Ngày 22-4, Quốc hội Canada thông qua Ðạo luật S-219 lấy ngày 30-4 hàng năm "là ngày lễ quốc gia để nhớ việc di cư của người dân tị nạn Việt Nam và sự chọn lựa sinh sống và được sống tại Canada sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, chấm dứt chiến tranh Việt Nam"! Biện hộ cho sự lựa chọn, những người soạn thảo, thông qua Ðạo luật S-219 cố tình xuyên tạc lịch sử, vu cáo Việt Nam để tạo nên logic quái gở: vì "Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris 1973" và "Mặt trận Giải phóng miền nam Việt Nam xâm lược miền nam" nên "chính quyền Sài Gòn" sụp đổ, đó là nguyên nhân dẫn đến vấn đề "thuyền nhân Việt Nam"! Chính vì thế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vạch rõ: "S-219 là một đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Canada ủng hộ. Việt Nam kiên quyết phản đối việc Canada thông qua đạo luật này. Ðây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada".
Năm 2013, thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình Quốc hội Canada văn bản gọi là "Ðạo luật tháng tư đen" (Black April Day Act), và sau khi đệ trình, đã sửa thành "Hành trình đến tự do" (Journey To Freedom Day). Giải thích về sửa đổi này, trả lời phỏng vấn RFA ngày 12-12-2014, Ngô Thanh Hải nói: "khi dùng chữ Black April Day dân Canada không rõ ý nghĩa của cái đó là gì. Thành ra Thủ tướng Canada đề nghị là Journey To Freedom Day để dễ hiểu hơn". Qua diễn biến của sự kiện, cần đặt một câu hỏi về sự thiếu lương thiện của vị thượng nghị sĩ khi một mặt thì ông ta la lối: "với những người Canada gốc Việt và đông đảo cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, ngày 30-4 được mô tả như một ngày Việt Nam rơi vào quyền lực của một chế độ cộng sản độc tài, áp bức, không đếm xỉa đến nhân quyền"... Mặt khác, ông ta lại lập luận một cách rất lố bịch rằng: "Quan điểm của tôi là dự luật không đụng gì tới Việt Nam, dự luật không đụng gì tới các quan hệ thương mại"! Chẳng nhẽ theo Ngô Thanh Hải, một văn bản vu cáo, xúc phạm, xuyên tạc sự thật lịch sử Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, có quan hệ chính thức, tốt đẹp, ngày càng mở rộng với Canada, lại không gây ảnh hưởng gì? Phải chăng, vì là thượng nghị sĩ được Thủ tướng Canada chỉ định, không phải do dân bầu, nên ông ta không nhận thấy Ðạo luật S-219 đã xúc phạm một quốc gia khác - một việc làm rất không phù hợp với tiêu chí văn minh trong ứng xử giữa các quốc gia trong một thế giới văn minh?
Về nội dung sai trái, cách thức mà Quốc hội Canada tổ chức điều trần, bỏ phiếu thông qua Ðạo luật S-219, ngày 28-4-2015 trang mạng Hiệp hội Việt Nam - Canada (Canada - Vietnam Association, địa chỉ 1351 Dufferin Street, Toronto, M6H 4C7, Canada) đã công bố bản Thông cáo báo chí của các ông bà Dai Trang Nguyen, Phuoc Dang, Hoang Nguyen, Michael Ly và Duc Phi vạch rõ: Thượng nghị viện Canada thông qua Ðạo luật S-219 trong sự tranh cãi và chia rẽ; không cho các nhân chứng có quan điểm đối lập được bày tỏ ý kiến; đây không phải là đạo luật về người tị nạn hay tự do, mà là sự cụ thể hóa "nỗ lực độc ác của một thượng nghị sĩ để che giấu quá khứ lịch sử cá nhân mình như là một thành viên của chế độ Sài Gòn - vốn không còn tồn tại trong 40 năm qua - thành luật; đảo ngược tình hữu nghị đã có nhiều thập kỷ giữa Canada và Việt Nam, đe dọa lợi ích quốc gia của chúng tôi về thương mại - bao gồm đàm phán về Ðối tác xuyên Thái Bình Dương, các dự án quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ, trao đổi giáo dục"; việc thông qua Ðạo luật S-219 một cách nhanh chóng đã vi phạm nền dân chủ Canada, thiếu hiểu biết về lịch sử của Việt Nam; "tiêu đề "Hành trình đến tự do" chỉ đúng với một nhóm nhỏ người Canada gốc Việt đã phục vụ quân đội Mỹ vì các mục tiêu chiến tranh ở Việt Nam. Họ chạy khỏi Việt Nam vào ngày 30-4-1975 vì sợ bị trả thù do các hành vi họ thực hiện trong chiến tranh - nhưng trả thù đã không bao giờ xảy ra"; "Một số thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ và thành viên Quốc hội bóp méo lịch sử Việt Nam bằng cách nói rằng ngày 30-4-1975 Bắc Việt Nam xâm lược chiếm miền nam Việt Nam. Nhưng ngược lại, ở Việt Nam chưa bao giờ có hai quốc gia. Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp năm 1945, sau đó một lần nữa vào năm 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết tạm thời chia đất nước thành hai phần để thống nhất trong một cuộc bầu cử được tổ chức năm 1956. Tổng thống Mỹ D.Eisenhower từng thừa nhận Mỹ thấy cần phải phá hoại thỏa thuận vì lo sợ Hồ Chí Minh sẽ giành chiến thắng trong bầu cử (Eisenhower năm 1963, Mandate for Change, p. 372). Vì vậy, bằng gian lận và bất hợp pháp, năm 1955 ở miền nam, Mỹ đã sắp xếp cho sự ra đời của VNCH (Việt Nam Cộng hòa - người viết). Và sự ra đời của VNCH là vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ... Sẽ là phi lý nếu cho rằng Việt Nam đã xâm chiếm đất nước của chính họ để bảo vệ đất nước đó chống lại đội quân xâm lược từ bên ngoài"; "VNCH nhanh chóng tan rã vì chế độ đó không được sự ủng hộ của người dân"...
Trong chính giới Canada, đã có nhiều người lên tiếng phản đối việc thông qua Ðạo luật S-219, như Thượng nghị sĩ J. Cowan - Chủ tịch đảng Tự do, đã nói rõ: "Chính phủ chỉ cho phép nhân chứng ủng hộ dự luật đó ra điều trần trước ủy ban. Nhiều cá nhân, kể cả Ðại sứ của nước CHXHCN Việt Nam, đã yêu cầu có cơ hội điều trần và Chính phủ không cho họ cơ hội". Trong một cuộc phỏng vấn, ông bày tỏ: "Chúng ta đang cố gắng để cải thiện quan hệ với Việt Nam. Chúng ta đã ký một bản ghi nhớ để tăng cường thương mại và kết nối văn hóa. Tại sao người ta lại muốn khuấy động chia rẽ? Tôi không hiểu". Còn bà R. Sitsabaiesan (thuộc Ðảng dân chủ mới) trình bày cụ thể hơn: "Dự luật được giới thiệu trong Thượng viện, nơi đã thiếu dân chủ rồi, nơi không có người nào được dân bầu ra và không có trách nhiệm trước nhân dân. Dự luật đến từ một nơi không có trách nhiệm về công việc được thực hiện, và cụ thể là, một quy trình rất phiến diện... nhiều người yêu cầu được ra trước ủy ban để làm nhân chứng, để đưa lời chứng thực, nhưng đều bị từ chối. Ngài Ðại sứ Việt Nam bị từ chối. Bất kỳ ai muốn lên tiếng phản đối, không ủng hộ Dự luật đều không được trình bày tại ủy ban của Thượng viện, và đây là một quy trình hết sức phiến diện, không công bằng, thiếu dân chủ... Với những gì tôi được biết thì có rất nhiều tiếng nói như vậy, vì văn phòng của tôi nhận được rất nhiều email và các cuộc điện thoại. Tôi đã gặp các thành viên cộng đồng người Việt tại Toronto không ủng hộ Dự luật, họ thấy bị xúc phạm vì tiếng nói của họ không được lắng nghe. Dự luật bày tỏ lòng tri ân, nhưng lại được gọi là Dự luật ngày hành trình đến tự do. Thử hỏi, đó là hành trình đến tự do nào mà Dự luật muốn đề cập?".
Ðáng chú ý là ngày 3-4-2015, trong bài báo có nhan đề Có phải dự luật về người Việt tị nạn mang tính chia rẽ chỉ là vì vấn đề bầu cử? (Is the decisive bill on Vietnamese refugees all about the election?) đăng trên ipolitics.ca, nhà báo A.Musabende viết: "Một số nhà quan sát cho rằng cộng đồng người Việt bị đảng Bảo thủ cấp liên bang lợi dụng để lấy phiếu trong năm bầu cử... Nguyễn Julie Trang, đứng đầu Hội đồng hương Việt Nam tại Canada - một nhóm phản đối dự luật, ủng hộ việc giữ các mối quan hệ với Việt Nam, cho rằng những người như bà không được tính đến. Bà Nguyễn và các đại diện khác của Hội trình bày một cuộc họp báo là họ thấy bị xúc phạm vì dự luật biện hộ việc lấy 30-4 làm ngày kỷ niệm, mặc dù biết rất rõ ở Việt Nam đó là ngày Giải phóng... bà Nguyễn thất vọng về cách thượng nghị sĩ Ngô và đảng của ông thực hiện vấn đề. "Việc họ đi theo một bên mà bên này đã áp đặt cái nhìn lên cả cộng đồng, cho thấy dưới một hình thức, đảng Bảo thủ đóng dấu tem vào, nói rằng đây là cái nhìn mà chúng tôi tán thành"...
Theo một số nhà quan sát dự luật là một cách làm phổ biến dễ tìm thấy trong các sách giáo khoa. Ðó là việc làm có tính chất lôi kéo chính trị hướng tới mục tiêu cụ thể là tranh thủ lấy phiếu của người sắc tộc chuẩn bị tiến tới một cuộc bầu cử liên bang cạnh tranh quyết liệt. Ông S.Carter, nhà nghiên cứu chiến lược chính trị ở Alberta nói: "Việc này được thực hiện chủ yếu để tập hợp sự ủng hộ của những người trong nhóm nhỏ thuộc thế hệ thứ nhất. Ðó hoàn toàn là nhằm lấy phiếu, không có lý do nào khác". Ông P.Barber, một nhà phân tích cử tri kỳ cựu, thì nói: Một trong các chiến lược mà các đảng sử dụng để lấy lòng, thu hút lá phiếu người sắc tộc là việc sử dụng "những điều chung, cơ bản, tượng trưng có liên hệ tới quê hương bản quán của họ". Phải chăng các dẫn dụ và phân tích do nhà báo A.Musabende đưa ra trên ipolitics.ca đã chỉ rõ bản chất đích thực của vấn đề? Nếu đúng vậy, phải chăng các dân biểu Canada bỏ phiếu thông qua Ðạo luật S-219 chỉ để thỏa mãn lợi ích của chính mình? Họ không cần biết qua việc làm đó, đã xúc phạm nhân dân Việt Nam, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada.
Hồng Quang/Nhân Dân