(TG) - Đây là thông điệp mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.
Kháng thuốc hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Theo WHO, mỗi năm, thế giới có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Tại Việt Nam, theo Thống kê của Bộ Y tế, thuốc chiếm 48% chi phí khám chữa bệnh, trong đó kháng sinh chiếm 33% chi phí của các loại thuốc (tương đương 17% chi phí trong khám chữa bệnh). Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và không hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung. Ngoài ra, tình hình sử dụng thuốc kháng vi sinh vật trong chăn nuôi, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm làm gia tăng mối nguy cơ kháng thuốc kháng vi sinh vật đe doạ sự an toàn và bền vững của chuỗi thức ăn. Dư lượng kháng sinh trong đất, nước và môi trường tiếp tục góp phần tạo nên mối nguy cơ về kháng thuốc kháng vi sinh vật do các quy định chưa nghiêm về tiêu hủy chất thải công nghiệp và chất thải con người. Tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vât là một vấn đề đa chiều không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết: “Tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật đe doạđến năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh, tình trạng kháng thuốc vi sinh vật có tính đa chiều và gây nguy hiểm cho sự sống còn con người và nền kinh tế”.
Kháng thuốc vi sinh vật là gì?
Kháng thuốc vi sinh vật là khả năng kháng lại của một vi sinh vật đối với một loại thuốc kháng vi sinh vật mà loại thuốc này ban đầu có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật đó gây ra.
Các vi sinh vật kháng thuốc (như vi khuẩn, nấm, vi rút và ký sinh trùng) có thể chịu được sự tấn công của các loại thuốc kháng vi sinh vật như thuốc kháng khuẩn (ví dụ, thuốc kháng sinh), thuốc chống nấm, thuốc chống vi rút, và thuốc chống sốt rét khiến cho phác đồ điều trị tiêu chuẩn trở nên vô hiệu và tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật sang người khác.
Việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng vi sinh vật làm gia tăng sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc. Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn kém, điều kiện vệ sinh thiếu thốn và việc sử lý thức ăn không hợp lý khiến cho tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật tiếp tục lan rộng.
Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận
Năm 2015, WHO phát đi thông điệp toàn cầu trong chiến dịch phòng chống kháng thuốc: “Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận”, kêu gọi các cá nhân và các chuyên gia chăm sóc y tế hành động để bảo đảm các thế hệ tương lai tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả, điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn có khả năng gây tử vong.
WHO vận động mọi cá nhân sử dụng thuốc kháng sinh một cách hiểu biết và có trách nhiệm. Đồng thời, cũng vận động các chuyên gia chăm sóc y tế và nhà cung cấp dịch vụ y tế chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh, bảo đảm rằng thuốc kháng sinh chỉ được cấp phát khi thực sự cần thiết. Trách nhiệm này bao gồm việc luôn luôn lựa chọn đúng loại thuốc kháng sinh, đúng liều và thời gian sử dụng phù hợp. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cũng cần giáo dục bệnh nhân về sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm và tuân thủ vệ sinh tốt, thực hành phòng, chống nhiễm khuẩn.
Từ năm 2013, Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thông qua kế hoạch hành động quốc gia chống kháng thuốc. Tháng 6/2014, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các đối tác phát triển khẳng định lại cam kết của mình bằng việc thỏa thuận ký kết bản ghi nhớ cùng phối hợp và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia trong tất cả các ngành.
Phù hợp với các chiến lược khu vực trên toàn cầu của WHO về kháng thuốc kháng vi sinh vật, bản ghi nhớ và kế hoạch hành động quốc gia cũng giúp nâng cao ý thức về kháng thuốc kháng vi sinh vật ở cán bộ y tế và công chúng nói chung, tăng cường và nâng cao năng lực của các hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, bảo đảm cung cấp đủ thuốc thiết yếu có chất lượng và tăng cường sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn xuyên suốt các ngành.
Nhằm kêu gọi toàn xã hội tham gia phòng, chống kháng thuốc, từ ngày 16-22/11/2015, Bộ Y tế phối hợp WHO tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc. Tuần lễ truyền thông được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp… về phòng, chống kháng thuốc. Từ đó nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong điều trị y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường… Thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lạn của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người; đặc biệt là tuyên truyền, vận động lấy được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Việc hiểu rõ sử dụng kháng sinh như thế nào là đúng, là có trách nhiệm trở nên quan trọng hàng đầu. Một số điểm về sử dụng kháng sinh cần đặc biệt ghi nhớ là:
- Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm
- Hãy giữ kháng sinh cho riêng mình: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc
- Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau
- Dùng kháng sinh đúng thời điểm. Nếu được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu
- Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng chống nhiễm khuẩn: Che miệng khi ho, hắt hơi. Rửa tay xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc trước khi ăn và sau khi lau mũi
|
Bùi Thanh