pháp mở nhưng luật lại “đóng”...
Pháp điển hóa nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí
Từ sự bóp méo đó, họ đòi hỏi việc sửa đổi Luật Báo chí và quy hoạch lại hệ thống báo chí phải cho phép tồn tại báo chí tư nhân thì mới có tự do báo chí thực sự. Những lập luận trên là hoàn toàn sai trái, bóp méo sự thật. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sửa đổi) năm 2013 đã nêu rõ tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Xét cho cùng, việc sửa đổi Luật Báo chí và quy hoạch lại hệ thống báo chí hiện nay cũng là nhằm triển khai, hiện thực hóa quyền tự do báo chí của công dân theo Hiến pháp đã quy định. Nghiên cứu kỹ Điều 25 của Hiến pháp có thể thấy rõ, Hiến pháp hiến định công dân có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin và thực hiện các quyền này do pháp luật (bao gồm cả các đạo luật và văn bản dưới luật) quy định.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Qua tổng kết 15 năm thi hành và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới, đồng thời thể chế hóa các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra trong xây dựng Luật Báo chí lần này là phải triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định mới hết sức quan trọng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình... Vì vậy, Luật Báo chí mới phải bảo đảm những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.
Nhìn lại lịch sử lập pháp ở nước ta, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam qua các thời kỳ và Luật Báo chí của nước ta đều có quy định quyền tự do ngôn luận trên nguyên lý nền tảng, bảo đảm giá trị phổ quát của quyền con người: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”; “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động”… “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Có thể nói, những nội dung nói trên đã bao hàm khá đầy đủ, toàn diện nội hàm cơ bản về quyền tự do báo chí của công dân.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trên cơ sở tiếp thu những điểm mới của Hiến pháp, đã quy định rõ ràng hơn về quyền tự do báo chí của công dân bằng việc dành hẳn một chương quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Hiến pháp và xác định Điều 12 quy định về quyền tự do báo chí; Điều 13 quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, về quyền tự do báo chí quy định: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng. Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định: Công dân được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; được tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; được phát biểu ý kiến trên báo chí về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo theo quy định của pháp luật.
Cùng với các quy định trên, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) hiện có tới 35 điểm mới. Những quy định trên, theo nhiều chuyên gia pháp luật và báo chí, đã thể hiện được sự tiến bộ của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), pháp điển hóa nhiều nội dung về quyền tự do báo chí được hiến định trong Hiến pháp. Những quan điểm cho rằng “Hiến pháp mở, luật đóng” rõ ràng là hồ đồ, phiến diện, không có căn cứ.
Không có báo chí tư nhân
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng như dự thảo đề án quy hoạch báo chí đều xác định: Ở Việt Nam, không có báo chí tư nhân song điểm mới là cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết. Điều này hoàn toàn không trái ngược với những giá trị phổ quát của nhân loại về quyền tự do báo chí. Theo nghiên cứu của TS Trương Minh Tuấn, tư tưởng của nhà triết học người Anh John Stuart Mill - một trong những người đầu tiên đề cập tới tự do báo chí có nhiều nét tương đồng với quan điểm của Các Mác. Theo quan điểm của Mác - Ăng-ghen, ở đâu có báo chí, ở đấy có tự do báo chí và bản chất của báo chí tự do, đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức tự do. Các Mác cho rằng, thiên chức của báo chí tự do là phải có con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói gắn liền với các cá nhân, với nhà nước, với toàn thế giới... Báo chí tự do phải có luật báo chí bảo đảm.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại Điều 5 quy định rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Đồng thời, tại Điều 16 cũng quy định rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí gồm: “Cơ quan của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức). Các tổ chức khác của Nhà nước do Chính phủ quy định”. Như vậy, so với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật đã quy định rõ hơn về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí và theo quy định của dự thảo luật, cá nhân, tư nhân không được thành lập cơ quan báo chí. Đây là một quy định rõ ràng, minh bạch.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XI khi cho ý kiến về đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2025, Trung ương một lần nữa khẳng định: Không để tư nhân sở hữu báo chí, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Những nội dung này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận nhân dân. Tinh thần bản dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng xác định: Không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí; kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng… Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương hoan nghênh chủ trương trên và cho rằng, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí lúc này là rất cần thiết để báo chí phát triển.
Thực tế cho thấy, với việc sửa đổi Luật Báo chí và quy hoạch lại hệ thống báo chí, Đảng, Nhà nước ta đã và đang có nhiều đổi mới, nỗ lực đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của báo chí, giúp báo chí thực sự là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là diễn đàn của nhân dân; góp phần đưa những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí ngày càng đi vào cuộc sống.
Nguồn: QĐND