Trần Ngọc Thành sinh ở Nghệ An, khi lớn lên đã được Nhà nước ưu tiên cấp học bổng du học tại Ba Lan. Sau khi tốt nghiệp, Thành về nước làm việc ở Cảng Nghệ Tĩnh với triển vọng sáng sủa. Tuy nhiên, Thành lại sử dụng mọi thủ đoạn, kể cả phản trắc với ân nhân, để nhanh thăng tiến. Âm mưu bị phơi bày, biết có ở lại cũng khó có thể phát triển được, Thành tìm cách trở lại Ba Lan, bắt đầu chống phá quê hương, đất nước. Ở Ba Lan, lợi dụng bối cảnh nước này đang trải qua giai đoạn chuyển giao, Trần Ngọc Thành liên tục dựng lên các tổ chức "dân sự" và báo tiếng Việt (như: "hiệp hội Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan", "ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam", "đàn chim Việt",...) hòng nhặt nhạnh đô-la và lừa gạt người lao động nhằm trục lợi cho cá nhân, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Thành còn lập cả đường dây đưa người bất hợp pháp từ Việt Nam và Ba Lan sang Nam Tư (cũ), đẩy các nạn nhân vào tình trạng cư trú bất hợp pháp, bị thất nghiệp, bị tước các quyền cơ bản của con người.
Ðường dây này đã sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như nước sở tại. Chúng tổ chức các lớp dưới danh nghĩa "phổ biến pháp luật, dạy đình công"... tại nước có nhiều người Việt Nam lao động như Nga, Malaysia (Ma-lai-xi-a),... nhưng ngấm ngầm khuyến khích số lao động này tìm cách phá hợp đồng với công ty chủ, đẩy nhiều lao động nhập cư vào cảnh bơ vơ, để rồi hắn lại xuất hiện như một ân nhân cứu giúp. Nhưng cái kim trong bọc không thể giấu mãi, bản chất xảo quyệt đó đã bị lật tẩy. Anh T.T.V (Hương Sơn, Hà Tĩnh), công nhân từng bị Thành dụ dỗ cho biết: "Khi lao động ở Malaysia, một người đàn ông tên Thành tới khu trọ thuyết giảng cho tôi về đình công, biểu tình để đòi quyền lợi; đồng thời hứa hẹn nếu bỏ việc tại đây và nộp 7.000 USD thì sẽ được thu xếp sang châu Âu làm việc". Tin lời Thành, một số công nhân đã dàn xếp đánh nhau, đập phá công xưởng để bị đuổi việc. Thành đưa họ nhập cảnh vào châu Âu với visa du lịch. Nhưng khi vừa đặt chân lên "miền đất hứa" thì họ đã hoặc kết thúc ước mơ trong tù, bị trục xuất, phải sống chui lủi, gia nhập các băng nhóm móc túi, trộm cắp... và rồi những người lao động bị Thành dụ dỗ, lôi kéo lần lượt đứng ra tố cáo hoạt động phi pháp trái với luân thường, đạo lý của y. Sau một thời gian theo dõi, chính quyền một số nước đã phát hiện các dấu hiệu mờ ám, bất thường trong hoạt động của Thành và đồng bọn. Ngày 4-9-2010, Trần Ngọc Thành bị cảnh sát Malaysia trục xuất trở lại Ba Lan ngay tại sân bay.
Những năm 2003 và 2004, các nước Ðông Âu siết chặt luật nhập cư làm cho việc đưa người bất hợp pháp từ Việt Nam và Ba Lan sang Nam Tư (cũ) gặp nhiều khó khăn, Thành vội vàng lập cái gọi là "ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" - UBBV (Committee to Protect Vietnamese Workers). Dưới chiêu bài bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam ở nước ngoài, thực chất tổ chức này chỉ lừa đảo, lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia các hoạt động phạm pháp, vi phạm luật pháp Việt Nam và nước sở tại. Tự nhận vai trò bảo vệ người lao động đấu tranh vì quyền lợi của họ, nhưng UBBV lại là công cụ phục vụ tham vọng làm ăn kinh tế và âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam của Trần Ngọc Thành. UBBV bị các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tẩy chay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài xa lánh, chính quyền các nước đưa vào diện cần chú ý theo dõi, cùng với bất đồng nội bộ,... nên UBBV sớm đi vào lãng quên trước sự bất lực của Trần Ngọc Thành. Nhận thấy hoạt động núp bóng UBBV không còn hiệu quả, chúng liền hợp nhất với "công đoàn độc lập Việt Nam", "hiệp hội đoàn kết công nông Việt Nam", "phong trào lao động Việt" để thành lập cái gọi "liên đoàn lao động Việt tự do" (LÐV) thực chất là danh xưng khác của UBBV, còn bản chất, âm mưu lâu dài không thay đổi; vẫn là các luận điệu tuyên truyền nấp bóng "nhân đạo, từ thiện" để chống phá Việt Nam, vẫn là chiêu bài kêu gọi sự can thiệp của các nước, các tổ chức phi chính phủ vào các vấn đề lao động, công đoàn ở Việt Nam, vẫn là những thủ đoạn tinh vi lừa gạt người lao động. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động Việt Nam ở nước ngoài, một số tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ do thiếu thông tin, chưa nắm rõ tình hình lao động Việt Nam cũng như chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam cho nên đã bị LÐV lợi dụng, từ đó dung túng, tiếp tay cho hoạt động của chúng.
Ðầu năm 2015, chúng tôi đến thăm đất nước Ba Lan xinh đẹp. Trên hành trình tới Wolka Kosowska (Vôn-ca Cô-xô-va-xca), thuộc tỉnh Ma-xô-vi-an, cách Vác-sa-va khoảng 30 km, nơi đông người Việt sinh sống, chúng tôi có cơ hội gặp và trò chuyện với anh Boryslaw (Bô-ri-xla-va), một nhà báo Ba Lan chuyên nghiên cứu, viết bài liên quan đến chính sách công, để hiểu rõ hơn về cộng đồng người Việt tại đây. Anh Boryslaw cho biết, "Cộng đồng người Việt tại Ba Lan hiện có khoảng 20.000 đến 25.000 người, chủ yếu sống bằng kinh doanh, buôn bán, có một số ít là du học sinh, phần lớn họ tuân thủ pháp luật nước sở tại, và được đánh giá là một cộng đồng thành đạt trên đất Ba Lan". Nhưng anh Boryslaw lại thất vọng vì một số người Việt có hành vi vi phạm pháp luật Ba Lan để thu lợi bất chính, điển hình là Trần Ngọc Thành và cái gọi là "liên đoàn lao động Việt tự do" (trước đây gọi là "ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam")... Hành trình của chúng tôi trở nên thú vị bởi câu chuyện của anh Boryslaw về các "trò ma mãnh" của Trần Ngọc Thành cùng tổ chức của y ở Ba Lan. Anh khẳng định người lao động Việt Nam tại Ba Lan luôn được chính quyền Ba Lan bảo vệ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ sinh sống và học tập, vậy mà trên các diễn đàn, tại các hội nghị Thành luôn rêu rao rằng người lao động Việt Nam tại Ba Lan không được bảo vệ, bị bóc lột, bị ngược đãi. Không dừng lại ở lời nói, Thành dùng hộ chiếu Ba Lan đến các nước Ðông Âu để tuyên truyền cho cái gọi là "đảng dân chủ" chứ không phải quyền hay lợi ích người lao động. Lợi dụng danh nghĩa là bảo vệ người lao động, Thành gửi thư ngỏ đến báo giới Ba Lan, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Tổng giám mục Ba Lan để kìm kiếm sự ủng hộ "phong trào đấu tranh dân chủ hóa tại Việt Nam"! Anh Boryslaw khẳng định trong các tài liệu anh nhận được không thấy yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người lao động, chỉ thấy yêu cầu nhằm đáp ứng tham vọng chính trị của y. Anh thắc mắc tại sao một tổ chức lập ra để bảo vệ quyền, lợi ích người lao động nhưng chưa bao giờ thấy hoạt động thiết thực mà chỉ thấy tố cáo, phê phán một số nội dung họ cho là hạn chế, bất cập trong chính sách của Việt Nam? Vì vậy hoạt động của Thành không còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Ðến Wolka Kosowska, chúng tôi tiếp xúc với đời sống của người Việt tại đây. Mặc dù, kinh tế Ba Lan còn gặp khó khăn, ảnh hưởng tới công việc của cộng đồng người Việt nhưng tuyệt nhiên không hề thấy sự ngược đãi, bóc lột lao động Việt như lời Thành, cũng không thấy một người lao động nào ở đây nhắc đến việc Thành bảo vệ cho quyền lợi của họ. Chính vì vậy mà chúng tôi không khỏi lo lắng về hoạt động của Thành với người Việt Nam ở nơi đất khách quê người. Ðáng nhẽ Thành cần có hành động bảo vệ "đồng hương", nhưng Thành lại làm ngược lại. Và việc làm của Thành đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới công việc, cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Với chủ trương mở cửa hội nhập, tăng cường phát triển kinh tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài. Ðây là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ phát triển đất nước. Và Trần Ngọc Thành đã lợi dụng chính sách đúng đắn đó để xây mộng chính trị và trục lợi. Thành và đồng bọn kêu gọi quốc tế quan tâm tới "tình trạng bất công của công nhân Việt Nam", âm mưu học tập mô hình nước ngoài hòng biến hoạt động này thành phong trào thực hiện "cách mạng màu". Xét từ mức độ nào đó, việc Trần Ngọc Thành lập LÐV với các mục tiêu lâu dài và trước mắt phần nào là rõ ràng, cụ thể hơn so với UBBV. Thành cho rằng để có thể được quốc tế công nhận, được chính danh và nguồn tài chính ổn định, thì nhất định phải đưa LÐV tham gia một tổ chức công đoàn quốc tế nào đó, và Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) trở thành mục tiêu của họ. Và họ đã gồng mình lên để tìm cách khuếch trương thanh thế, rồi vận động người có uy tín, vận động các tổ chức thành viên trong ITUC, điên cuồng lôi kéo người tham gia bằng cách dụ dỗ và lừa gạt lao động Việt Nam ở nước ngoài với mong muốn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của ITUC.
Thế nhưng những người này đâu hiểu rằng, ITUC và các công đoàn thành viên ITUC không hề xa lạ với chiêu trò của các tổ chức mạo danh để gia nhập tổ chức công đoàn có uy tín trên thế giới, cũng như họ thừa hiểu "lý lịch" chẳng mấy tốt đẹp của người tự xưng là "chủ tịch" của tổ chức mạo danh này. Với mục tiêu cao cả là đại diện và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho người lao động trên toàn thế giới, ITUC không phải là nơi dung thân cho những tổ chức, cá nhân muốn mạo danh hoạt động công đoàn để đánh bóng tên tuổi, trục lợi kiếm tiền và thực hiện mục đích chính trị đen tối. Vì lẽ đó, sẽ chẳng bao giờ "giấc mơ" của Thành trở thành sự thật. Sẽ không có kịch bản nào tốt đẹp dành cho LÐV và những kẻ bám vào đó để mưu đồ trục lợi trên lưng người lao động.
Theo Nhân Dân