Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 6/3/2018 9:21'(GMT+7)

Khơi dậy niềm đam mê, tự hào với lịch sử, văn hóa dân tộc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

So với những sản phẩm tái hiện lịch sử đầu tiên từ kỹ thuật đồ họa vi tính thô sơ ra đời những năm về trước, không ít người xem sẽ phải bất ngờ trước sự tiến bộ vượt bậc trong các dự án phục dựng quá khứ của các nhóm tác giả đương đại. Nhiều phương pháp tiếp cận lịch sử - văn hóa truyền thống đã được các tác giả trẻ vận dụng sáng tạo thay thế cho những thước phim 3D khô cứng, vay mượn hình ảnh từ các trang phục, kiến trúc, tạo hình nhân vật vốn thường xuất hiện trong các bộ phim cổ trang nước ngoài. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, các kỹ thuật mới giờ đây chỉ còn vai trò là công cụ thiết kế, lưu trữ, trao đổi hoặc đăng tải thông tin. Đi đầu và gặt hái thành công hơn cả trong trào lưu này phải kể tới hai vở diễn Tứ phủ của Việt Tú và Tinh hoa Bắc Bộ của Hoàng Nhật Nam. Trong đó, Tứ phủ có thể xem là một bước đi đột phá khi tái hiện nghi lễ hầu đồng vốn là một sinh hoạt văn hóa tâm linh dân gian trở thành một tác phẩm trình diễn sân khấu đương đại với sự hỗ trợ của nhiều kỹ xảo hình ảnh, ánh sáng tiên tiến. Tinh hoa Bắc Bộ lại lấy điểm trong lòng khán giả bằng cách biểu diễn những sinh hoạt dân gian quen thuộc dưới các hiệu ứng 3D mapping và laser (công nghệ trình diễn kết hợp giữa ánh sáng và âm nhạc). Thông qua một chương trình nghệ thuật hoành tráng, tác phẩm không chỉ đơn giản tái hiện không gian Bắc Bộ truyền thống mà còn là câu chuyện về một trong những hiện tượng độc đáo của Phật giáo Việt Nam thông qua cuộc đời thăng trầm của Từ Đạo Hạnh - một thiền sư nổi tiếng trong lịch sử nhà Lý; cũng như phần nào nói lên những giá trị, lịch sử và tinh hoa văn hóa đương thời.

Không công phu, đồ sộ như những dự án kể trên nhưng các sản phẩm, sự kiện, triển lãm tái hiện lịch sử và văn hóa truyền thống của nhiều nhóm tác giả độc lập đã và đang tạo ra những dấu ấn riêng nhờ phương pháp, ý tưởng độc đáo cũng như sự gần gũi, thiết thực của chúng. Có thể kể đến các dự án tiêu biểu đang ngày càng thu hút sự chú ý của truyền thông và những người yêu lịch sử như: kể chuyện quá khứ bằng Facebook, giới thiệu hoa văn truyền thống bằng sách tô mầu, quảng bá trang phục truyền thống thông qua vẽ truyện tranh, quảng bá quần thể văn hóa bằng ứng dụng Google Map, tìm hiểu nghệ thuật cổ qua sản phẩm lưu niệm... Về sự nghiêm cẩn và chuyên nghiệp của ban tổ chức chuỗi sự kiện “Trình diễn trang phục cung đình và Tái hiện lễ Tiến lịch thời Lê sơ” diễn ra từ ngày 1 đến 15-2-2018 tại Hà Nội, người xem có thể sẽ bất ngờ khi biết “cha đẻ” của dự án phục dựng văn hóa truyền thống này là Vietnam Centre (Trung tâm Việt Nam) - một tổ chức phi lợi nhuận với phần lớn thành viên là người Việt Nam hiện đang học tập, sinh sống, làm việc tại nước ngoài và… không hề được đào tạo về sử học. Các dự án của Vietnam Centre như: Dệt nên triều đại (Weaving the realm), Cựu kiến tân (Future written in the past - Tương lai được viết trong quá khứ) đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ Việt Nam và nước ngoài bằng cách tận dụng các lợi thế từ truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh chương trình trình diễn trang phục truyền thống, Vietnam Centre còn cung cấp các đoạn phim CG (Computer Graphic - một thuật ngữ được các nước phương Tây sử dụng để chỉ công nghệ đồ họa web kỹ thuật số của Nhật Bản), tranh, ảnh minh họa khá bắt mắt và gần gũi về giai đoạn Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Trong khi đó, dự án Họa sắc Việt của nhóm SRiver lại cho thấy tiềm năng ứng dụng giá trị của dòng tranh khắc gỗ Hàng Trống vốn đang có nguy cơ mai một bằng những sáng tạo trong nét vẽ và phương pháp in ấn. Đây cũng là hướng đi từng được nhóm Đại Việt cổ phong theo đuổi qua hai dự án tương đối thành công về mặt truyền thông là Hoa văn Đại Việt và Nam phong họa khảo. Lựa chọn phương pháp tiếp cận cộng đồng mạng chỉ bằng cách đơn giản là đăng tải bài viết ngắn, hình ảnh hoặc các phim tài liệu ngắn lên Facebook thế nhưng các fanpage The X file History (Bí ẩn của lịch sử), Tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam vẫn thu hút được sự tương tác cao nhờ nguồn thông tin đa dạng và khách quan. Độc đáo hơn, cuốn sách Sử Việt 12 khúc tráng ca của tác giả Dũng Phan - quản trị viên The X file History, biên soạn lại từ những câu chuyện lịch sử của tác giả này trên fanpage Facebook đã trở thành một trong số tác phẩm sử học hiếm hoi bán chạy trên thị trường sách Việt Nam năm 2017. Liên kết, hợp tác, gây quỹ cộng đồng để chung sức tạo ra các sản phẩm lịch sử có giá trị cũng là hướng đi được một số nhóm nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử lựa chọn trong thời gian gần đây. Tiêu biểu có thể kể đến dự án phim hoạt hình dài kỳ Việt sử kiêu hùng của cộng đồng Đuốc Mồi, nhóm Đại Việt cổ phong, Đạt Phi media cùng nhiều đối tác khác.

Phương pháp có thể khác nhau nhưng điểm chung của các tác giả tham gia những dự án kể trên chính là niềm say mê với lịch sử, văn hóa truyền thống cùng vốn kiến thức phong phú được tích lũy qua sách vở, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thậm chí là qua nghiên cứu thực địa kết hợp với sưu tầm hiện vật. Chẳng hạn để tái hiện trang phục cung đình thời Lê sơ, Vietnam Centre đã phải tra cứu tư liệu lịch sử, tìm kiếm các hiện vật hiếm hoi còn sót lại là áo giao lĩnh của Đại tư đồ Nguyễn Bá Khánh cho đến việc lựa chọn làng nghề, xưởng may có khả năng gia công những bộ quần áo này. Trong khi đó, niềm say mê các công trình pháo đài cổ đã khiến Lê Quốc và những người cùng sở thích với tác giả này phải thường xuyên điền dã để có những kiến giải mới. Dự án trong tương lai của Lê Quốc là mở những tua du lịch tham quan các pháo đài cổ trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, dựa vào nền tảng của công cụ trực tuyến Google Map, Lê Quốc đã tích hợp được khá nhiều địa điểm tồn tại di tích pháo đài cổ. Song khó khăn của Lê Quốc chính là sự xuống cấp, biến mất của các di tích này bởi các nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên, cùng sự lãng quên và các hoạt động tàn phá từ con người.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát độc lập, một số tác giả trẻ đã không tránh khỏi sai lầm do chủ quan, hay còn thiếu kinh nghiệm. Đó cũng chính là hạn chế mà cuốn sách Sử Việt 12 khúc tráng ca của Dũng Phan cùng nhiều dự án sưu tầm, khảo cứu lịch sử trên in-tơ-nét hiện nay đang vấp phải. Bên cạnh một số nhận định tích cực về phong cách “kể chuyện” lịch sử sinh động và hấp dẫn, Sử Việt 12 khúc tráng ca còn tồn tại một số hạn chế mà nguyên nhân do tác giả quá mải mê chạy theo những giai thoại dã sử, thiếu phân biệt sự khác biệt giữa tài liệu lịch sử và các sáng tạo dân gian, cá nhân về lịch sử. Nguy hiểm và đáng lưu ý hơn, là sau một thời gian yên ắng, xu hướng “xét lại, chiêu tuyết” cho một số nhân vật vốn không được đề cao, thậm chí bị xem là kẻ thù của quốc gia, dân tộc trong lịch sử lại có dấu hiệu trỗi dậy. Đồng thời, việc tự ý “sáng tạo” trong việc truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi. Như mới đây, dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ cùng Highlands Coffee kết hợp giữa thương hiệu đồ uống này với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng nhóm họa sĩ Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh, Phạm Rồng đã vấp phải nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực. Nguyên nhân chính là xuất phát từ việc nhiều bức trong số này có chủ đề và nội dung nặng về quảng cáo, làm méo mó các giá trị chân - thiện - mỹ vốn là thế mạnh, sức sống của tranh Đông Hồ; chọn chạy theo thị hiếu thay vì đi tìm con đường tồn tại cho một dòng tranh độc đáo của dân tộc.

Rõ ràng, trong khi một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có phần thờ ơ với lịch sử và văn hóa, bị cuốn vào các làn sóng văn hóa ngoại nhập thì sự xuất hiện các dự án tìm hiểu, truyền bá và phục dựng các giá trị lịch sử, truyền thống từ đội ngũ tác giả trẻ là tín hiệu đáng mừng, đáng được trân trọng và khích lệ. Đáng quý hơn, đây không phải hiện tượng nhất thời mà đã trở thành một trào lưu nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ nhiều phía, trong đó có đánh giá, nhận xét thể hiện sự trân trọng từ những nhà nghiên cứu có uy tín. Nhìn vào đội ngũ tác giả, nhóm tác giả cùng sản phẩm của họ thời gian qua, chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào thành công của họ trong tương lai. Và thực tế này cũng cho thấy, để các tác giả triển khai các dự án đưa lịch sử đến gần hơn với cộng đồng rất cần có sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp, quỹ cộng đồng... Hiện nay, tiềm năng áp dụng nền tảng công nghệ trong các dự án tuyên truyền, phục dựng các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống còn rất dồi dào, nhất là với sự phát triển của các công nghệ mới. Nhưng cùng với các điều kiện tạo thuận lợi về chủ trương, chính sách, về vật chất và công nghệ, thì điều cần thiết nhất để các dự án thành công góp phần khơi dậy niềm say mê, tự hào với lịch sử, văn hóa trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ vẫn là việc người thực hiện phải am hiểu lịch sử, làm việc nghiêm cẩn, tạo dựng động lực từ lòng yêu nước, tình yêu và niềm tự hào về lịch sử nước nhà.

Quang Minh/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất