Đó là tâm sự chung của những người đứng lên đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều người bị đe doạ, hành hung, trù dập, nhưng niềm tin vào chân lý luôn bùng cháy và thúc giục họ dũng cảm lên tiếng.
Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Hoà ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội khi kể lại với chúng tôi về hành trình chống tham nhũng của mình. Gia đình bà đã phải chịu những áp lực rất lớn từ những thế lực "quan tham" khi họ bị bà tố cáo hàng loạt sai phạm như vụ việc xây dựng cống thoát nước Hồ Tây ra sông Hồng, vụ việc liên quan đến đền bù đất, vụ chi sai gần 40 tỷ đồng trong gói thầu kè Hồ Tây...
Bà Hoà đã từng bị hành hung, bị "tai nạn" xe máy, bị doạ cắt gân chân. Nhưng bây giờ bà Hoà khóc không phải vì những lý do đó mà vì thấy việc làm của mình đã được xã hội ghi nhận.
Bà tâm sự, vì chống tiêu cực mà bà đã bị trả thù không biết bao nhiêu lần trong 4 năm vừa qua. Nhưng với bản lĩnh của một người trong quân đội, với truyền thống của một gia đình Cách mạng. Mẹ bà được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đặc biệt là niềm tin vào công lý nên bà quyết tâm đấu tranh để đưa các vấn đề ra ánh sáng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân ở địa phương đối với Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Kim Hợp, một nông dân ở xóm 2, xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã phanh phui tiêu cực của 22 cán bộ xã tham nhũng đất đai. Cuộc đấu tranh của ông Hợp và những người bạn luôn bị cản trở. Các đối tượng bị ông tố cáo từng sai người ném đá vào nhà ông làm vỡ ngói, vỡ cửa kính. Vợ con ông đi đâu cũng bị dọa nạt, thậm chí kẻ xấu còn viết giấy treo ngoài cổng nhà với nội dung đe dọa.
"Ai cũng biết làm những việc đó là rất nguy hiểm đối với mình và cả gia đình, nhưng nếu mình không dám đứng lên thì ai sẽ làm, nhiều người bất bình nhưng họ bị dằn mặt, không dám tố cáo. Chúng tôi quyết tâm đấu tranh vì nếu không, những kẻ tham nhũng sẽ lại ngày càng bóc lột dân”, ông Hợp bức xúc.
Trên thực tế, đặc thù đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn và luôn tìm cách “bịt miệng”. Những người dũng cảm dám đứng lên tố cáo, ngoài bị đe doạ về thân thể còn có sự phân biệt đối xử, có người bị quy kết làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ, thậm chí ít được thừa nhận và quan tâm, biểu dương.
Câu chuyện về hành trình chống tham nhũng của ông Phùng Chí Công (Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) là một điển hình. Ông Công cho biết, vì đấu tranh chống tiêu cực mà ông bị cô lập ở cơ quan, không được giao việc, con tốt nghiệp đại học nhưng không cơ quan nào dám nhận...
“Tôi rất buồn khi phải nói lên thực tế phũ phàng này. Bình thường, lãnh đạo quận, thành phố phát biểu về chống tham nhũng mà không liên quan tới đơn vị, cá nhân mình thì rất hùng hồn, nhưng khi có người nêu các vụ việc tham nhũng trong đơn vị mình thì lại thấy khó chịu, không thiện cảm, cho rằng suốt ngày không lo làm việc chỉ đi "bới móc" gây mất đoàn kết, mất thi đua của cơ quan", ông Công chia sẻ.
Hay như trường hợp của ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vì đứng về phía người dân kiên quyết vạch trần những hành vi tham nhũng đất đai của một số lãnh đạo phường, đã bị chính những cán bộ trong đơn vị cô lập, bị đình chỉ chức vụ.
Ông Vũ Tiến Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phân vân: Trong Đại hội Thi đua yêu nước có gương mặt của tất cả các lĩnh vực, nhưng những người dũng cảm chống tham nhũng lại vắng.
Theo ông Chiến, không phải không có người xứng đáng để biểu dương mà thực tế để tôn vinh họ, Luật Thi đua khen thưởng đang có những vướng mắc. Muốn được dự Đại hội toàn quốc thì phải được bầu từ cơ sở, mà đấu tranh chống tham nhũng là từ cơ sở nên họ khó mà được cấp đó biểu dương. Vì vậy, cần có những quy định phù hợp hơn.
Những câu chuyện trên phần nào nói lên sự gian nan trong cuộc chiến chống tham nhũng. Để những người dũng cảm chống tham nhũng không đơn độc, cần có sự ủng hộ, chia sẻ, cổ vũ và nhận được sự bảo vệ nhiều hơn từ cộng đồng. Đó cũng là mục tiêu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hướng tới. Hay nói cách khác, biểu dương và bảo vệ người chống tham nhũng cần đi liền với nhau.
Biểu dương, tôn vinh những người như ông Công, ông Hợp, Bà Hoà, ông Bình và nhiều nữa những cá nhân dũng cảm đấu tranh với tham nhũng sẽ giúp họ có thêm nghị lực và niềm tin để đối mặt. Thái độ kiên quyết với tham nhũng của cộng đồng và sự dũng cảm, ý chí sắt đá, không khoan nhượng của người tố cáo cần được khích lệ hơn bao giờ hết để tích cực răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng./.
(Theo: VOV)