Thứ Tư, 9/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 26/7/2009 7:30'(GMT+7)

Không thể làm phim với số tiền 4,2 tỷ ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (giữa) tại trường quay

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (giữa) tại trường quay

4,2 tỷ không đủ với quy mô phim Mãi mãi tuổi 20

Có thể nói, Mãi mãi tuổi 20 là bộ phim có số phận khá lận đận. Viết về một thế hệ ra trận, trong đó nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi 20 là kịch bản tâm huyết của tác giả Hoàng Nhuận Cầm. Kịch bản được duyệt cách đây 2 năm và đơn vị được giao phim là Hãng phim Điệp Vân. Sau một thời gian lặng lẽ chuẩn bị, Điệp Vân phim đã “buông” kịch bản vì những khó khăn khách quan. Kịch bản được giao lại cho Hãng phim Truyện VN và đạo diễn là Lưu Trọng Ninh.  Nhận phim, 6 tháng vẫn loay hoay với kịch bản. Đơn giản vì với nội dung và quy mô kịch bản gốc phải cần đến 20 tỷ mới có thể làm được. Điều chỉnh nội dung, số lượng, tuyến nhân vật, quy mô bối cảnh... tiết kiệm tối đa nhưng vẫn phải “lắc” với số tiền 4,2 tỷ được cấp.  Nói về điều này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Tôi là người biết cách tiết kiệm trong làm phim. Nhưng số tiền 4,2 tỷ là không thể đủ, cho dù quy mô Mãi mãi tuổi 20 đã được điều chỉnh.  Đây là một phim chiến tranh, câu chuyện diễn ra chủ yếu ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước và trận địa không phải là rừng núi để có thể đưa máy vào rừng quay mà là thành cổ Quảng Trị trước và sau năm 1972. Làm phim trong điều kiện không có trường quay, việc dựng lại  đường phố Hà Nội cho đúng với bối cảnh thật những năm 70 của thế kỷ trước vô cùng tốn kém. Ở Hà Nội bây giờ tràn ngập xe máy, xe ô tô, mũ bảo hiểm, biển hiệu các loại... Nếu là phim do Tây làm, họ có thể thuê hẳn một khu phố, dừng hoạt động trong vài ngày, cải tạo bề mặt phố bằng vật liệu điện ảnh và đưa vào đó xe đạp, các đạo cụ, cùng diễn viên quần chúng trong trang phục của những năm 70. Điều này với ta là không thể. Bởi số tiền bỏ ra  để khu phố ngừng hoạt động... có khi ngang với số tiền được cấp làm phim. Vì thế phải “liệu cơm gắp mắm”, tùng tiệm trong điều kiện làm phim của VN.  Nhưng tùng tiệm cỡ nào cũng phải đảm bảo chất lượng phim. Theo đó, số tiền 4,2 tỷ là không thể đủ”.

Đã “gõ nhiều cửa”, nhưng...

Chứng minh cho  sự  “không đủ” của số tiền 4,2 tỷ được duyệt, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa ra những con số có tính chất so sánh. Đó là số tiền sản xuất của một số phim mà theo đạo diễn thì những phim đó bối cảnh không phức tạp, quy mô cũng không lớn như  Mãi mãi tuổi 20: Đừng đốt: hơn 11 tỷ; Long Thành cầm giả ca: 7,2 tỷ; Nhìn ra biển cả: 7,2 tỷ; Những người viết huyền thoại: 13 tỷ... Theo ông Ninh, số tiền “đủ” để làm Mãi mãi tuổi 20  phải khoảng 7-8 tỷ. Nghĩa là, bộ phim cần có 3 tỷ nữa mới có thể... bấm máy. Trong thời gian qua, cá nhân đạo diễn và đơn vị sản xuất đã gõ cửa nhiều nơi để xin tiền, xin tài trợ. Ông Ninh kể: “Chúng tôi định xin Hà Nội 3 tỷ vì bộ phim này nói về những người con Hà Nội đi chiến đấu; phần lớn bối cảnh phim là ở Hà Nội, nên có thể coi đây là một dự án điện ảnh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Gõ cửa rồi, nhưng thấy thái độ không mặn mà, biết không được, nên phải rút. Còn các doanh nghiệp thì đều  lắc vì thời suy giảm kinh tế chưa qua. Họ lo thân họ còn chưa xong, lấy đâu tài trợ cho điện ảnh, lại là một dự án phim chiến tranh, ít có khả năng lợi nhuận từ việc phát hành rạp. Mấy ngày qua, có dư luận cho rằng, tôi trả phim vì ít tiền. Thực ra tôi chưa có ý định ấy. Tôi chỉ kiến nghị với lãnh đạo hãng phim cho gặp lãnh đạo Cục Điện ảnh để trao đổi về vấn đề bổ sung kinh phí. Đây là một dự án phim có ý nghĩa. Thiết nghĩ, nếu chúng ta muốn  tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ bằng những bài học nhân văn từ phim thì cần phải đầu tư thích đáng để có những phim đáng xem, đáng phải xem và... không xem không được. 4,2 tỷ là số tiền lớn, nhưng nếu tính trượt giá, thì số tiền này chỉ tương ứng với 2-3 tỷ cách đây 2 năm. Nếu không  được bổ sung kinh phí, thì thà đừng sản xuất phim này nữa, vì  chắc chắn chất lượng không đảm bảo”.

Đồng  cảm với lo lắng của  đạo diễn, ông Vũ Xuân Hưng, Phó giám đốc Hãng phim Truyện VN cho biết, trong tuần tới, Hãng sẽ xin làm việc với Cục Điện ảnh để bàn bạc, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tăng kinh phí của dự án phim Mãi mãi tuổi 20.

theo
Chu Thu Hằng-VHOnline

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất