Những ngày gần đây, dư luận nóng lên với những thông tin liên quan việc cá chết hàng loạt, dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng. Nguyên nhân cụ thể còn đang chờ các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng vụ việc khiến chúng ta không khỏi quan ngại về một tình trạng đang chiều hướng gia tăng thời gian gần đây: tăng trưởng gây ô nhiễm môi trường.
Còn nhớ năm 2008, người dân huyện Long Thành, Đồng Nai đã phát hiện Công ty Vedan lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Vụ việc sau đó đã được báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng vào cuộc, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng... Tới năm 2013, cũng lại người dân phát hiện ra vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất trừ sâu với độc tố vượt ngưỡng hàng chục nghìn lần ở Thanh Hóa, khiến nhiều người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phải bỏ làng đi nơi khác vì lo sợ nhiễm độc, ong thì chết và bỏ tổ, cá tôm bỏ đàn...
Mới đây, Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường thông báo chất lượng không khí Hà Nội có lúc đã chạm vào ngưỡng cam (chỉ số chất lượng không khí AQI dao động ở mức 122-178). Đây là mức chất lượng không khí kém, mức khuyến cáo người già, trẻ em và những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài. Đây được cho là kết quả của việc đốt, xử lý rác thải bằng công nghệ lạc hậu của các công ty, doanh nghiệp, làng nghề trước khi xả vào môi trường.
Một vài ví dụ trên chỉ là bề nổi, là những vụ việc đã bị phát hiện. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đang thu lợi bất chính từ việc hủy hoại môi trường bất chấp hậu quả như trên. Với mỗi doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh làm sao để đạt lợi nhuận tối ưu bao giờ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Một nền kinh tế cũng vậy, cần thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương và tạo nhiều việc làm cho người dân. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta bất chấp tất cả. Chúng ta không thể vì lợi nhuận, vì tăng trưởng bằng mọi giá. Các doanh nghiệp không được phép quên rằng tăng trưởng muốn bền vững phải dựa trên sự phát triển tổng thể, hài hòa ba yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó môi trường là yếu tố đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng bền vững không đơn thuần chỉ là gia tăng thu nhập bình quân đầu người, mà còn phải đảm bảo chất lượng cuộc sống, trong đó có việc giữ gìn môi trường xanh, sạch. Cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng môi trường không thể là cái giá để chúng ta phải trả cho tăng trưởng, dù đó có là tăng trưởng 2 con số hay nhiều hơn.
Điều mà người dân mong đợi và lựa chọn đó là tăng trưởng bền vững chứ không phải là tăng trưởng cao mà môi trường sống bị ô nhiễm. Những gì đang diễn ra với môi trường sống quanh chúng ta, từ những bài học về môi trường và tăng trưởng trong quá khứ của các nước phát triển... là hồi chuông báo động: Không thể tăng trưởng bằng mọi giá!./.
Hữu Dương (QĐND)