Quyền của
phụ nữ trong lĩnh vực chính trị được hiểu là quyền được bầu cử, ứng cử
và tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. Đặt trong các tiêu chí
về bình đẳng giới thì quyền chính trị của phụ nữ là một trong những
quyền con người quan trọng nhất của phụ nữ.
Trong những thập kỷ
gần đây, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trong đó có
quyền chính trị là một trong những vấn đề được Liên hợp quốc quan tâm và
ưu tiên. Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới và bảo đảm quyền chính trị
cho người dân, nhất là đối với phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước ta coi
trọng, trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật cũng như các công
ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Về cơ bản,
hiện nay, phụ nữ đã có vị trí và vai trò ngang bằng với nam giới, được
thụ hưởng những thành quả của đời sống xã hội, được tạo cơ hội để phát
triển toàn diện, được tham gia nhiều hoạt động chính trị. Dù vậy, thực
tế có lúc có nơi vẫn còn tồn tại những khoảng cách chênh lệch giữa nam
giới và nữ giới trong việc thực hiện các quyền được quy định trong pháp
luật.
Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, mặc dù tỷ lệ nữ đại
biểu Quốc hội đã tăng nhưng chưa thật bền vững. Tại nhiều nơi, tỷ lệ
phụ nữ tham gia cấp ủy đảng còn thấp; tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số giữ
vị trí lãnh đạo chủ chốt còn thấp; việc hoạch định và thực thi chính
sách đối với nữ giới còn hạn chế do sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số
lĩnh vực quan trọng. Một số lãnh đạo nữ khi thực hiện quyền được trao
vẫn còn thụ động, chưa phát huy được năng lực của bản thân.
Trong
số những nguyên nhân dẫn đến việc bảo đảm quyền chính trị cho phụ nữ
chưa thật sự hiệu quả cần đề cập đến vấn đề nhận thức của một bộ phận
người dân về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Các định kiến về giới, tư
tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Không ít người vẫn giữ quan
niệm phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ chăm sóc con cái,
gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, không nên tham
chính, đảm nhận các vị trí lãnh đạo vì sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia
đình.
Bên cạnh đó là định kiến về năng lực lãnh đạo của phụ nữ
khi cho rằng phụ nữ thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc ra quyết định
khiến họ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.
Đáng nói, những định kiến này không chỉ đến từ xã hội mà hiện diện trong
nhiều gia đình và từ chính quan niệm, nhận thức của một bộ phận nữ giới
về khả năng cũng như giá trị của bản thân. Điều này vô hình trung tạo
ra những áp lực và trở ngại không hề nhỏ trong việc thực hành các quyền
của phụ nữ, trong đó bao gồm cả quyền chính trị.
Mặt khác, tại
một số cơ quan, doanh nghiệp đang trả lương “phân biệt đối xử” khi nam
giới luôn có mức lương cao hơn nữ giới cho dù cùng một vị trí công việc
và mức độ đóng góp công sức như nhau; hoặc những quy định ngặt nghèo đối
với phụ nữ khi đảm nhận một số công việc nhất định phải cam kết không
kết hôn hoặc sinh con...
Cùng với đó, nhiều hành vi phân biệt
đối xử về mặt giới tính vẫn đang xảy ra trong xã hội song thiếu những
chế tài xử phạt nghiêm khắc. Chính vì vậy nhiều phụ nữ buộc phải lựa
chọn giữa gia đình hoặc thăng tiến trong công việc. Chưa kể, những chính
sách bảo đảm quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đã được Đảng và Nhà nước
ban hành song việc thực hiện trên thực tế vẫn chưa thật sự đồng bộ, nhất
là với các đối tượng ở khu vực vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận các cơ
hội học tập, phát triển nghề nghiệp, tham gia hoạt động xã hội vẫn còn
hạn chế.
Lợi dụng những hạn chế này, các thế lực thù địch, tổ
chức phản động ra sức phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc
bảo đảm bình đẳng giới nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói
riêng. Các đối tượng đưa ra những thông tin sai sự thật, thổi phồng một
số vụ việc hiện tượng để vu cáo Việt Nam không có bình đẳng giới, phân
biệt đối xử với phụ nữ, phụ nữ “bị bỏ rơi”… Các đối tượng xuyên tạc
rằng, dưới chế độ “đảng trị”, phụ nữ bất bình đẳng về kinh tế, chính
trị, giáo dục, y tế và “Đảng chỉ đưa ra những chính sách mị dân, lừa bịp
chị em”. Đây rõ ràng là những nhận định thiếu khách quan, thiếu thiện
chí nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân
tộc.
Cần khẳng định thành tựu và nỗ lực của Đảng, Chính phủ Việt
Nam trong vấn đề bình đẳng giới nói chung và bảo đảm quyền chính trị cho
phụ nữ nói riêng là không thể phủ nhận. Ngay khi mới thành lập, Hiến
pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quy định rõ: “Tất cả
công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh
tế, văn hóa” (Điều thứ 6), “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương
diện” (Điều thứ 9). Đến Hiến pháp năm 2013, nội dung này được tiếp tục
hoàn thiện: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt.
Nhà nước có
chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và
gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò
của mình trong xã hội” (Điều 26). Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn
mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ,
khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt
Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
Từ
định hướng chỉ đạo sáng suốt của Đảng, thời gian qua, Việt Nam liên tục
bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề
về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ
luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong
đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;
Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng
giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật. Ngày 3/3/2021, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia
về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Việt Nam là một trong những quốc
gia trên thế giới sớm ký Công ước xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ
(CEDAW) vào 29/7/1980 và phê chuẩn vào 27/11/1981.
Theo Báo cáo
Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6/2023),
Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ hạng 83
lên 72 trong 146 nước tham gia xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính
trị, Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2022, xếp từ thứ hạng 106 lên thứ
hạng 89, trong đó, tỷ lệ nữ tham chính xếp hạng 53.
Báo cáo về
kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022 của Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia
chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Bà Tatiana Pugh Moreno, Đại sứ
Venezuela tại Việt Nam đánh giá cao Chiến lược quốc gia về bình đẳng
giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã thật sự tạo điều kiện và cơ hội
để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay nhiều
quốc gia nỗ lực thực hiện quyền chính trị của phụ nữ, coi đó là thước đo
quan trọng nhất của bình đẳng giới. Năm 2022, New Zealand lần đầu trong
lịch sử có một quốc hội với 60 nữ nghị sĩ, 59 nghị sĩ nam. Đây không
chỉ là cột mốc đặc biệt của New Zealand mà còn đưa số quốc gia có tỷ lệ
cân bằng giới hoặc nữ nhiều hơn nam trong quốc hội tăng lên 6 nước, gấp
đôi so với năm 2020.
Tại Phần Lan, Nhà nước đã rất chú trọng
việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chuyên trách trong Chính phủ về bình
đẳng giới. Còn tại châu Á, Thái Lan là một quốc gia gặp nhiều rào cản
trong việc thực hiện bình đẳng giới, tuy nhiên, chính phủ nước này đã
chú trọng xây dựng chế độ vận hành hiệu quả cơ chế bảo đảm quyền của phụ
nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng, gồm: Thanh tra
Quốc hội, Ủy ban Quyền con người quốc gia, Bộ Phát triển xã hội và An
ninh con người.
Từ thực tiễn nhiều quốc gia cũng như của Việt Nam
có thể thấy việc tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là rất
cần thiết, không chỉ bảo đảm tiếng nói đại diện, thể hiện tâm tư, nguyện
vọng của nữ giới mà còn khẳng định, nếu không có sự tham gia đầy đủ và
bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống thì xã hội không
thể có được phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực chính trị, Chiến
lược bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đặt mục tiêu đến
năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước,
chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Để
đạt được mục tiêu này, việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực
chính trị cần thực chất và hiệu quả hơn nữa; đẩy mạnh vai trò trách
nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam trong tạo lập môi trường thuận lợi để phụ nữ tham gia
vào đời sống chính trị hiệu quả hơn; đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ
sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về công tác phụ nữ và
bình đẳng giới; tăng cường nguồn lực từ ngân sách, từ xã hội hóa để tạo
cơ hội cho phụ nữ làm chủ về kinh tế, có điều kiện được đào tạo, nâng
cao trình độ, năng lực tham chính…
Cùng với việc trao quyền cho
phụ nữ thì chính chị em cũng cần nâng cao nhận thức về quyền và giá trị
của bản thân, chuẩn bị tâm thế, năng lực để đón nhận và thực hiện quyền
chính trị được trao một cách hiệu quả nhất./.
MINH ANH (nhandan.vn)