Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/6/2016 22:29'(GMT+7)

Không khí sạch - Trách nhiệm chung

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với mục tiêu tăng cường kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Đây là quyết định hợp lòng dân, cũng là quyết định thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chung tay gìn giữ bầu khí quyển trong lành.

Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ công nghiệp hóa rất cao. Lượng khí thải từ sản xuất công nghiệp và phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng ngày càng lớn. Cùng với đó, do tâm lý muốn tiết kiệm, nhiều cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tận dụng phương tiện, máy móc cũ kỹ, lạc hậu trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, nên lượng khí xả thải vào môi trường cũng theo đó tăng lên. Thực tế cho thấy, ở một số nơi, người dân đã phải lên tiếng phản đối các nhà máy gây ô nhiễm không khí trong khu vực. Một số vụ việc, Chính phủ đã phải trực tiếp có ý kiến chỉ đạo để xử lý rốt ráo vấn đề.

Quyền được sống trong môi trường trong lành cũng là quyền con người được Hiến định tại Điều 43-Hiến pháp năm 2013. Bởi thế, việc ban hành kế hoạch nêu trên là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam, cụ thể là của Chính phủ Việt Nam, trong việc bảo vệ bầu không khí trong lành, qua đó bảo đảm thực thi quyền con người đã được Hiến định. Vấn đề đặt ra là các cơ quan hữu quan, cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng môi trường nói chung, chất lượng không khí nói riêng (trong đó có lực lượng Cảnh sát môi trường) phải thực sự vào cuộc, thực sự có trách nhiệm và thực sự nghiêm khắc khi thi hành công vụ. Mọi biểu hiện xuê xoa, thỏa hiệp với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xả thải gây ô nhiễm bầu không khí đều góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng “nhờn” quy định, khiến cho mọi nỗ lực bảo vệ môi trường khó đạt được hiệu quả.

Hiến pháp cũng quy định rõ ràng nghĩa vụ của mọi người trong việc bảo vệ môi trường-sống trong môi trường trong lành là quyền con người duy nhất trong Hiến pháp được quy định rõ ràng với nghĩa vụ đi kèm. Điều đó có nghĩa, dù là công dân Việt Nam hay không phải là công dân Việt Nam, nhưng đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì đều phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Do vậy, mọi hành vi xả thải gây ô nhiễm không khí dù của cá nhân hay cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng đều vi Hiến, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có thể bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để có môi trường không khí bảo đảm chất lượng, ngay từng cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có ý thức cao hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường; kiên quyết không sử dụng những phương tiện, dụng cụ sinh hoạt và làm việc cũ kỹ, lạc hậu, xả thải nhiều chất độc hại vào môi trường; có sự lựa chọn thông minh những phương tiện, dụng cụ sinh hoạt, làm việc thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp quyết "nói không" với việc sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất lạc hậu; lựa chọn công nghệ sản xuất hiện đại, ít gây hại cho môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch và thực hiện nghiêm quy hoạch phát triển công nghiệp để quản lý hiệu quả hơn hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp...

Mong rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan công quyền, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ đồng lòng "nói không" với hành vi gây ô nhiễm môi trường, để đất nước Việt Nam luôn là điểm đến xanh, sạch, đẹp trong mắt bè bạn năm châu…/.

Nguyễn Chiến Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất