Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 25/2/2012 16:34'(GMT+7)

Khủng hoảng Syria: Người dân phải được tham gia đối thoại

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Cuộc họp "Nhóm những người bạn Syria". (Ảnh Ria Novosti).

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Cuộc họp "Nhóm những người bạn Syria". (Ảnh Ria Novosti).

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết bà hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ giúp thuyết phục Nga và Trung Quốc thay đổi quan điểm về Syria.

Nga và Trung Quốc, 2 nước đã phủ quyết nghị quyết của của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Phát biểu tại họp báo trong cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria” tại Tunisia, Bà Clinton hy vọng 2 nước sẽ thay đổi thái độ: "Nếu Nga và Trung Quốc thay đổi quan điểm và ủng hộ Nghị quyết, chúng ta sẽ sớm có giải pháp thực hiện những việc phải làm”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 cho biết “Moscow sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc, EU, Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo để giải quyết vấn đề Syria”. Nhưng sự hợp tác này phải “phi bạo lực” và “không có sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria”.

Các nhóm đối lập bất đồng quan điểm

Cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria” bao gồm đại biểu của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để cho phép viện trợ nhân đạo vào nước này.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki nói rằng, Tunisia phản đối việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua sự can thiệp bên ngoài, cũng như kế hoạch gửi lực lượng gìn giữ hòa bình Arab vào Syria để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ thường dân.

Ông Marzouki cũng gợi ý rằng một "Mô hình Yemen" nên được áp dụng để giúp Syria để bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức và bàn giao quyền lực cho cấp phó của ông, mở đường cho quá trình chuyển đổi, giúp chấm dứt cuộc đối đầu đẫm máu giữa chính phủ và phe đối lập.

Trong khi đó, phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi cho biết, AL sẽ tôn trọng chủ quyền của Syria và từ chối bất kỳ hình thức can thiệp của nước ngoài để ngăn chặn một cuộc chiến tranh dân sự.

"AL cũng sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Syria hướng tới tự do và cải cách chính trị", ông Arabi nói.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã tiến hành các phiên họp kín. Tại cuộc họp, nhóm đã đạt được sự thống nhất về tránh một cuộc xung đột quân sự tại Syria và hướng tới một giải pháp chính trị bằng cách công nhận phe đối lập Syria. tức Hội đồng quốc gia Syria (SNC) là "đại diện hợp pháp" cho người dân Syria.

Nhóm cũng nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt chống lại chính phủ Syria và hạn chế các hoạt động ngoại giao với Damascus.

Pháp cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đóng băng tài sản của Ngân hàng quốc gia Syria tại các nước thành viên EU bắt đầu từ 27/2.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với chính quyền Syria. Bà Hillary cũng công bố tại Hội nghị rằng, Mỹ đã cung cấp 10 triệu USD để "nhanh chóng mở rộng các nỗ lực nhân đạo, bao gồm cả hỗ trợ cho người tị nạn ở Syria".

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng AL Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan, Ngoại trưởng Vương quốc Anh William Hague và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh AP).

Cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria” tổ chức ngày 24/2 tại Tunisia nhằm mục tiêu “ép” Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, ba nhóm đối lập chính vẫn “còn xa” mới thống nhất được quan điểm.

Ủy ban Quốc gia lưu vong Syria và Ủy ban Điều phối quốc gia thay đổi dân chủ chấp nhận lời mời đến Cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria”. Ông Hassan Abul-atheem, Chủ tịch Ủy ban Điều phối quốc gia thay đổi dân chủ, cho biết: "Ủy ban Điều phối quốc gia sẽ cố gắng hết mức để đoàn kết các lực lượng đối lập cả về truyền thông, chính trị và ngoại giao”.

Cho đến nay, Ủy ban Điều phối quốc gia đã có được sự ủng hộ ít nhiều trong công chúng Syria, trong khi Ủy ban lưu vong của quốc gia lại được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Điều này làm cho việc thống nhất nhất quan điểm không phải là dễ dàng.

Bên cạnh đó, Mặt trận Thay đổi và giải phóng là một phe đối lập Syria tầm trung, nói tổ chức này không tham dự cuộc họp, vì nghi ngờ mục đích của tổ chức. Ông Qadri Jamil, Chủ tịch Mặt trận Thay đổi và Giải phóng, cho biết: "Cuộc họp này không nhằm mục đích giải quyết vấn đề Syria, mà đang bị các thế lực nước ngoài, đứng đầu là Mỹ để tìm cách can thiệp từ bên ngoài".

Tổ chức này tin rằng cuộc khủng hoảng Syria không thể được giải quyết thông qua các phương tiện quân sự, như sử dụng bạo lực, hoặc cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Tuy nhiên, mặc dù có những bất đồng như vậy, Mỹ và phương Tây vẫn bám vào hy vọng rằng có thể thống nhất các phe đối lập để thực hiện một kế hoạch chuyển đổi ở Syria.

Syria có thể tự giải quyết vấn đề nội bộ

Một giáo sư Đại học Syria đã chỉ trích Cuộc họp “Nhóm những người bạn của Syria” là "một nỗ lực để “hà hơi” cho phe đối lập".
"Tôi không thể hiểu làm thế nào Mỹ lại có thể là một người bạn của Syria sau khi tất cả các biện pháp trừng phạt đã áp đặt trong và trước khi tình trạng bất ổn, nhắm tới mục tiêu là người dân Syria", ông Bassam Abdullah, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Damascus cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tân Hoa Xã.

Cuộc họp “Nhóm những người bạn Syria” tập hợp các nhà ngoại giao hàng đầu từ Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu và Mỹ, nhưng lại vắng mặt của Trung Quốc và Nga, trong đó đặc biệt là không có sự tham gia của chính quyền Damascus.

"Cuộc họp này cho thấy những người tham gia đã bị phá sản”, ông Abdullah nói thêm rằng "nó sẽ không mang lại bất cứ điều gì quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria".

“Mục tiêu cuối cùng của Cuộc họp là nhằm thống nhất các nhóm đối lập Syria và lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad”, Giáo sư cho biết thêm.

Ông nói rằng Syria đã phải chịu áp lực quốc tế tương tự như năm 2005, sau vụ ám sát Thủ tướng Lebanon Rafiq al-Hariri, mà nhiều người đã đổ lỗi cho Syria.

Các giáo sư chỉ trích việc rút các đại sứ Arab từ Damascus về nước, và nói rằng "các đại diện ngoại giao là rất quan trọng để tìm một lối ra của cuộc khủng hoảng hiện tại".

Giáo sư Abdullah bày tỏ tin tưởng và lạc quan rằng cuộc khủng hoảng Syria sẽ kết thúc vào cuối tháng tiếp theo, ông cho rằng Syria đang chuyển động theo đúng kế hoạch cải cách của mình.

Trong khi đó, Giáo sư Abdullah nhấn mạnh, đối thoại là cách duy nhất để chấm dứt tình trạng bất ổn trong nước hiện nay, cuộc đối thoại không nên giới hạn cho những người ủng hộ và phản đối, bởi vì đa số người dân Syria không thuộc phe phái nào và họ phải được tham gia vào cuộc đối thoại.

“Syria có khả năng tự giải quyết các vấn đề nội bộ”, Giáo sư Abdullah nói, “đặt cược vào phương Tây đã không thành công, cần phải gạt sang một bên bất kỳ sự can thiệp quân sự nào như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng”./.

(Theo: Bích Đào/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất