Năm nay, có lẽ vì kỷ niệm năm chẵn nên nhiều báo mạng ở nước ngoài tổ chức hẳn một “chiến dịch truyền thông” rầm rộ nói về sự kiện này. Điều đáng nói, khác với mọi năm, ngày 30-4 năm nay đã đi qua nhưng những vấn đề mà họ đưa ra “mổ xẻ”, “thảo luận” vẫn chưa dừng lại. Riêng vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn được họ bình phẩm tùy tiện, đài này tung, báo kia hứng, cộng thêm các trang blog, facebook “trăm hoa đua nở” dễ khiến những người vốn ít quan tâm đến mạng xã hội sẽ ngộ nhận dường như đang có điều gì đó rất nghiêm trọng về vấn đề này ? Ví dụ như có tờ báo mạng ở Mỹ tổ chức không ít bài viết, lấy ý kiến của nhiều nhân vật để bình luận về Diễn văn lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài diễn văn cô đọng, súc tích, được dư luận trong nước cũng như quốc tế khen ngợi thì họ lại võ đoán cho rằng “người dân thất vọng tràn trề”, diễn văn “dùng ngôn từ cũ kỹ như 40 năm về trước”, rồi “Mỹ đang mở cửa, hợp tác làm ăn với Việt Nam mà còn nhắc lại những từ như tội ác, dã man làm gì để khơi gợi hận thù”… Đích đến của những bài báo kể trên đều nhằm “luận tội” khi cho rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam không thực tâm muốn hòa hợp dân tộc; kích động rằng “thực chất đồng bào trong nước và Việt kiều thì không có mâu thuẫn gì, vấn đề chỉ là mâu thuẫn giữa chính quyền trong nước với kiều bào ở nước ngoài”…
Như vậy, dù lấy cớ này hay cớ khác, quan điểm này hay quan điểm khác thì cuối cùng vấn đề họ nêu cũng quay lại với luận điệu cũ kỹ mà họ đã “ôm ấp” suốt 40 năm qua – đó là xuyên tạc đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Diễn văn kỷ niệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện sự chân thành, công khai kêu gọi đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài: “Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu” thì họ vẫn nói rằng, Đảng, Nhà nước ta “chỉ nói mà không làm”.
Điều đáng mừng là ngay trong các bình luận, các ý kiến trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết chỉ rõ rằng, những người cố xuyên tạc sự thật như trên chỉ là là một bộ phận nhỏ mà hầu hết họ là những quân nhân, sĩ quan, công chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa vốn bỏ nước ra đi sau ngày 30-4-1975. 40 năm đã trôi qua nhưng chính họ là những người cố ôm lấy những hận thù đã cũ. Vấn đề hòa hợp dân tộc được ví như chuyện vỗ tay, muốn vỗ thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một tay. Hòa hợp dân tộc phải đến từ hai phía. Một Việt kiều đã viết lên facebook của mình: “Thiết nghĩ, muốn hòa giải, cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự mặc cảm, thù hận, phân biệt giảm đi và cà hai phía phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại. 40 năm trôi qua đủ để một thế hệ thứ hai đã đến tuổi chín chắn. Vậy mà vẫn còn những người nuôi lòng thù hận. Ấy là cố chấp và nhỏ nhen…”.
Có một thực tế mà chúng ta không né tránh, là ở một vài nước phương Tây, cứ vào dịp 30-4 thì một số người Việt ở đó tổ chức “ngày quốc hận”. Những người này đã tô vẽ, lập rất nhiều tổ chức, đảng phái để tìm cách phá hoại nước nhà bằng nhiều cách. Có những người như Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Ksor Kok.. đã tìm mọi cách đưa người và vũ khí về nước hòng quấy rối, khủng bố, phá hoại an ninh trật tự của nước nhà, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. Ngay trong ngày 30-4-2015 vừa qua, trong khi 90 triệu đồng bào trong nước và đông đảo kiều bào ở nước ngoài đều chăm chú theo dõi mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì ở một vài nơi, lại có những nhóm người Việt tổ chức kỷ niệm “Tháng Tư đen”, với trò hề kêu gào “Tự do, dân chủ, nhân quyền”…
Vì sao lại có một nhóm người vẫn cố chấp ôm thù hận cũ như vậy ? Nhà báo Nguyễn Phương Hùng, Tổng biên tập trang web KBCHN tại Mỹ, một thời là người cầm súng thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa, trong dịp 30-4 vừa qua đã trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân. Ông cho rằng: “Chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc được Đảng, Nhà nước ban hành, thúc đẩy ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhưng trên thực tế vẫn còn những điều chưa đạt được như mong muốn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên do, nhưng có thể nhận thấy rõ nhất là một bộ phận người Việt ở hải ngoại đã từng phục vụ cho chế độ VNCH thời kỳ đó còn quá khích, cực đoan, tìm cách kích động, lôi kéo, gây chia rẽ cộng đồng người Việt ở nước ngoài với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước. Mặt khác, một bộ phận ở hải ngoại do không nắm được đầy đủ thông tin về những đổi mới, tiến bộ ở trong nước nên cứ mang nặng suy nghĩ Việt Nam là một đất nước tụt hậu, kém phát triển. Điều may mắn của cá nhân tôi là có dịp về nước từ tháng 9-2010 và nhiều chuyến sau đó, đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao tạo điều kiện tiếp xúc với nhiều cơ quan Nhà nước, đến nhiều tỉnh, thành phố, chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của đất nước. May mắn hơn, tôi còn được ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để thấy một phần Tổ quốc mình nơi biển khơi và ý chí hiên ngang, anh dũng, hy sinh, vượt qua khó khăn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ. Cơ hội này đã giúp tôi có một cách nhìn khác về một quê hương Việt Nam phát triển, đổi mới. Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhân dân trong nước dành cho người Việt Nam ở nước ngoài tình cảm và sự bao dung, mong kiều bào trở về giúp quê hương”.
Dịp 30-4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ với báo chí: "Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, khi chúng ta giành chính quyền sau cách mạng tháng Tám có những người đứng ở bên phía Pháp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”. Tôi nghĩ rằng cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân trong cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ nói rất hay "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương”.
Chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chẳng những đã lột tả đầy đủ tinh thần đổi mới, cởi mở, tha thiết muốn có hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà còn đề cập rõ một vấn đề mà nhiều “nhà dân chủ” đã kêu gọi lâu nay. Gần đây trong các nỗ lực hàn gắn thúc đẩy quá trình hòa hợp dân tộc, lòng yêu nước được coi là không phải độc quyền của riêng ai. Mỗi người có thể, có quyền và có cách thể hiện lòng yêu nước của riêng mình. Đúng là như vậy. Nhưng đấy chỉ là khái niệm chung. Còn đã là người yêu nước thì phải có những phẩm chất, tiêu chí nhất định phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trên mạng xã hội, khi tranh luận với các “nhà dân chủ”, đã có công dân nêu vấn đề: “Ví như trong hoản cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược thì biểu hiện rõ ràng nhất của lòng yêu nước là lòng căm thù giặc, hăng hái góp công sức, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cứu nước. Ngược lại, người đi theo giặc, làm lính đánh thuê cho chúng thì không thể nói là yêu nước được”. Đây cũng là điều cần phải được nói cho rõ ràng, bởi vì không ít “nhà dân chủ” đang thực hiện “đánh tráo khái niệm lòng yêu nước”. Họ đang ra sức kêu gọi Đảng, Nhà nước ta công nhận “Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… cũng là những người yêu nước, họ chỉ yêu nước theo cách khác với Hồ Chí Minh ?”.
Những lời kêu gọi, những đòi hỏi đó thực chất là âm mưu muốn xóa nhòa bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; đánh đồng giữa chính nghĩa và phi nghĩa; đánh đồng chiến thắng của nhân dân Việt Nam với lực lượng thực dân, đế quốc và tay sai. Trong lúc họ ra sức kêu gọi, đòi hỏi như vậy nhưng chính các sự thật lịch sử đã bác bỏ ý kiến của họ. Mỗi khi những ý kiến kiểu đó xuất hiện, vẫn luôn có những ý kiến phản bác tự giác của những công dân có trách nhiệm, các ý kiến này đã thẳng thắn chỉ rõ sự thực những Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đều là tay sai không giấu giếm của thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Ngô Đình Diệm từng nói “biên giới nước Mỹ kéo dài đến vĩ tuyến 17”; hay Nguyễn Văn Thiệu đã thẳng thắn nói khi bị buộc từ chức: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực chất là đánh thuê cho Mỹ, nay họ trở mặt bỏ mặc chúng tôi thì việc thua Việt Cộng là không tránh khỏi”…
Năm 2004, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết đã xác định Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước; là cầu nối cho tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Trong các chuyến đi thăm, làm việc tại nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành một thời gian nhất định để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Có những cuộc gặp lịch sử, như lần Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Mỹ năm 2007, cuộc gặp được tổ chức với số lượng đại biểu lên đến khoảng một nghìn người. Những cuộc gặp gỡ như vậy, cùng với những đổi mới liên tục của Đảng, Nhà nước ta trong chủ trương, đường lối, chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang khẳng định một cách chắc chắn, nhất quán vấn đề hòa hợp dân tộc. Luật Quốc tịch năm 2008 đã tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, miễn thị thực cho kiều bào cư trú trong nước 3 tháng, bước đầu xây dựng chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước.... Và trên thực tế, vấn đề hòa hợp dân tộc đang thu được rất nhiều thành tựu. Về kinh tế, năm 2014, kiều hối được ghi nhận là khoảng 12 tỷ USD. Về khoa học-giáo dục, ngày càng có nhiều trí thức Việt kiều trở về giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Các tổ chức cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày nhiều, được tổ chức mang tính hệ thống ở nhiều quốc gia; tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam được đồng bào ở nước ngoài quan tâm đẩy mạnh; số lượng Việt kiều trở về thăm đất nước ngày càng tăng…
Những thành tựu ngày càng to lớn và toàn diện trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài chính là kết quả rõ ràng nhất về chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam khi thực hiện hòa hợp dân tộc. Những luận điệu kêu gào, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam thiếu thiện chí trong vấn đề hòa hợp dân tộc, phân biệt đối xử với những người thuộc chế độ cũ cùng những âm mưu xóa nhòa bản chất cuộc chiến tranh vệ quốc, đánh đồng giữa chính nghĩa và phi nghĩa sẽ ngày càng trở nên lạc lõng. Thiết nghĩ, 40 năm đã trôi qua, một quãng thời gian quá đủ để những người vẫn đang ôm ấp trong lòng hận thù cũ vượt qua những mặc cảm và định kiến. Rất nhiều người trong số họ khi trở về thăm quê hướng, thấu hiểu thực tiễn đổi thay của đất nước đều đã thay đổi được định kiến, có thêm những việc làm góp sức xây dựng quê hương. Rất mong rằng, những người yêu nước theo quan niệm cũ hãy gác lại quá khứ, hãy trở về và làm những việc tưởng như nhỏ nhất như “xây thêm một viên gạch, trồng thêm một cây xanh, góp thêm một sáng kiến để cho đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng mạnh thêm”.
Hồng Hải