Hoạt động nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, tập trung hỗ trợ các nhà văn ở trong, ngoài nước phát triển nghề nghiệp; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, làm cho con đường đến với công chúng trong nước của các nhà văn ở nước ngoài cũng như tác phẩm văn học của họ được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ ở trong, ngoài nước hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt, động viên các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đẩy mạnh sáng tác và dịch thuật. Các đại biểu cũng cùng nhau xem xét thời gian để tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài; đề nghị giới thiệu thêm nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại tham dự cuộc gặp lần thứ 2.
Hầu hết các đại biểu thống nhất, cuộc gặp lần thứ 2 nên bàn sâu về học thuật, thông tin về những vấn đề thực tế đang đặt ra; khuyến khích các nhà văn ở ngoài nước tiếp xúc rộng rãi với thực tế trong nước để cập nhật vốn sống, sáng tác. Về địa điểm tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ 2, đa số đại biểu đều cho rằng nên tổ chức tại một số trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sau cuộc gặp mặt lần thứ nhất, Ban tổ chức nên rút kinh nghiệm để cuộc gặp lần thứ 2 được rộng, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần lập một hòm thư chung để các nhà văn ở các nước có thể thường xuyên trao đổi về học thuật; đề nghị Trung tâm dịch thuật văn học Việt Nam mở trang web, đưa lên những tác phẩm nhiều thứ tiếng để các nhà thơ, nhà văn ở nước ngoài có điều kiện quảng bá tiếp ở khu vực họ sinh sống.
Đại diện cho các nhà văn ở phía Nam, nhà văn Trần Vạn Giã khẳng định, các Chi hội Hội Nhà văn ở phía Nam cũng như trên cả nước luôn tạo điều kiện cho các nhà văn hoạt động, sáng tác. Trước năm 1975, có khá nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, thời gian gần đây dường như số lượng này không nhiều. Để quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam nên tuyển chọn một số tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu, hỗ trợ dịch ra tiếng nước ngoài. Về hình thành đại diện ở mỗi nước, nhà văn đề nghị trước hết nên thành lập Ban liên lạc nhà văn Việt Nam ở nước ngoài có thể gọi là Ban Nhà văn hải ngoại làm cơ sở kết nối, triển khai các hoạt động phối hợp với đại diện ở các nước.
Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng (Liên Bang Nga) chia sẻ rằng sách Việt Nam ở nước ngoài hiện nay rất hiếm. Riêng ở Liên Bang Nga, có thời kỳ, 1/4 thế kỷ không có một cuốn sách Việt Nam nào được dịch sang tiếng Nga, tình trạng này giờ đã được cải thiện nhiều. Nhà văn khẳng định văn học của chúng ta không thua kém nhiều cường quốc trên thế giới, tuy nhiên không được nhiều người dân ở các nước biết đến văn học Việt Nam, bởi vậy cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá văn học dịch Việt Nam ra nước ngoài.
Cùng chung quan điểm trên, dịch giả Giáp Văn Chung (trở về từ Hungary) lại cho rằng khó khăn nhất trong chuyển dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài là vấn đề mua bản quyền. Dịch giả này đưa ra giải pháp là cứ hai hoặc ba năm một lần nên công bố danh mục tác giả, tác phẩm Việt Nam có thể được dịch ra nước ngoài; có quỹ hỗ trợ dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài; có Nhà dịch thuật, mở của liên tục cho các dịch giả đến sáng tác...
Kết thúc buổi tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc gặp hôm nay xuất phát từ chủ trương nhất quán của Hội Nhà văn Việt Nam theo tinh thần đổi mới tư duy, phương thức hoạt động. Đây là vấn đề chiến lược lâu dài, bên bỉ; là sự nhập cuộc, giải quyết mọi khó khăn, làm cho tác phẩm của các nhà văn ở nước ngoài đến với công chúng rộng rãi hơn. Hội cũng hy vọng các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh sáng tác để bạn đọc trong nước hiểu được cuộc sống, tâm hồn, cốt cách của hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại cuộc tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng cuộc gặp mặt ý nghĩa này nên được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, địa điểm nên thay đổi, lần sau có thể là Thành phố Hồ Chí Minh.
Về đề nghị lập một Ban liên lạc các nhà văn ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định Ban Chấp hành Hội sẽ thống nhất việc xem xét thành lập; sau đó sẽ công bố quy chế làm việc, quyền hạn, trách nhiệm của Ban này.
Đáp ứng những mong mỏi của các đại biểu, trước mắt, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ công bố rộng rãi thông tin về giải thưởng của Hội để các nhà biên dịch chọn tác giả, tác phẩm dịch, quảng bá ra nước ngoài. Hội cũng sẽ sử dụng quỹ của mình để hỗ trợ các tác phẩm dịch; khắc phục nhiều khó khăn để đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài./.
TTX