Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 28/10/2017 15:5'(GMT+7)

Không gian văn hóa, du lịch Hà Giang trong lòng Hà Nội

Hoa tam giác mạch khoe sắc cùng thiếu nữ Hà Giang tại Thủ đô.

Hoa tam giác mạch khoe sắc cùng thiếu nữ Hà Giang tại Thủ đô.

Hoạt động này nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế. Ban tổ chức giới thiệu những di sản văn hóa đặc trưng của cộng đồng 19 dân tộc tỉnh Hà Giang, trong đó có những di sản địa chất, địa mạo hùng vĩ nên thơ, những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng hoa tam giác mạch níu chân du khách, những sản phẩm hàng hóa đặc sản như mật ong bạc hà, trà shan tuyết, thịt hun khói…

Hà Giang là một tỉnh miền núi cực bắc của Tổ quốc có tổng diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2, toàn tỉnh có 10 huyện, 1 thành phố với 195 xã, phường, thị trấn. Tổng dân số trên 80 vạn người với 19 dân tộc anh em. Trong đó dân tộc Mông chiếm 32,57%, dân tộc Tày 23,23%, dân tộc Dao 14,95%, dân tộc kinh 12,92% còn lại là các dân tộc khác.

Có những dân tộc ít người chỉ ở Hà Giang mới có hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác như dân tộc Giấy, Nùng, Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Pố Y, Phù lá... Mỗi dân tộc đều mang một di sản văn hóa truyền thống riêng. Bản sắc đó thể hiện ở tên gọi, nơi cư trú, ngôn ngữ và những phong tục tập quán.

Hiện đồng bào các dân tộc Hà Giang còn duy trì nhiều lễ hội truyền thống, có những lễ hội mang tính cộng đồng điển hình như lễ "cấp sắc" của người Dao, lễ hội "Gầu tào" của người Mông, lễ hội "nhảy lửa" của người Pà thẻn, lễ hội Lồng tồng của người Tày, lễ hội chợ tình Khâu Vai... tất cả đã tạo cho Hà Giang một vùng văn hóa đa dạng và phong phú.

Với mục tiêu biến khó khăn thành động lực phát triển, trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo phát huy nội lực để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Hà Giang đã chọn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách đến với Hà Giang vào năm 2020, tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên với các nội dung cụ thể như sau: Du lịch địa chất; Du lịch văn hoá; Du lịch sinh thái… Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu điểm du lịch tiềm năng và vùng trọng điểm du lịch như Thành phố Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên…

Hà Giang hiện đang vào mùa hoa Tam giác mạch, mùa của loài hoa bình dị, gần gũi, thân thương như chính người dân nơi Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội, vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng của núi rừng giữa lòng Thủ đô chắc chắn sẽ làm cho du khách có cảm giác như đang đứng tại Hà Giang.

Chương trình khai mạc với chủ đề “Sắc hoa văn  Hà Giang” gồm những tiết mục ca múa nhạc: Song tấu liên khúc sáo “Những cung bậc của tre, hội tụ”; múa “Nhịp xuân bản Dao”; hát múa “Gặp gỡ phiên chợ”...đã để lại ấn tượng với người xem.

Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh miền núi cực bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch lần 3 năm 2017, khai mạc vào ngày 24/11 tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chương trình gồm một số hoạt động chính: Trưng bày không gian du lịch và sản phẩm của các dân tộc tỉnh Hà Giang từ ngày 27 đến 29/11 tại Hà Nội; Hòa nhạc tại chân cột cờ Lũng Cú ngày 25 và 26/11; Bay dù trên cánh đồng hoa Tam giác mạch từ ngày 1 đến 3/12...

Các hoạt động trong chương trình “Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang” tại Hà Nội sẽ kết thúc vào ngày 29/10./. 

Khánh Huyền (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất