“Không có chạy chức” là thông điệp Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII và ai có ý định này thì đừng làm, mệt thêm mà còn bị kiểm tra xử lý!
Thông tin trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ khi phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 khóa X vừa qua.
Theo đó, Bộ Chính trị đã họp bàn một số nội dung liên quan Nghị quyết Trung ương 7, có yêu cầu về chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII năm 2020, trong đó có một chủ đề là Đại hội không có chạy chức. Trên tinh thần đó, Đại hội XI của TPHCM cũng là Đại hội không có chạy chức.
'
Hiện tượng chạy chức chạy quyền được đánh giá là còn tinh vi, phức tạp
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh việc cần truyền đạt tinh thần này cho đảng viên, nhân dân biết, và “xin lỗi ai định làm cái này (tức “chạy chức” - PV) thì đừng làm, mệt thêm, mất công lại bị kiểm tra xử lý".
Thông điệp trên thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi, như nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nói, cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi trăn trở, băn khoăn, lo lắng của cấp ủy đảng, nhất là Tổng bí thư.
Còn nhớ, đầu năm 2016, phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập thực tế trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển... và đề nghị các đại biểu thẳng thắn thảo luận cho rõ ràng, minh bạch.
Theo người đứng đầu của Đảng, phải giải tỏa được tâm tư đó, phải khắc phục cho được tình trạng này. Muốn thế, phải bằng luật pháp, bằng quy chế, rồi kiểm tra, đôn đốc ráo riết. Và trước hết những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm.
Còn tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng tổ chức đầu năm 2018, Tổng Bí thư tiếp tục thẳng thắn nhận định công tác xây dựng Đảng là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, nhưng khó khăn vất vả. Nội dung trọng tâm của hội nghị là về phòng chống chạy chức, chạy quyền được Tổng Bí thư đánh giá cao.
Một lần nữa, Tổng Bí thư nhắc nhở, thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực chưa cao, hiện tượng chạy chức chạy quyền còn tinh vi, phức tạp. “Có hay không chạy chức, chạy quyền, ai chạy - chạy ai phải làm rõ, vì cái này vẫn nhức nhối lắm, có nhiều thứ chạy lắm!”. Do đó, phải chống cho được bè phái, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Nhận diện và hành động. Thời gian qua, nhiều hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến vào dự thảo chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ. Mục tiêu hướng tới là "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy". Sáu nhóm giải pháp đã được đưa ra, trong đó trước mắt tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy" bằng việc hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu.
Việc xây dựng “lồng cơ chế” cũng được thể hiện rõ trên thực tế khi hàng loạt quy định đã được ban hành như về luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý.
Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện nghiêm, trong đó trách nhiệm của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, nhất là người đứng đầu mang tính quyết định rất cao. Bởi, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội là việc “chạy được” do tâm không sáng của người có thẩm quyền mà thôi!
Quyết định sự thành bại hay không là do công tác cán bộ. Cán bộ mà phải “chạy” và “chạy” được thì khó mà giữ mình trong sạch hay tổ chức vững mạnh. Đại hội không có chạy chức – một thông điệp không thể rõ ràng và thẳng thắn hơn! Quan trọng hơn, ai muốn “chạy” thì phải bỏ ngay ý định đó, bởi “sẽ mệt thêm” lại còn “bị kiểm tra xử lý". Người có thẩm quyền sẽ phải trách nhiệm hơn vì thực tế vừa qua cho thấy “lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”!./.
Ngọc Thành/VOV.VN