Phần nào có tố chất trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, song thay vì rèn luyện tài năng, cống hiến sức lao động chân chính cho xã hội như phần lớn đồng nghiệp, thì một số nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu hiện nay lại lợi dụng tự do sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật để truyền bá, cổ vũ những quan điểm, lối sống lệch lạc, thậm chí sa vào con đường nghiện ngập, phạm tội.
Ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, song tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm giải trí có nội dung độc hại lên một bộ phận khán thính giả, nhất là các bạn trẻ thuộc độ tuổi thanh thiếu niên đang có chiều hướng đáng lo ngại. Nổi bật trong đó là khuynh hướng sáng tác, biểu diễn, sản xuất và phát hành loại sản phẩm nghe nhìn có vỏ bọc bên ngoài là các chủ đề về tội phạm hoặc tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm… Thực tế, tiền đề của loại sản phẩm nghe nhìn "đậm chất giang hồ" này đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng chỉ dừng lại ở một số bản nhạc chế khuyết danh, thu âm ngẫu hứng với chất lượng kém. Theo tác giả Hoàng Linh, nguồn gốc của dòng nhạc này xuất phát từ các băng cassette (cát-xét) không có tên, không rõ xuất xứ, thậm chí cả người hát cũng không mấy ai biết. Ðó là băng nhạc gồm một loạt các liên khúc được xuyên tạc từ các bài "nhạc vàng", bắt đầu với bài Chuyến tàu hoàng hôn. "Dân chơi" gọi đó là "nhạc chế", còn người bình thường gọi là "nhạc giang hồ". Cũng theo tác giả này, trước năm 1975, các băng đảng tội phạm thường yêu thích những ca khúc ca ngợi sự tự do như Vết thù trên lưng ngựa hoang, Loan mắt nhung. Trong khi đó, thời gian gần đây, giới anh chị lại chuyển sang ưa thích loại "nhạc tù" có ca từkể lể quanh những chủ đề tình, tiền, tù, tội. Không chỉ là việc chiều theo thị hiếu và sự a dua của một bộ phận nhỏ khán, thính giả có cái nhìn và suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống hiện nay để thực hiện mục tiêu thu lợi kinh tế, "nhạc giang hồ" không còn tồn tại như hiện tượng đơn lẻ mà đang có dấu hiệu được hà hơi, tiếp sức phát triển thành một khuynh hướng tiêu cực. Theo đó, nhiều "ca sĩ bất đắc dĩ" của dòng nhạc này vốn là "giang hồ giải nghệ" có hẳn kênh youtube, fanpage riêng để quảng bá hoặc đánh vào sự tò mò của khán, thính giả nhằm thu hút người xem.
Chưa dừng lại ở đó, "nhạc giang hồ" nói riêng và đề tài này nói chung còn thu hút sự tham gia của một số nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu vốn có lối sống, quá khứ phức tạp. Trái với những đồng nghiệp trong làng giải trí luôn đề cao vấn đề giữ gìn, bảo vệ hình ảnh cá nhân, những "nghệ sĩ" này chủ động lựa chọn lối sống giang hồ, trụy lạc như "phong cách riêng" gắn với "tên tuổi" của họ. Vụ án giết người của nam ca sĩ C.V.C gần đây có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng chỉ là kết cục tất yếu của một quá trình ăn chơi thác loạn, gây rối kéo dài của một người ít tài lắm tật. Năm 2012, nam ca sĩ này từng bị một nữ sinh tố cáo có hành vi hiếp dâm; năm 2014, anh ta bị tố cáo thuê côn đồ tiến công một người bán trà đá; hai năm 2016 và 2017, tên tuổi anh ta lại một lần nữa được nhắc đến vì những hành vi phản cảm sau một vụ va chạm giao thông. Bất ngờ hơn, C.V.C không phải cái tên duy nhất trong làng giải trí trong nước có lối sống buông thả như vậy. Không chịu kém cạnh, một số ca sĩ hay nhóm nhạc khá nổi tiếng trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực bởi các hành vi thóa mạ, dọa dẫm, gây rối trật tự. Hành xử như những kẻ côn đồ, nhưng đáng lo ngại là với nhiều chiêu trò các nghệ sĩ này vẫn thu hút một số nhỏ fan hâm mộ trung thành. Vì lẽ, cũng như dòng "nhạc tù" trước đây, những sản phẩm nghe - nhìn có chủ đề giang hồ luôn chủ động hướng đến "thị trường ngách", tiếp cận đối tượng khán, thính giả là người có quá khứ lầm lỡ hoặc đang mất phương hướng trước những ngã rẽ cuộc đời. Do đều là "người từng trải", các nghệ sĩ này không xa lạ gì với tệ nạn xã hội hay cảm xúc tiêu cực, xấu hổ, mặc cảm mà fan hâm mộ của họ thường gặp phải trên hành trình hoàn lương, phục thiện. Hay với một bộ phận thanh thiếu niên lợi dụng những điểm yếu trong tâm sinh, lý tuổi mới lớn, ca khúc về chủ đề giang hồ dường như mở ra trước mắt họ những "chân trời tự do và nổi loạn". Ðược tiếp sức bởi các sản phẩm bạo lực về chủ đề học đường của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, các "ca khúc giang hồ" như một liều thuốc độc tiêm nhiễm loại suy nghĩ độc hại vào đầu óc của một bộ phận thanh thiếu niên. Do đó, hầu hết ca khúc có chủ đề giang hồ thường mang giai điệu u ám, ca từ nỉ non với nội dung thương thân trách phận.
Bên việc sáng tác và trình diễn loại ca khúc có nội dung trụy lạc, không ít nghệ sĩ trong thành phần này còn lấn sân sang lĩnh vực sân khấu, điện ảnh bằng việc ra mắt hàng loạt bộ phim ca nhạc, phim dài tập được đầu tư kỹ lưỡng với nội dung ăn theo loại "phim xã hội đen", "phim cấp 3" từng làm mưa làm gió điện ảnh Hồng Công cuối thế kỷ 20 như "Mong kiếp sau vẫn là anh em", "Giang hồ đối mặt", "Giang hồ Chợ Mới", "Nữ sát thủ", "Phong cách người chơi"… để từ đó kéo theo sự nổi lên của các "gương mặt" như L.C.K, C.V.C, C.K.P... Ngoài xu hướng nêu trên, sự thịnh hành của thể loại rap Việt, nhất là dòng rap underground, cũng tạo ra một thế hệ "ca sĩ giang hồ" kiểu mới. Khác với dòng nhạc giang hồ trước đây với nhiều hình ảnh, ngôn từ sến súa, các dòng nhạc rap gangsta (rap băng đảng), rap dirty (rap bẩn) lôi kéo người nghe bằng những câu chữ và hình ảnh thô tục. So với các bậc đàn anh, lợi thế của rapper (ca sĩ nhạc rap) là phong cách trẻ trung, sành điệu, thái độ liều lĩnh công khai khoe khoang thói hư tật xấu như sử dụng cần sa, ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện khác để "phiêu" vì "nghệ thuật". Ðiều này lý giải vì sao có video dung tục, ca ngợi lối sống nhanh sống gấp và sử dụng chất kích thích như "Quăng tao cái boong" lại thu hút được số đông người tò mò đến vậy. Tuy khác nhau về phong cách hay thể loại nhưng "bản chất côn đồ" của một số nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu gần như là tương đồng. Thậm chí, có ca sĩ nhạc rap còn tự hào khi khoe khoang thành tích đâm chém, triệt hạ đối phương trong chính "sáng tác" của mình. Thay vì gửi đến khán thính giả các thông điệp tươi sáng về cuộc sống hiện tại và tương lai, hầu hết sáng tác theo chủ đề giang hồ đều tạo nên một vòng tròn tội lỗi luẩn quẩn, bóp nghẹt giấc mơ hoàn lương, phục thiện của nhiều người. Cá biệt nhiều bài hát thậm chí còn ngợi ca sự sa đọa của bản thân như một đẳng cấp, bản sắc riêng mà người bình thường không thể thấu hiểu.
Trên thị trường giải trí Việt Nam hiện nay, có lẽ chưa bao giờ cơ hội để trở thành người nổi tiếng lại trở nên dễ dàng như vậy. Nhu cầu về văn hóa - giải trí ngày một tăng kết hợp với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng cùng sự sinh sôi của những không gian biểu diễn nghệ thuật bình dân đã sản sinh ra một "thế hệ nghệ sĩ mới". Tuy nhiên, dù ở đâu thì khi được trao cơ hội để khẳng định bản thân trên sân khấu nghệ thuật - giải trí, người nghệ sĩ cần nắm bắt, phấn đấu hết mình để không phụ lòng khán giả, thí dụ trên thế giới, đã có không ít nghệ sĩ nổi tiếng như nữ danh ca Madonna (Ma-đôn-na), hay rapper Eminem (E-mi-nem) vốn từng bước ra từ thuở hàn vi đen tối. Tại Việt Nam, một số nghệ sĩ như D.M hay T.H cũng bước đầu khiến người hâm mộ thay đổi cái nhìn về phong cách và lối sống của họ. Song đáng tiếc là bên cạnh những người nỗ lực tự thân để lựa chọn con đường nghệ thuật chân chính, thì vẫn còn một số nghệ sĩ đi theo xu hướng tiêu cực.
Là xu hướng giải trí độc hại xuất hiện không chỉ tại Việt Nam, mà còn tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên biện pháp xử lý những ấn phẩm có chủ đề tội phạm, tệ nạn xã hội gặp nhiều khó khăn, hạn chế; bởi các ấn phẩm này chủ yếu phát hành miễn phí trên mạng internet (in-tơ-nét), thu lợi nhuận thông qua chính sách quảng cáo lỏng lẻo của các mạng xã hội. Trong khi đó, hoạt động biểu diễn của những người được gọi là nghệ sĩ này thường mang tính tự phát, tổ chức tại các không gian biểu diễn nhỏ như: hội chợ, quán bar, quán café,… cho nên rất khó quản lý, kiểm soát. Vì vậy, cùng với việc các cơ quan chức năng phải thắt chặt quản lý phát hành trên in-tơ-nét, cũng như quản lý hoạt động biểu diễn trước công chúng, khán thính giả cũng phải cẩn trọng, cân nhắc khi tiếp xúc với loại sản phẩm được gọi là nghệ thuật giải trí này. Ðáng chú ý, cần tăng cường hơn nữa vai trò của gia đình và xã hội trong việc ngăn chặn xu hướng nghệ thuật suy đồi, vì thứ âm nhạc bi quan, xấu xí này chỉ có cơ hội nảy nở trong những tâm hồn cô đơn, bị người thân xa lánh, từ bỏ. Nếu có sự động viên khích lệ thường xuyên của gia đình và xã hội, có động lực hướng đến tương lai, chắc chắn nhiều người sẽ tự tin, có bản lĩnh gạt bỏ thứ sản phẩm méo mó, lệch lạc, bệnh hoạn cùng "thần tượng rác" để hướng đến những chuẩn mực giải trí thẩm mỹ lành mạnh cũng như xây dựng cuộc sống mới.
Phan Kỷ/Nhân dân